Theo ông, đâu là thách thức lớn nhất với doanh nghiệp Việt làm công nghệ?
Thách thức lớn nhất của ngành Internet nói riêng và công nghệ nói chung trước hết là sự thay đổi rất nhanh chóng. Thứ hai là trong suy nghĩ của người dùng và của nhà quản lý hiện tại mới chỉ nhìn Internet là một cái gì đó rất riêng, không dính dáng gì đến mình cả, chỉ có các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ công nghệ mới phải quan tâm.
.
Doanh nhân Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG.
Nhưng trên thực tế lại khác, Internet nói riêng và công nghệ nói chung đã trở thành cuộc sống thường ngày, thành hơi thở của con người. Có nghĩa là, nếu không thay đổi nhanh, không thích nghi nhanh với các làn sóng công nghệ mới thì sẽ bị đào thải.
Lấy thí dụ dịch vụ taxi của Việt Nam. Trước đây ít ai nghĩ đến taxi công nghệ, nhưng trong 2-3 năm vừa qua, taxi truyền thống đã bị Uber, Grab cạnh tranh gay gắt và đang ở trong tình thế có thể phải phá sản. Những ngành, lĩnh vực khác cũng có sự cạnh tranh của công nghệ mà ta chưa lường hết được.
Doanh nghiệp Việt trong ngành Internet có bị thất thế trong cuộc cạnh tranh toàn cầu?
Trong cuộc chơi cạnh tranh toàn cầu, ưu thế sẽ thuộc về doanh nghiệp có nguồn lực mạnh. Một doanh nghiệp mạnh về tài chính, đi đầu về công nghệ, có đội ngũ nhân lực giỏi sẽ luôn chiến thắng áp đảo các doanh nghiệp khác.
Các doanh nghiệp truyền thống thường được bảo vệ bởi hàng rào biên giới như các quy định về giấy phép, chính sách xuất nhập khẩu, hàng rào thuế quan… Nhưng đối với ngành Internet thì không có biên giới. Trong cuộc cạnh tranh này, doanh nghiệp Việt “lép vế” hơn doanh nghiệp ngoại vì tài chính hạn chế và trình độ nhân lực chưa cao.
Tuy nhiên, không thể vì lý do mình yếu thế mà chấp nhận thua cuộc. Mình phải suy nghĩ tìm ra thế mạnh riêng. Phải làm gì để tạo ra thế mạnh, có được lợi thế kinh doanh. Với VNG, chúng tôi lựa chọn những sản phẩm, dịch vụ Internet mà một doanh nghiệp ở thị trường nội địa có lợi thế so với những doanh nghiệp ở nước ngoài. Nếu mình khiến cho khoảng cách giữa các lợi thế đó càng ngày càng được nới rộng, thì đó là thành công.
Đang có một mối lo ngại về sự ảnh hưởng của các doanh nghiệp công nghệ kinh doanh xuyên quốc gia giành thị phần, thâu tóm ngành Internet Việt Nam và việc không thể kiểm soát được họ. Ông nghĩ sao về điều này?
Thực ra, đây là vấn đề toàn cầu. Chắc chắn một điều, ngoài mặt tích cực, bất kỳ công nghệ mới nào cũng đều có những hệ quả tiêu cực. Nhưng người làm công nghệ luôn hướng đến các giá trị tích cực - những giá trị đó lớn hơn nhiều lần so với hệ lụy và phải chấp nhận đánh đổi.
Nếu chúng ta chỉ nghĩ đến mặt tiêu cực và tìm cách cấm đoán thì sẽ không thể tạo ra môi trường sáng tạo, không có sự đổi mới và cũng không có sản phẩm mới có ích cho xã hội.
Vậy nên, cần phải có tầm nhìn dài hạn. Lấy lại thí dụ trong vấn đề taxi công nghệ, tại sao Uber/Grab có rất nhiều luồng ý kiến, nhưng đa phần người dùng vẫn hoan nghênh. Cơ bản là vì nó tốt cho người dùng.
Vậy doanh nghiệp công nghệ Việt nói chung nên làm gì trước làn sóng thâm nhập của doanh nghiệp nước ngoài?
Lấy kinh nghiệm từ chính chúng tôi, VNG xác định sẽ cố gắng tận dụng các lợi thế cạnh tranh của mình, trở thành một doanh nghiệp hàng đầu. Đó là lý do vì sao VNG đẩy mạnh một số sản phẩm của mình ra thế giới.
Điều thứ hai là các sản phẩm bắt kịp xu hướng công nghệ mới của mình có cơ hội cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam một cách tương đối sòng phẳng. Vì thế VNG đang đầu tư vào các nhóm ngành sản phẩm mới như thực tại ảo (VR), IoT…
Điều thứ ba là cơ hội đang rất lớn. Công nghệ ngày càng phát triển và đi sâu vào cuộc sống, hành vi người dùng càng thay đổi. Tôi nghĩ là thị trường đủ lớn để cho các doanh nghiệp nội địa cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp nước ngoài hoặc có thể cộng sinh, làm đối tác hoặc phát triển trên nền tảng doanh nghiệp khác xây dựng. Ví dụ như, cả thế giới chỉ cần 2-3 hãng sản xuất smartphone, nhưng doanh nghiệp Việt Nam có thể viết phần mềm trên smartphone.
Tú Ân