Con đường nối ước mơ xuống biển
Năm 2016, Đà Nẵng chính thức đưa vào sử dụng hai lối đi ra bãi biển dành cho người khuyết tật. Lối đi được tạo thành từ các tấm ghép kết hợp sợi thủy tinh khá cứng, chịu lực cao và bền với thời tiết nắng. Lần đầu tiên, những người khuyết tật được tự do và chủ động xuống biển theo cách riêng của họ.
Lần đầu tiên, những người khuyết tật được tự do và chủ động xuống biển theo cách riêng của họ.
Trong ngày đầu khai trương lối đi đặc biệt này, bãi biển Mỹ Khê chứng kiến sự phấn khởi hiện rõ trên khuôn mặt của những người cả đời không thể tự mình đứng trước biển nếu không có người giúp đỡ. Anh Hoàng Văn Xuân, một người khuyết tật Đà Nẵng không giấu nổi xúc động: “Mơ ước được tự mình xuống biển giờ đã thành hiện thực. Giá như ở bất kì địa điểm nào cũng có những công trình riêng dành cho những người thiệt thòi như chúng tôi thì hay biết mấy”…Cộng đồng đã không ngừng ca ngợi hành động nhân văn và ý nghĩa của “thành phố du lịch” Đà Nẵng. Hành động rất nhỏ này một lần nữa giúp Đà Nẵng khẳng định niềm tin với du khách về “thành phố đáng sống nhất Việt Nam”…
Đẹp từ những điều giản dị
Đôi khi, chính những điều nhỏ bé như thế lại bền bỉ gây dựng lòng tin vào thương hiệu, cho những điểm đến du lịch, để du khách đến một lần là nhớ, là ấn tượng.
Ví như lên Sun World Ba Na Hills khám phá xứ thần tiên trên đỉnh núi Chúa của Đà Nẵng, dễ thấy xe lăn được đặt ở những lối đi riêng dành cho người khuyết tật, sẽ gặp những nhân viên của khu du lịch đẩy xe giúp người khuyết tật dễ dàng trải nghiệm cảnh đẹp, tham gia các hoạt động như du khách bình thường.
Kkhu du lịch này có hẳn một quy trình đón tiếp du khách khuyết tật được xây dựng bài bản.
Giống như bất cứ một khu du lịch văn minh nào trên thế giới, chuyện làm lối đi riêng cho người khuyết tật sẽ chẳng có gì đáng nói nếu không chứng kiến tận mắt sự khó khăn của người khi công lối đi ấy trong điều kiện địa đồi núi ở Bà Nà. Những thiết kế băng chuyền dài, lối đi lên, xuống với độ dốc dựng đứng kết nối dưới chân và sàn nhà ga hay các điểm đến với người xây dựng là một thách thức thực sự. Vậy mà người làm du lịch ở Bà Nà Hills đã kỳ công làm cho bằng được, chỉ để phục vụ một đối tượng khách ít ỏi. Với họ, những con người không được ông trời ưu ái đó cũng có quyền được khám phá, như bao nhiêu người lành lặn khác.Thậm chí, khu du lịch này có hẳn một quy trình đón tiếp du khách khuyết tật được xây dựng bài bản. Người khuyết tật được ưu tiên bằng lối đi riêng gần nhất, được đưa đến khu vực ga đi riêng và sẽ luôn có người của Khu du lịch hỗ trợ nếu không có người nhà đi theo trong suốt hành trình du ngoạn cáp treo và thưởng ngoạn cảnh đẹp đỉnh Núi Chúa.
Với mỗi nhân viên của khu du lịch, du khách khuyết tật là những thượng khách VIP và họ cần được chăm sóc đặc biệt, để có một chuyến đi đẹp nhất có thể.
Lan tỏa văn minh du lịch
Nét đẹp du lịch ấy của Sun World Ba Na Hills được lan tỏa, nhân rộng tới tất cả những khu du lịch, công viên mang thương hiệu Sun World của Tập đoàn Sun Group. Tới Sun World Fansipan Legend, du khách khuyết tật cũng được chào đón vô cùng trọng thị như thế. Chàng trai xương thủy tinh Vũ Ngọc Anh sau hành trình chinh phục Nóc nhà Đông Dương bằng đầu gối đã thốt lên: “Bất ngờ trước công trình cáp treo kỷ lục nhưng điều khiến tôi ấn tượng chính là lối đi riêng mà khu du lịch đã thiết kế để chào đón những du khách đặc biệt như mình. Điều đó cho tôi thấy mình được trân trọng!”.
Chàng trai xương thủy tinh Vũ Ngọc Anh trên đỉnh Fansipan.
Trên đường lên đỉnh, Vũ Ngọc Anh được nhân viên của khu du lịch theo sát. Người mang theo xe lăn để anh khi cần có thể nghỉ bất cứ lúc nào, người hướng dẫn anh cách thở, làm sao để giữ sức khi không khí càng lên cao càng loãng, và sẵn sàng trợ giúp anh kể cả khi anh cần cõng lên đỉnh.Có lên Fansipan mới thấy, du khách nào lên Nóc nhà Đông Dương qua 600 bậc thang cũng đều được đón chào nồng nhiệt từ khi lên cáp tới khi xuống núi với một sự chăm sóc tận tụy trên mỗi bước đi như thế.
Chị Phan Lê Anh, du khách đến từ Hà Nội đã rất cảm mến khi lên Fansipan một ngày đầu đông: “Tôi thấy mình như thượng khách, khi được đón chào bằng những nụ cười, câu xin chào dễ mến khắp nơi đi qua. Đường lên đỉnh, nhân viên an ninh, y tế luôn hỏi han, động viên. Gần gũi, thân thiện, cứ ngỡ mình đang du lịch ở nơi nào đó không phải Việt Nam. Ít có khu du lịch nào làm được như thế”.
Ấn tượng đẹp về một điểm đến, điểm cộng để thương hiệu một khu du lịch in sâu trong lòng du khách sẽ được tạo dựng từ những điều rất nhỏ, rất đơn giản đó. Tạo dựng văn hóa phục vụ trong ngành du lịch không phải là điều khó nếu chúng ta chăm chút từ những hành động nhỏ, như câu chuyện lối đi cho người khuyết tật trên đây.
Nguyệt Anh/ Báo Tin Tức