Toạ đàm ''Ngành xây dựng Việt Nam hội nhập cạnh tranh Quốc tế''
Sáng 30/8, Vụ hợp tác Quốc tế (Bộ Xây dựng), Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình đồng tổ chức Toạ đàm "Ngành xây dựng Việt Nam hội nhập cạnh tranh Quốc tế”. Khách mời có ông Phạm Khánh Toàn, Vụ trưởng vụ hợp tác quốc tế Bộ Xây dựng; ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam; ông Lê Viết Hải, CT HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình và phóng viên các báo đài tới đưa tin.

Toạ đàm ''Ngành xây dựng Việt Nam hội nhập cạnh tranh Quốc tế''

Từ những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, trước nhu cầu tiếp nhận các dự án ODA và thu hút các dự án FDI, ngành Xây dựng nước ta bắt đầu quá trình hội nhập với khu vực và thế giới trên các mặt công nghệ, thể chế và con người. Hội nhập về công nghệ bao gồm việc tiếp thu và sử dụng kỹ thuật, vật liệu và máy móc xây dựng hiện đại. Hội nhập thể chế tập trung vào việc quản lý các dự án đầu tư xây dựng thuộc mọi thành phần kinh tế phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập về con người nhằm đào tạo nguồn nhân lực có đủ năng lực làm chủ công nghệ và thực thi thể chế mới.

Trong quá trình hơn 30 năm hội nhập, Ngành xây dựng đã đạt được nhiều tiến bộ và đóng góp có hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Đã có nhiều tổng công ty, tập đoàn xây dựng tầm cỡ, đủ sức thực hiện các công trình lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới vào  xây dựng không chỉ các công trình trong nước mà còn đang tìm đường vươn ra thế giới, hội nhập với ngành xây dựng khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, việc hội nhập của các doanh nghiệp ngành xây dựng Việt Nam cũng còn đang gặp không ít khó khăn. Những nguyên nhân này phần nào đã được các đại biểu chỉ ra trong buổi tọa đàm và đề ra phương hướng giải quyết.

Quan khách tham dự tọa đàm được nghe ông Lê Viết Hải, CT HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình biểu diễn một ca khúc do ông tự sáng tác

Quan khách tham dự tọa đàm được nghe ông Lê Viết Hải, CT HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình biểu diễn một ca khúc do ông tự sáng tác

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết: khi đất nước mới tiến hành mở cửa, các doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng Việt Nam chủ yếu là các tổng công ty nhà nước. Khi tham gia hợp tác với nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đóng vai trò là các nhà thầu phụ do trình độ và năng lực còn hạn chế. Nhưng đến nay, đã xuất hiện nhiều công ty cổ phần, tập đoàn xây dựng lớn ngoài quốc doanh đã đóng vai trò là nhà thầu chính hoặc hợp tác bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài và đang tiến ra hội nhập thị trường xây dựng quốc tế như xây dựng Hòa Bình, Coteccon... Đây là tín hiệu đáng mừng khẳng định sự lớn mạnh và trưởng thành của các doanh nghiệp xây dựng nói riêng và ngành xây dựng Việt Nam nói chung.

Theo ông Lê Viết Hải, CT HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, từ đầu những năm 90 (thế kỷ 20), Hòa Bình đã hợp tác với nhiều các công ty xây dựng đến từ các nước phát triển. Quá trình làm việc chung với các doanh nghiệp nước ngoài, ông Hải nhận thấy không có doanh nghiệp cũng như không có quốc gia nào có thế mạnh tuyệt đối ở tất cả các lĩnh vực. Vì vậy, cơ hội cho các nước đi sau như Việt Nam chưa phải là hết. Nếu các doanh nghiệp xây dựng  Việt Nam tập trung phát triển một cách trọng tâm, mũi nhọn, có định hướng chiến lược sẽ nâng tầm được giá trị doanh nghiệp, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp xây dựng nước ngoài. Cụ thể như Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, sau 30 năm hình thành và phát triển, đến nay Hòa Bình đã tự tin tham gia đấu thầu và trúng thầu nhiều những công trình có yêu cầu kỹ thuật cao theo tiêu chuẩn quốc tế với giá thành hết sức cạnh tranh, được khách hàng và đối tác đánh giá cao như tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower, Saigon Center….

Trước câu hỏi của phóng viên về việc Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam đã có những hoạt động gì để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành xây dựng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hiệp chủ tịch Hiệp hội cho biết: trong những năm qua, Hiệp hội đã tích cực đào tạo, trang bị kiến thức về luật pháp, cập nhật thông tin về công nghệ cho các doanh nghiệp hội viên, tuy nhiên, do hệ thống pháp luật của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập nên quyền lợi của các nhà thầu nhỏ chưa được đảm bảo.

Là lãnh đạo từ một doanh nghiệp nhỏ phát triển lên thành tập đoàn, thấu hiểu các khó khăn của doanh nghiệp ngành xây dựng cũng như những hạn chế còn tồn tại trong công tác quản lý và hệ thống luật pháp hiện hành, ông Lê Viết Hải cũng nêu ra 10 kiến nghị đối với lãnh đạo bộ xem xét, từ đó có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành xây dựng Việt Nam, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến ngành xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, rõ ràng, minh bạch tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam hội nhập với thế giới.

Trả lời về 10 kiến nghị của ông Hải, ông Phạm Khánh Toàn cho biết: quan điểm của lãnh đạo Bộ Xây Dựng là luôn đồng hành cùng với các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đàm phán với các nước trong khu vực và quốc tế để doanh nghiệp xây dựng Việt Nam có thể xâm nhập vào thị trường nước ngoài một cách bình đẳng giống như doanh nghiệp của các nước khác.

Viết Cương - VHDN