Truyền thông Marketing - Nghề hấp dẫn giới trẻ
Marketing đối với các bạn trẻ là một ngành có sức hấp dẫn khó cưỡng lại nhưng thế giới Marketing thật rộng lớn.

Trong lớp học và trong nhiều giáo trình căn bản, chúng ta được nghe đến 4P của Marketing: Product (sản phẩm); Price (giá cả); Place (phân phối);Promotion (khuếch trương, xúc tiến). Chỉ riêng mỗi “P” cũng đã là một lĩnh vực mênh mông với rất nhiều phân ngành để lựa chọn: truyền thông, nghiên cứu thị trường, quảng cáo, … và hàng trăm vị trí. Vậy đâu sẽ là lựa chọn đúng đắn cho bạn?

Hãy cùng tìm hiểu định hướng nghề nghiệp trong phân ngành Truyền thông Marketing – thuộc “P” cuối cùng: Promotion để hiểu rõ và hoạch định kế hoạch nghề nghiệp sau này.

I. Tổng quan về ngành Truyền thông Marketing:


Để có thể đạt được mục tiêu kinh doanh trên thị trường, có một sản phẩm tốt không thôi chưa đủ, doanh nghiệp (DN) cần phải xây dựng thương hiệu của minh thành một thương hiệu được khách hàng ưa chuộng. Để đạt được điều này, DN cần phải tiến hành các hoạt động truyền thông để khách hàng biết những tính năng ứng dụng, tính ưu việt và lợi ích của sản phẩm mình. Ngoài ra, DN còn cần phải xây dựng mối quan hệ khách hàng và không ngừng duy trì cũng cố mối quan hệ này. Vì những yêu cầu trên, DN cần có một chiến lược truyền thông marketing.

Marketing, thế giới Marketing, truyền thông, nghiên cứu thị trường, quảng cáo, Truyền thông Marketing, xây dựng thương hiệu, quan hệ khách hàng

Ngành truyền thông Marketing của Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa so với các nước trên thế giới. Truyền thông Marketing chưa thực sự trở thành một ngành công nghiệp đem về nhiều lợi nhuận như nhiều nước trên thế giới. Tại Mỹ, doanh thu từ quảng cáo, truyền thông năm 2011 đạt 650 tỉ USD, trong khi VN chỉ được gần 1 tỷ USD khá thấp với 1 thị trường rộng lớn hơn 88 triệu người.

Nếu so với các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Indonesia… thì doanh thu của họ cao hơn 2 đến 3 lần so với nước ta. Hơn 80% ngân sách tiếp thị và truyền thông tại VN đã được thực hiện bởi 30 công ty đa quốc gia, phần còn lại được phân chia cho hơn 5.000 công ty VN. Về lâu dài, VN cần hướng đến xây dựng một ngành công nghiệp truyền thông Marketing chuyên nghiệp.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sản xuất kinh doanh đình trệ, các DN phải tìm đủ mọi cách để sản phẩm mình làm ra có thương hiệu và chỗ đứng trong khách hàng. Đây là cơ hội cho ngành Truyền thông Marketing phát triển. Nhu cầu về nhân lực ngành này không chỉ đến từ các công ty chuyên về truyền thông, tổ chức sự kiện mà còn đến từ bản thân các DN. Thực tế, trong nửa năm trở lại đây, nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực này luôn ở mức "cung không đủ cầu". Thống kê trực tuyến trên trang web về việc làm của Vietnamworks.com cho thấy: Marketing, truyền thông thuộc những ngành có cầu nhân lực cao nhất hiện nay.

II. Các loại hình công ty, vị trí công việc và thu nhập:

Nếu Truyền thông Marketing là lựa chọn nghề nghiệp của bạn, có nghĩa rằng bạn đang đứng trước hơn 100 vị trí thuộc 3 nhóm công ty khác nhau:

1. Bộ phận Marketing tại các công ty sản xuất (Corporate hay Client);
2. Công ty quảng cáo (advertising agency);
3. Công ty truyền thông (media agency).

Là nhân viên truyền thông chuyên nghiệp, bạn sẽ đóng vai trò là cầu nối giữa công chúng với DN thuộc nhiều hình thức khác nhau, từ các tập đoàn đa quốc gia đến các tổ chức sinh lợi, các cơ quan chính phủ và nhiều lĩnh vực khác một cách hiệu quả nhất. Mục đích của việc giao tiếp này không đơn giản chỉ là mua bán, mà còn giúp xây dựng các mối quan hệ cần thiết cho công ty, và cả cho cộng đồng của bạn. Người làm truyền thông luôn tìm kiếm những phương tiện quảng bá mới có hiệu quả về chi phí và thu hút được sự quan tâm lớn hơn. Giờ đây họ đặt quảng cáo của bạn lên khinh khí cầu và trên xe hơi đua, vào trong thang máy, nhà ga, trạm bơm xăng…

Marketing hiện là một trong những nghề có nhu cầu lớn nhất. Theo một thống kê, 49% bản tin tuyển dụng ở Việt Nam hiện nay dành cho những vị trí thuộc lĩnh vực Marketing. Cơ hội thăng tiến ở nghề này là rất cao, có đến 30% vị trí quản lý DN cấp cao được nắm giữ bởi những người từng ở các vị trí khác nhau thuộc marketing.

Tại Việt Nam, mức lương khởi điểm thấp nhất thường là 4-5 triệu đồng/tháng, sau một năm kinh nghiệm, lương có thể lên đến 7-8 triệu đồng/tháng. Hiện thu nhập bình quân của nhân viên Truyền thông Marketing ở khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài từ 500 – 700 USD/tháng, cấp quản lý từ 1.500 – 2.000 USD/tháng và các công ty Việt Nam cũng luôn sẵn lòng trả bạn từ 1.000 - 1.500 USD/ tháng.

III. Các tố chất phù hợp với nghề Truyền thông Marketing:

Marketing hiện nay đang trở thành một trào lưu, một xu hướng việc làm mới trong giới trẻ. Thế nhưng, việc nhìn nhận đúng nghĩa và tích lũy kiến thức cơ bản về marketing lại là điều không phải dễ dàng. Ngành công nghiệp truyền thông - tiếp thị đ­ược coi là ngành công nghiệp mang tính sáng tạo. Tính sáng tạo này thường được xây dựng trên cơ sở logic, bài bản, vì vậy nó đòi hỏi nguồn nhân lực phải được đào tạo một cách chính quy và bài bản. Tuy nhiên, qua khảo sát các giám đốc điều hành thì sự thiếu hụt về đào tạo chính quy, sự hiểu biết tường tận, sự trải nghiệm và tính chuyên nghiệp của nguồn nhân lực trong ngành thật sự nghiêm trọng.

Hiện chỉ có 43% số lao động trong ngành được đào tạo bài bản và có trên 3 năm kinh nghiệm làm việc. Đa phần những người mới tham gia công việc marketing hiện nay còn khá “amateur”, làm theo một chu trình, một thói quen đã định hình sẵn trong DN. Và như thế, có thể hiểu nhu cầu về một đội ngũ Marketing chất lượng cao vẫn khó có thể được đáp ứng trong điều kiện hiện nay mặc dù nguồn cung cho những vị trí này ngày càng gia tăng.
 

Các tố chất cần thiết:

 - Kiên trì. Nếu không nhẫn nại, bạn sẽ rất dễ bị căng thẳng trước những áp lực của công việc, trước những kết quả không phải lúc nào cũng xảy ra như mong muốn. Bạn lại càng dễ trở thành “nhanh ẩu đoảng”, một trong những điểm nguy hiểm nhất với nghề Marketing.
- Tự tin. Tuy nhiên, tính tự tin trong Marketing không đồng nghĩa với việc bạn độc đoán, luôn cho mình là đúng, bỏ qua những ý kiến của người khác. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, bạn hãy học cách lắng nghe, và lắng nghe có tự chủ, có phân tích, sàng lọc.
- Năng động, linh hoạt, sáng tạo và khả năng dự báo. Một trong những khu vực nhạy cảm nhất, biến đổi nhiều nhất là thị trường. Bạn phải thích ứng với nó.
- Khả năng giao tiếp. Để biết mình nên làm cái gì và làm như thế nào, bạn cần phải trao đổi và tiếp nhận thông tin, từ thị trường, từ khách hàng và từ các đối tác khác nhau... với sự nhiệt thành.
- Dám mạo hiểm và chấp nhận rủi ro, bạn sẽ là người tiên phong trong nhiều ngành kinh doanh, nhiều hoạt động thị trường và hoàn toàn có khả năng thu được những kết quả to lớn.
 
Bạn hãy luôn nhớ rằng những phẩm chất trên có thể rèn luyện và bồi dưỡng qua thời gian cùng sự nỗ lực của bạn. Hãy đến với nghề Truyền thông Marketing nếu bạn say mê kinh doanh. Ngoài ra, kỹ năng mềm (kỹ năng quản lý, kỹ năng lắng nghe hiệu quả, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng xử lý thông tin hiệu quả...) và ngoại ngữ là yếu tố không thể thiếu nếu bạn muốn theo đuổi nghề này.