Một trong những nguyên nhân chính tạo nên thiệt hại cho các cộng đồng ở nông thôn khi tham gia vào nền kinh tế thị trường tự do là việc loại bỏ sự bảo hộ của nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp và các ngành công nghiệp vốn được nhà nước bảo hộ.
Khi không còn sự bảo hộ của nhà nước, các cộng đồng này tự nhiên phải đối mặt với rất nhiều thách thức mà trước đây họ chưa bao giờ gặp phải. Thay vì làm việc cùng nhau vì một mục tiêu chung là tìm ra những cách sinh kế bền vững ở địa phương với khả năng duy trì nguồn tài nguyên thiên nhiên có lợi ích cho tập thể, các cá nhân lại quay ra chống lại nhau nhằm tiến xa hơn về mặt lợi ích tư nhân. Việc tư hữu hóa khu vực vốn được sở hữu hoặc điều hành bởi cộng đồng tạo nên một cuộc cạnh tranh chống lại lẫn nhau hơn là phối hợp với nhau vì lợi ích chung của cộng đồng. Thông thường, điều này dẫn tới những lợi ích không công bằng và sự thiên vị cho những đối tượng có quan hệ tốt về chính trị, hoặc có khẳ năng tiếp cận với các nguồn tài chính để sở hữu và thu lợi từ những gì trước kia vốn là tài nguyên của cộng đồng. Điều này nhanh chóng làm suy kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên mà không hề có sự quan tâm tới các hậu quả về môi trường, xã hội và cộng đồng.
Một ví dụ căn bản về khu vực bị ảnh hưởng bất lợi khi không còn sự bảo hộ của nhà nước là ở các làng nghề trên khắp Đông Nam Á. Các hộ gia đình phải cạnh tranh để làm thêm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ trong khi phải chấp nhận mức lương ngày càng thấp đi, nguyên nhân bởi vì họ đang cạnh tranh với nhau thay vì làm việc cùng nhau. Xu hướng này dẫn tới sự bần cùng hóa của toàn bộ cộng đồng làm nghề thủ công – vốn là truyền thống văn hóa quý báu của các nước như Việt Nam hay Thái Lan.
Đây là cách thức mà nó vận hành: mức giá mà những người thợ thủ công nhận được cho các sản phẩm họ làm ra được quyết định bởi các đại lý bên ngoài, họ không có quyền đàm phán gì hết ngoài việc chấp nhận hoặc không chấp nhận mức giá đó. Giống như trường hợp của những người nông dân trồng cà phê trên toàn thế giới, có rất nhiều trung gian giữa người sản xuất và người xuất khẩu, tất cả những trung gian này đều cố gắng vắt kiệt lợi nhuận trong khi người sản xuất chỉ có thể duy trì được cuộc sống vừa đủ để tồn tại. Ở Việt Nam, tôi thấy có khoảng 7 đến 12 trung gian giữa người sản xuất và nhà xuất khẩu. Nói một cách ngắn gọn, ở mức thấp nhất trong chuỗi cung ứng, nếu họ không chấp nhận mức giá đưa ra, họ có thể bị mất cơ hội duy nhất để có thu nhập. Hơn nữa, điều này chỉ làm phân hóa cộng đồng và phá hủy những gì trước kia từng là những cách sinh kế bền vững ở địa phương; và các làng nghề thủ công nằm trong khu vực dễ bị tổn thương nhất.
Ngoài ra, trong ngành thủ công mỹ nghệ thường xuyên có sự phân biệt đối xử liên quan tới bình đẳng giới. Phần lớn lao động trong quá trình gia công và chuẩn bị nguyên liệu sản xuất không được thừa nhận và không được trả lương bởi vì họ bị coi là lao động nữ làm tại nhà. Nói đơn giản, đó là vì vấn đề giới tính. Giống như làm việc nhà và nuôi con thường không được coi là một “công việc”, những việc mà một người phụ nữ làm để giúp đỡ cho thợ thủ công nam thường không được thanh toán.
Thành lập các HTX hoặc các tổ chức cộng đồng dựa trên nguyên tắc của Fair Trade, hướng tới giải quyết những bất bình đẳng giới trên đây, và hợp nhất cộng đồng làng nghề thủ công từ những thua thiệt trên thị trường ở địa phương và trên toàn cầu.
Fair Trade mang đến một nhận thức xã hội mà chúng ta không thấy được trong các lý thuyết thương mại tự do kiểu mới, được đề xuất bởi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hay trong các gói cải cách kinh tế bị áp đặt đối với các nước đang phát triển trong các Chương trình tái Cấu trúc của IMF và của WB.
Tổ chức Thương mại Công bằng Thế giới (WFTO) với một mạng lưới toàn cầu gồm các Tổ chức Fair Trade và các thành viên ở trên 70 quốc gia, đã thiết lập nên 10 nguyên tắc tiêu chuẩn mà bất kỳ tổ chức Fair Trade nào cũng phải tuân thủ. Hơn nữa mỗi tổ chức Fair Trade đều phải đóng góp cho cộng đồng của họ theo những cách thức phù hợp với nhu cầu xã hội đặc thù ở địa phương.
10 tiêu chuẩn của Fair Trade
Tổ chức Thương mại Công bằng Thế giới (WFTO) quy định 10 tiêu chuẩn mà các tổ chức Fair Trade phải áp dụng trong công việc hàng ngày của họ,và thực hiện việc giám sát nhằm đảm bảo các nguyên tắc này được duy trì.
Tiêu chuẩn thứ nhất: Tạo ra cơ hội cho những người sản xuất nhỏ bị thiệt thòi về kinh tế
Giảm nghèo đói thông qua kinh doanh là một phần rất quan trọng trong mục tiêu của tổ chức. Tổ chức hỗ trợ các nhà sản xuất nhỏ có nhiều thiệt thòi, họ có thể là các doanh nghiệp gia đình, các hiệp hội, hoặc tổ chức cộng đồng. Tổ chức tìm cách vận động để chuyển đổi từ tình trạng nghèo đói và không đảm bảo về thu nhập sang tình trạng độc lập về kinh tế và sở hữu. Kinh doanh phải hỗ trợ cho sự phát triển của cộng đồng. Tổ chức có một kế hoạch hành động củ thể để triển khai mục tiêu trên.
Tiêu chuẩn thứ hai: Thông tin công khai và minh bạch
Tổ chức phải công khai về vấn đề quản trị và các mối quan hệ thương mại của họ. Tổ chức phải minh bạch đối với tất cả các đối tác liên quan, và tôn trọng tính nhạy cảm và tính bảo mật về các thông tin thương mại mà họ cung cấp. Tổ chức tìm ra các cách thức hợp lí để người lao động, các thành viên và các nhà sản xuất đều có cơ hội tham gia vào quá trình đưa ra các quyết định. Tổ chức đảm bảo rằng các thông tin liên quan đều được cung cấp cho các đối tác thương mại của họ. Các kênh liên lạc đều thông suốt và có tính mở đối với tất cả các vị trí trong chuỗi cung cấp hàng hóa.
Tiêu chuẩn thứ ba: Hành vi trong kinh doanh
Tổ chức kinh doanh phải đảm bảo các vấn đề xã hội, kinh tế, môi trường lành mạnh cho các nhà sản xuất nhỏ, và không được tối đa hóa lợi nhuận của họ. Tổ chức phải có trách nhiệm và có tính chuyên nghiệp trong việc giữ đúng các cam kết về thời gian. Các nhà cung cấp tôn trọng hợp đồng, giao hàng đúng hạn, đảm bảo chất lượng và các đặc điểm kỹ thuật của hàng hóa.
Những người mua hàng Fair Trade, hiểu rõ rằng các nhà sản xuất bị thiệt thòi về tài chính, cũng như hiểu các nhà cung cấp, đảm bảo rằng đơn đặt hàng được thanh toán vào ngày giao hàng, và theo đúng như các thỏa thuận. Có thể thanh toán trước 50% không lãi suất nếu được yêu cầu.
Các nhà cung cấp Fair Trade khi nhận được khoản thanh toán từ người mua hàng, đảm bảo rằng khoản thanh toán này được được chuyển cho người sản xuất hoặc người nông dân, những người làm ra các sản phẩm Fair Trade.
Người mua hàng phải bàn bạc với nhà cung cấp trước khi hủy hoặc không chấp nhận lô hàng. Trường hợp đơn hàng bị hủy mà không phải do lỗi của nhà sản xuất hoặc của nhà cung cấp thì phải đền bù một khoản tương đương cho những sản phẩm đã được làm ra. Nhà cung cấp và nhà sản xuất bàn bạc với người mua nếu có vấn đề phát sinh liên quan đến giao hàng, đảm bảo một khoản đền bù tương đương khi chất lượng và số lượng hàng không phù hợp với đơn hàng.
Tổ chức cố gắng duy trì các mối quan hệ dài lâu dựa trên sự thống nhất, niềm tin và tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào sự phát triển của Fair Trade. Tổ chức cố gắng duy trì các mối liên lạc hiệu quả với các đối tác kinh doanh của họ. Các bên liên quan trong mối quan hệ kinh doanh đều cố gắng gia tăng khối lượng hàng hóa trao đổi, gia tăng giá trị và sự đa dạng của hàng hóa mà họ đặt hàng, là một cách để phát triển Fair Trade và tăng thu nhập cho các nhà sản xuất. Tổ chức làm việc với tinh thần cộng tác với các tổ chức Fair Trade khác ở trong nước và tránh các cạnh tranh không lành mạnh. Tổ chức tránh sử dụng các mẫu thiết kế của các tổ chức khác mà không được phép.
Tiêu chuẩn thứ tư: Công bằng trong thanh toán
Các bên thỏa thuận về một mức giá công bằng thông qua đàm phán, đảm bảo thanh toán công bằng cho nhà sản xuất và phù hợp với thị trường. Khi đã đạt được thỏa thuận về cấu trúc của giá, đây được coi như mức giá thấp nhất.
Thanh toán công bằng có nghĩa là tiền thù lao chấp nhận được về mặt xã hội (trong bối cảnh ở địa phương), được người sản xuất thừa nhận là công bằng, và cũng được áp dụng trong nguyên tắc bình đẳng giới, thanh toán bình đẳng cho lao động nữ và lao động nam.
Các tổ chức Fair Trade làm nhiệm vụ marketting và nhập khẩu hỗ trợ xây dựng và phát triển năng lực của nhà sản xuất, cho phép họ tự thiết lập một mức giá công bằng.
Tiêu chuẩn thứ năm: Lao động trẻ em và lao động bị ép buộc
Tổ chức phải tôn trọng Hiệp định của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, và pháp luật của quốc gia / địa phương về vấn đề lao động trẻ em.
Tổ chức phải đảm bảo rằng không có lao động bị ép buộc trong lực lượng lao động của họ, trong số các thành viên hoặc các lao động tại nhà của họ.
Các tổ chức mua các sản phẩm Fair Trade trực tiếp từ nhà sản xuất hoặc thông qua các trung gian, phải đảm bảo rằng không có lao động bị cưỡng ép trong quá trình sản xuất, và nhà sản xuất tuân theo Hiệp định của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, và pháp luật của quốc gia / địa phương về vấn đề lao động trẻ em.
Bất cứ sự liên quan nào của trẻ em trong quá trình sản xuất các sản phẩm Fair Trade (bao gồm cả việc học một nghệ thuật truyền thống hoặc nghề thủ công) sẽ bị vạch trần và bị giám sát, và không được phép gây nên ảnh hưởng bất lợi đối với sức khỏe, sự an toàn, quyền được học tập và vui chơi của trẻ.
Tiêu chuẩn thứ sáu: Không phân biệt đối xử, Bình đẳng giới và Quyền tự do
Tổ chức không được phân biệt đối xử trong thuê mướn, trả công, đào tạo, thăng chức, cho thôi việc, hoặc nghỉ hưu dựa trên sự khác biệt về chủng tộc, đẳng cấp, nguồn gốc, tín ngưỡng, khuyết tật, giới tính, xu hướng tình dục, thành viên công đoàn, quan điểm chính trị, tình trạng HIV/Aids hoặc tuổi tác.
Tổ chức cung cấp các cơ hội cho phụ nữ và nam giới để phát triển các kỹ năng của họ, và chủ động thăng tiến các vị trí làm việc còn trống cho lao động nữ, cũng như đưa họ vào các vị trí lãnh đạo trong tổ chức. Tổ chức phải quan tâm tới tình trạng sức khỏe đặc biệt và các an toàn cần thiết cho phụ nữ có thai và những người mẹ đang cho con bú. Phụ nữ được tham gia đầy đủ vào các quyết định liên quan tới việc sử dụng các lợi tức có được từ quá trình sản xuất.
Tổ chức tôn trọng quyền lợi của tất cả người lao động trong việc thành lập và tham gia vào công đoàn theo sự lựa chọn của họ, hoặc yêu cầu của tập thể. Nơi mà quyền tham gia công đoàn và yêu cầu của tập thể bị giới hạn bởi luật pháp / hoặc môi trường chính trị, tổ chức phải đảm bảo các cách thức của một hiệp hội độc lập và tự do và quyền được cất tiếng nói của người lao động. Tổ chức đảm bảo rằng các đại diện của người lao động không bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc.
Tổ chức làm việc trực tiếp với người sản xuất để đảm bảo rằng phụ nữ luôn luôn được trả công cho các đóng góp của họ trong quá trình sản xuất. Khi người phụ nữ làm việc tương đương với nam giới thì họ được trả lương tương đương với nam giới. Các tổ chức đảm bảo rằng trong các môi trường sản xuất mà người phụ nữ bị đánh giá thấp hơn nam giới, thì công việc của người phụ nữ phải được đánh giá lại để bình đẳng hóa trong tỉ lệ thanh toán; và phụ nữ được làm các công việc theo năng lực và khả năng của họ.
Tiêu chuẩn thứ bảy: Các điều kiện làm việc
Tổ chức phải cung cấp một môi trường làm việc an toàn và lành mạnh cho người lao động, và cho các thành viên của tổ chức. Tổ chức phải tuân thủ luật pháp quốc gia và địa phương, và Hiệp định ILO về sức khỏe và an toàn lao động.
Thời gian và điều kiện làm việc của người lao động / hoặc của các thành viên / hoặc người lao động tại nhà phải tuân thủ các điều kiện trong luật pháp quốc gia và địa phương, cũng như Hiệp định ILO.
Các tổ chức Fair Trade đều biết được điều kiện an toàn và sức khỏe của người sản xuất mà họ mua sản phẩm. Họ cố gắng, dựa trên những nền tảng hiện thời, tăng cường sự hiểu biết của người sản xuất về các vấn đề an toàn sức khỏe, cũng như nâng cao các điều kiện an toàn sức khỏe.
Tiêu chuẩn thứ tám: Khả năng phát triển quy mô sản xuất và năng lực của người sản xuất
Tổ chức luôn cố gắng làm gia tăng các ảnh hưởng phát triển tích cực tới người sản xuất thông qua Fair Trade.
Tổ chức luôn cố gắng phát triển kỹ năng và năng lực của người lao động cũng như của các thành viên của tổ chức.
Các tổ chức làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất nhỏ cố gắng triển khai các hoạt động đặc biệt để giúp đỡ những nhà sản xuất nhỏ này nâng cao kỹ năng quản lí, năng lực sản xuất và tiếp cận với các thị trường địa phương / vùng / quốc tế / Fair Trade và xu hướng thị trường phù hợp.
Các tổ chức mua các sản phẩm Fair Trade thông qua các tổ chức Fair Trade trung gian giúp đỡ các tổ chức này phát triển năng lực của họ nhằm hỗ trợ cho các nhóm sản xuất nhỏ mà họ trực tiếp làm việc cùng.
Tiêu chuẩn thứ chín: Đẩy mạnh Fair Trade
Tổ chức nâng cao nhận thức về mục tiêu của Fair Trade và sự cần thiết phải có một sự công bằng trong thương mại thế giới thông qua Fair Trade. Tổ chức ủng hộ cho các mục tiêu và các hoạt động của Fair Trade dựa trên phạm vi của tổ chức. Tổ chức cung cấp cho các khách hàng các thông tin về tổ chức, về các sản phẩm, về các nhà sản xuất hoặc các thành viên đã làm nên hoặc đã thu hoạch sản phẩm. Phương pháp quảng cáo và tiếp thị phải luôn trung thực.
Tiêu chuẩn thứ mười: Bảo vệ môi trường
Các tổ chức làm ra các sản phẩm Fair Trade phải tối đa hóa việc sử dụng các nguyên liệu thô từ các nguồn bền vững trong lĩnh vực của họ, mua nguyên liệu địa phương nếu có thể. Họ sử dụng các công nghệ sản xuất có thể làm giảm việc tiêu thụ năng lượng, và nếu có thể thì sử dụng công nghệ tái tạo năng lượng nhằm làm giảm hiệu ứng nhà kính. Họ tìm kiếm các phương án nhằm làm giảm ảnh hưởng của rác thải đối với môi trường.
Các nhà sản xuất Fair Trade trong nông nghiệp cố gắng giảm tối đa ảnh hưởng của họ đối với môi trường, bằng cách sử dụng chất hữu cơ hoặc các phương pháp sản xuất sử dụng ít thuốc trừ sâu bất cứ khi nào có thể.
Người mua và người nhập khẩu các sản phẩm Fair Trade ưu tiên mua các sản phẩm làm từ nguyên liệu thô có nguồn gốc từ các nguồn quản lí bền vững, và có ảnh hưởng tổng thể tới môi trường là thấp nhất.
Tất cả các tổ chức cố gắng sử dụng các nguyên liệu tái chế hoặc nguyên liệu có thể phân hủy để đóng gói, hàng hóa được gửi theo đường thủy bất cứ khi nào có thể.
Ở mức địa phương, Fair Trade trông như thế nào?
Mỗi tổ chức Fair Trade địa phương ở các nước đang phát triển có một hình dạng đặc thù và hoạt động với một vài chức năng khác nhau. Không có hai tổ chức nào giống nhau hết. Các tổ chức, HTX, người sản xuất cùng làm việc và cùng hưởng lợi ích theo những cách thức khác nhau dựa trên nhu cầu đặc thù ở cộng đồng của họ. Mỗi tổ chức Fair Trade là độc nhất!
• Một vài tổ chức Fair Trade tập trung vào các chương trình phát triển cộng đồng, nâng cao năng lực của con người thông qua việc đào tạo kỹ năng; và các chương trình đặc thù nhằm nâng cao khả năng hòa thập và tham gia của địa phương.
• Các tổ chức Fair Trade khác hoạt động đơn giản giống như người marketing cho các sản phẩm thủ công mà họ thu mua từ các làng nghề, nhằm giúp người sản xuất tránh được phiền phức khi tìm người bán và người marketing, đồng thời cho phép họ tập trung vào nguồn thu nhập chính, ví dụ như nông nghiệp. Một vài tổ chức Fair Trade làm việc với những nhà sản xuất phụ thuộc 100% vào doanh thu do họ bán hàng.
• Phần lớn các tổ chức Fair Trade sử dụng nguồn thu nhập tạo ra từ hàng thủ công và dệt may để hỗ trợ cho nguồn thu nhập tạo ra từ các hoạt động khác.
Các tổ chức Fair Trade địa phương được thành lập dựa trên nhu cầu của cộng đồng ở địa phương đó. Nhằm đảm bảo sự bền vững của xã hội, cộng đồng này phải làm việc cùng nhau, tạo nên những khía cạnh đặc thù của tổ chức. Sự thành công của HTX địa phương, hay của tổ chức cộng đồng phụ thuộc vào sự tham gia trực tiếp của các thành viên trong cộng đồng trong những ngày đầu thành lập. Với các phương tiện phù hợp và sự hòa hợp của các thành viên, hoàn toàn có thể thành lập một HTX mà các thành viên đều là nông dân, hay thành lập một tổ chức cộng đồng của những người thợ thủ công; tập trung chủ yếu vào rất nhiều thách thức xã hội và kinh tế mà họ đang phải đối mặt, cũng như chuẩn bị cho những thách thức mới trong tương lai.
Fair Trade hướng tới các nhu cầu của cộng đồng như thế nào?
Một vài ví dụ mà các tổ chức Fair Trade thực hiện hướng tới các nhu cầu xã hội và nhu cầu sinh kế của cộng đồng:
• Sử dụng tiền thu được từ hoạt động của HTX hỗ trợ cho việc học tập của con em họ bằng cách tài trợ cho các chương trình học tập hoặc học phí.
• Thành lập các trung tâm phát triển cộng đồng, các phòng khám sức khỏe cho phụ nữ, các trung tâm đào tạo, hoặc các thư viện.
• Hỗ trợ cho các trung tâm chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
• Hỗ trợ cho các chương trình phát triển trẻ em và cung cấp các bữa trưa lành mạnh tại trường.
• Cung cấp nơi cư trú cho các nạn nhân bị ngược đãi tại nhà.
• Hoặc như một HTX ở Ấn Độ đã tập trung vào vấn đề văn hóa, trong đó cô dâu phải nộp khoản tiền hồi môn quá đắt; tổ chức đã hỗ trợ tiền hồi môn cho con gái của các thành viên trong tổ chức để họ không còn phải bỏ đi các thai nhi nữ do lo ngại gánh nặng kinh tế trong tương lai.
• Cung cấp cơ hội kinh tế cho người tị nạn ở trong trại tị nạn, nơi mà các cơ hội là rất hiếm hoi, và cách duy nhất để kiếm tiền là họ phải chấp nhận sự bóc lột về thể chất và xâm phạm tình dục để được đi làm ở ngoài trại, và họ lại phải đối mặt với rủi ro rất lớn khác là bị bắt và bị trục xuất về nước.
• Can thiệp vào sự dao động của thị trường nguyên liệu thô và giá cả của chúng bằng việc mua khối lượng lớn với một mức giá công bằng.
• Trong các cộng đồng quá khó khăn để có thể tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng, họ xây dựng các kế hoạch tiết kiệm và cung cấp chương trình cho vay nguồn tài chính nhỏ với mức lãi suất thấp cho các thành viên. Trường hợp cần thiết, họ hỗ trợ tài chính không lãi suất cho các gia đình có nhu cầu.
Các tổ chức Fair Trade địa phương được thành lập bởi các thành viên của cộng đồng, những người hiểu rõ nhu cầu của cộng đồng, và tự xác định cách thức để đạt được các nhu cầu trên bằng việc lập nên các dự án, và hỗ trợ cho hoạt động của cộng đồng đó.
Mitch Teberg