Biến cố, với người này là tai họa, nhưng với người khác là cơ hội. Là một người phụ nữ mạnh mẽ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo, chẳng những không để việc ly dị với người chồng Đặng Lê Nguyên Vũ nhấn chìm mình, mà còn tìm cách bật lên, trở thành một trong những nhà cung cấp cà phê hàng đầu thế giới. Sau thành công ở nước ngoài, bà Diệp Thảo đang có ý định mang King Coffee về Việt Nam, chiến đấu trực tiếp với thương hiệu Trung Nguyên Coffee của người chồng cũ.
Sau đây là bài viết về bà Diệp Thảo trên Forbes châu Á:
Độc lập kinh doanh ở tuổi 44
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Chủ tịch và CEO của thương hiệu King Coffee đang gây chú ý trên thương trường thế giới, nhất là ở ngành cà phê. Mặt hàng cà phê hạt đã qua chế biến của King Coffee đang bán rất đắt hàng trên 60 quốc gia, với doanh thu năm đầu tiên lên đến 60 triệu USD. Chưa hết, tháng Tư vừa qua, King Coffee vừa mở một nhà máy ở Bình Dương, Việt Nam.
Bà Diệp Thảo đang cắt băng khánh thành nhà máy sản xuất King Coffee ở Bình Dương.
Câu chuyện thành công của bà Diệp Thảo khá thú vị: Tên tuổi của bà chỉ được chú ý sau câu chuyện ly hôn đầy ồn ào giữa bà và ông Đặng Lê Nguyên Vũ, người được giới truyền thông mệnh danh là “ông vua cà phê” ở Việt Nam. Dù đã đồng hành cùng ông Nguyên Vũ gần 20 năm, nhưng trong câu chuyện xây dựng Trung Nguyên Group trở thành thương hiệu cà phê quốc gia năm 2012, tên bà không hề được ông Vũ đề cập đến.
Cách đây không lâu, theo phán quyết của tòa, CEO Diệp Thảo vẫn giữ được rất nhiều cổ phần thiểu số ở Trung Nguyên, doanh nghiệp có doanh thu tầm 260 triệu USD năm 2016.
Hồi còn mặn nồng, bà Diệp Thảo là người phụ trách những hoạt động hàng ngày của công ty cũng như giúp chồng hoạch định các chiến lược phát triển kinh doanh cho Trung Nguyên Group, phụ trách giám sát thị trường nước ngoài. Sau khi cuộc hôn nhân của cả hai bắt đầu tan vỡ, Trung Nguyên gần như bỏ bê thị trường nước ngoài và đó chính là cơ hội của bà Thảo. Bà bắt đầu gầy dựng thương hiệu King Coffee và thành lập công ty TNI ở Singapore, với kế hoạch chiếm lĩnh thị trường quốc tế (ra mắt lần đầu ở Mỹ), sau đó mới quay trở lại đánh chiếm thị trường nội địa.
Sau khi chia tay, bà Thảo và ông Vũ thể hiện hai hình ảnh trái ngược. Bà Diệp Thảo thường xuyên xuất hiện trên truyền thông với nhiều kế hoạch kinh doanh táo bạo, ông Vũ dường như muốn sống kiểu lánh mình, khi rút về ẩn náu trên cao nguyên. Bắt đầu kinh doanh độc lập ở tuổi 44, song chẳng ai dám coi bà Diệp Thảo là đối thủ có xuất phát điểm từ con số 0.
“Tôi đã mất hai năm để ra mắt thương hiệu King Coffee, nó như là một người con của tôi. Đứa con đầu tiên có tên là Trung Nguyên. Tôi không có kế hoạch cạnh tranh với Trung Nguyên. King Coffee là nơi tôi thực hiện giấc mơ xây dựng một thương hiệu cà phê Việt Nam mạnh. Tôi muốn Trung Nguyên tiếp tục thành công, cùng với King Coffee“, bà Diệp Thảo chia sẻ.
Thách thức nâng cao giá trị xuất khẩu cho cà phê Việt
Nhiều năm trước, Việt Nam từng là nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới, sau Brazil. Còn hiện tại, Việt Nam là nhà cung cấp 1/5 lượng cà phê cho toàn cầu. Năm 2012, khi Forbes châu Á phỏng vấn ông Vũ, Trung Nguyên đang là đơn vị dẫn đầu thị trường xuất khẩu cà phê trị giá 3,5 tỷ USD. Hiện tại, thị trường xuất khẩu cà phê Việt Nam không đạt được giá trị cao như thế, do mất mùa và giá cà phê giảm.
Những nhà cung cấp như bà Diệp Thảo và ông Nguyên Vũ đang phải vật lộn với việc làm sao có thể tối đa hóa giá trị của hạt cà phê, khi Việt Nam thiếu vắng ngành công nghiệp chế biến vững mạnh. Thống kế trong 5 năm gần nhất cho thấy, 95% cà phê xuất khẩu là dưới dạng nguyên liệu thô, chỉ 5% là đã qua chế biến.
Để biết một khi cà phê đã qua chế biến có giá trị cao như thế nào, hãy nhìn cách Starbucks kiếm lời với Dalat Blend. Sau khi vào Việt Năm năm 2013, Starbucks đã giới thiệu Dalat Blend, một cà phê mang thương hiệu Việt, bán trên chuỗi cửa hàng toàn cầu của họ. Một túi 250 gram, Starbucks bán với giá 12,5 USD, gấp 20 lần giá ở thị trường nội địa.
Việt Nam có rất nhiều thương hiệu bán lẻ cà phê, tuy nhiên chỉ vài số trong chúng thực sự lớn: Trung Nguyên (với chuỗi cửa hàng mang tên Legend), Vinacafe – bây giờ đang thuộc sở hữu của tập đoàn Masan và Nescafe của Nestle. Ở thời kỳ đỉnh cao năm 2012, Trung Nguyên sở hữu 5 nhà máy và chuỗi 40 cửa hàng cà phê.
Trong 2 năm gần đây, kết quả kinh doanh của Trung Nguyên không tốt. Họ đang mất dần thế độc tôn ở thị trường trong nước, đóng cửa nhiều quán cà phê (cả ở Singapore). Kèm theo đó, các đối thủ chính của họ ngày càng chiếm nhiều thị phần hơn. Điều này khiến bà Diệp Thảo không cam tâm và là một trong những động lực thúc đẩy bà tạo ra thương hiệu cà phê cao cấp – King Coffee.
Tham vọng đứng đầu ngành cà phê Việt
Theo bà Diệp Thảo, hiện tại bà đang kiểm soát 2 nhà máy: Một ở Bắc Giang, nơi sản xuất sản phẩm cho thương hiệu cà phê hòa tan G7, được mở năm 2012, dưới danh nghĩa Trung Nguyên Group; cái thứ hai như đã nói ở đầu bài, chuyên phục vụ cho thương hiệu King Coffee.
Bà Diệp Thảo đang ký kết hợp đồng xuất khẩu cà phê với đối tác Trung Quốc.
“Tôi rất hiểu thị trường cà phê và tôi muốn dùng kiến thức của mình để phát triển ngành cà phê Việt Nam. Tôi muốn tham gia trực tiếp vào việc phát triển cây cà phê khắp Việt Nam, giúp đỡ người dân trồng cà phê và đảm bảo chất lượng cho chúng. Đó là một cách tiếp cận lâu dài nên có trong ngành này“, bà Diệp Thảo bày tỏ.
Bà Diệp Thảo kể thêm, bà đang làm việc với chính phủ để thúc đẩy việc xây dựng vùng nguyên liệu có quy mô lớn, thông qua việc đầu tư trực tiếp; khác với kiểu trồng cà phê tự phát truyền thống của nông dân, không quan tâm đến nhu cầu thị trường và quá phụ thuộc vào thời tiết. Mục tiêu của bà là chiếm 30% tổng diện tích canh tác cà phê của Việt Nam, tầm 660.000 ha.
Sau khi tách ra khỏi ông Vũ, CEO Diệp Thảo đang phải xây dựng lại từ đầu các mối quan hệ với giới kinh doanh và chính phủ. Bà là một trong những thành viên của đoàn doanh nhân tháp tùng các nhà lãnh đạo Việt sang thăm Nhật Bản và Nga trong thời gian gần đây. Bà chủ King Coffee hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê Việt Nam.
Bà Diệp Thảo ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Liên bang Nga tháng 6/2017.
“Người ta thường bảo, đằng sau thành công của một người đàn ông có bóng dáng của người phụ nữ. Bây giờ, câu hỏi được đặt ra là, một người phụ nữ liệu có thành công không khi đứng ở phía trước?! Tôi phải cố gắng để câu trả lời là ‘có’“, nữ doanh nhân 44 tuổi kết luận.