Nhiều người lo âu khi có những học sinh chỉ được 3 điểm một môn thi lại có thể trở thành sinh viên cao đẳng sư phạm, để rồi 3 năm sau sẽ trở thành một người thầy đứng trên bục giảng. Họ băn khoăn những “người thầy 3 điểm” thì có gì trong đầu để dạy cho bao thế hệ học trò?
Dư luận càng sục sôi vì phát biểu của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga "chưa thể cắt ngay lập tức việc đào tạo cử nhân sư phạm vì sẽ dẫn đến việc giảng viên các trường sư phạm không có việc làm".
Cư dân mạng chất vấn: “Sợ giảng viên không có việc làm vậy sao không sợ sinh viên ra trường không có việc làm?”. Những người có trách nhiệm và có liên quan lên tiếng mổ xẻ nguyên nhân và đưa ra giải pháp để giải quyết bài toán hóc búa: làm sao thu hút nhân tài vào ngành giáo dục?
Tất cả dường như đã quên mất một thực tế là có biết bao nhiêu nhà giáo chân chính đã bị tổn thương như thế nào?
Là một nhà giáo, tôi cho rằng mọi phán xét của xã hội dường như đã khiến mỗi nhà giáo đều có cảm nhận mình như là một người có lỗi lớn trong việc tạo ra những sinh viên sư phạm 3 điểm!
Thay vì nghĩ đến những giải pháp to lớn ở tầm vĩ mô như giảm chỉ tiêu đào tạo mới của ngành sư phạm, gắn đào tạo với nhu cầu của xã hội, tăng lương và chế độ đãi ngộ cho nhà giáo… tôi lại mong rằng chỉ cần để nhà giáo được yên tâm sống với nghề của mình.
Nhà giáo làm việc và được hưởng lương xứng đáng với công sức mà mình đã bỏ ra thì cũng đã đủ để hút người tài vào ngành sư phạm rồi.
Nếu người giáo viên vẫn cứ sống trong lo lắng với những phát biểu của lãnh đạo ngành: “Bỏ biên chế, theo chế độ hợp đồng có vào - có ra, có chế độ đãi ngộ lớn”, hay: “Ngành sư phạm muốn nâng cao chất lượng đầu vào phải học tập kinh nghiệm từ ngành công an, quân đội là giao chỉ tiêu hàng năm, có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường”, thì có thầy cô nào dám hướng dẫn cho học trò thân yêu của mình thi vào sư phạm không?
Nếu người giáo viên vẫn cứ sống trong tâm trạng lo lắng “biết ra sao ngày sau” khi mà lương thấp còn dạy thêm bị cấm thì liệu có phụ huynh nào dám cho con mình học sư phạm?
Có hàng loạt mệnh đề “nếu - thì” tương tự mà câu trả lời luôn là “học sinh giỏi có phải thi vào sư phạm không?” thay vì là “học sinh giỏi dĩ nhiên nên vào sư phạm”.
Là một nhà giáo, và đồng thời cũng là một người góp phần đào tạo sinh viên sư phạm, tôi cũng trăn trở cho ngành nghề của mình.
Tôi xấu hổ vì có những nhà giáo ép học sinh đi học thêm và mong muốn họ phải bị xử lý thích đáng để những giáo viên dạy thêm chính đáng khác không bị mang mặc cảm tội lỗi.
Tôi thấy lo cho những đồng nghiệp của mình sẽ phải vất vả khi dạy những “sinh viên sư phạm 3 điểm” và mong họ được bố trí, sắp xếp để có thể làm những việc khác phù hợp với khả năng và kiến thức mà họ có thay vì cứ cố sức dạy sư phạm để rồi bị lên án vì chỉ biết “sợ mình thất nghiệp mà không sợ sinh viên ra trường thất nghiệp”.
Tôi cho rằng chỉ cần làm thế nào để người giáo viên yên tâm sống với nghề, cống hiến cho nghề, được hưởng lương xứng đáng với công sức thật mà mình bỏ ra thì đã đủ để học sinh giỏi yên tâm thi vào ngành sư phạm.
THS LẠI THỊ NGỌC HẠNH (ĐH Tây Nguyên)