9 cảnh giới đối nhân xử thế của bậc trí giả
Một danh nhân triết học từng nói: “Thói quen thực sự là một loại sức mạnh vừa ngoan cường lại to lớn. Nó có thể làm chúa tể cuộc đời của con người. Cho nên, ai cũng cần phải thông qua giáo dục mà bồi dưỡng nên một loại thói quen tốt đẹp.”

Ngạn ngữ cổ cũng có câu: “Ngọc bất trác bất thành khí. Nhân bất học bất tri lý”  ý nói, viên ngọc, đá quý nếu không được mài giũa, đẽo gọt thì không thể hiện ra được vẻ đẹp và giá trị của nó, con người nếu không học tập thì không biết đạo lý. Nếu không học tập những triết lý, kiến thức của cổ nhân là một thiếu sót lớn lao.

Trải qua những kinh nghiệm thực tế, các bậc trí giả xưa đã đúc kết ra những bài học rất quý giá, lưu truyền lại cho hậu nhân. Dưới đây là 9 kinh nghiệm, cũng là 9 cách đối nhân xử thế rất có ích trong cuộc sống.

1. Thỏa hiệp

Con người sống nơi nhân gian không thể không có người thân, bạn bè, làng xóm… Mỗi người cũng không thể lúc nào cũng một mực chỉ dựa vào ý nguyện của bản thân để làm việc. Một khi phát sinh mối quan hệ với người khác, con đường hợp tác hiệu quả nhất chính là có thể thỏa hiệp thích hợp. Chỉ có đảm bảo được mục đích của các bên một cách phù hợp nhất mới là hiệu quả nhất.

2. Điều chỉnh đúng lúc

Trong cuộc sống có rất nhiều kế hoạch không theo kịp sự biến hóa. Kế hoạch ban đầu có thể là tốt nhất nhưng thuận theo sự biến hóa của thời gian, địa điểm, điều kiện sẽ làm phát sinh nhiều tình huống mới, nhiều vấn đề mới mà trở thành không còn phù hợp nữa.

Lúc ấy, nếu có thể phát hiện nhanh, kịp thời điều chỉnh đúng lúc thì mới có thể đạt được kết quả tốt nhất.

3. Tôn trọng đối phương

Người tôn trọng đối phương là người hiểu được tầm quan trọng của sự hợp tác, phối hợp trong cuộc sống.

Người luôn khăng khăng bảo thủ cá nhân thì thường thường đến cuối cùng sẽ trở thành người cô đơn. Người như vậy sao có thể không thất bại? Người thực sự có trí huệ cao từ xưa đến nay đều là người hiểu được phải tôn trọng đối phương.


4. Tuân thủ nguyên tắc

Trong cuộc sống chúng ta vẫn gặp một số người nhìn như thể rất cứng rắn kiên quyết nhưng kỳ thực lại vô nguyên tắc, khuyết thiếu chủ kiến. Người như vậy rất khó làm thành được việc lớn.

5. Kiên trì bền bỉ

Từ xưa đến nay, người làm được việc lớn không hẳn phải là người tài hoa kiệt xuất nhưng nhất định phải là người có nghị lực, kiên trì bền bỉ với chí hướng, hoài bão của mình.

Một khi đã định rõ được con đường đúng đắn, khi gặp khó khăn gian khổ, tưởng như ở vào đường cùng, họ sẽ không từ bỏ mà kiên trì cố gắng đi tới thành công.

6. Coi trọng lễ nghĩa

Chúng ta gặp không ít người lấy lý do rằng do yêu cầu của công việc, lấy cớ kiên trì nguyên tắc, khiến cho cuộc sống đảo lộn, không còn coi trọng tình thân, lễ nghĩa. Đây chính là đi sang cực đoan. Người như vậy đa phần đều là người ích kỷ, trong lòng chỉ có bản thân.

Người có trí tuệ không làm như vậy, họ coi trọng lễ nghĩa, kính trọng bề trên, không bắt nạt kẻ yếu, không khinh mạn người nghèo hèn. Người như thế cũng được xem là chính nhân quân tử.

9 cảnh giới đối nhân xử thế của bậc trí giả, thương hiệu vàng

7. Giữ chữ tín

Có một số người dễ dàng nói lời hứa hẹn, nhất thời bị kích động liền quả quyết ngay, nhưng thường thường là người thất tín, không giữ lời hứa. Kết quả khiến cho mọi người mất lòng tin ở họ và không còn muốn kết giao.

Người xem trọng chữ tín, biết giữ chữ tín mới là người đáng tin, thích hợp để hợp tác kết giao trong công việc cũng như làm bạn.

8. Gặp sự cố lại càng vững chãi hơn

Người phô trương thanh thế thông thường không chịu nổi đả kích, không đi qua được trở ngại, “giòn” mà không “chắc”, “cứng” mà không “dẻo”. Chỉ có người bình tĩnh thản nhiên đối mặt, không chấp trước vào được mất mới có thể “bách chiết bất hồi” (Dù gặp nhiều trắc trở gian khổ vẫn kiên trì phấn đấu tới cùng). Đây mới thực sự là người thông minh.

9. Không ghi nhớ oán thù

Con người sống trên thế gian đều không khỏi gặp một số chuyện ân ân oán oán. Có người khi gặp chuyện oán thù thì canh cánh trong lòng, tính toán chi li, nhớ mãi suốt đời. Kỳ thực oán thù chỉ khiến cuộc đời người ta ngày càng nhỏ hẹp, cánh cửa cuộc đời đóng lại nhanh hơn mà thôi.

Người thực sự có trí tuệ sẽ không để bản thân bị oán thù ràng buộc, không xử trí theo cảm tính. Họ luôn dùng lý trí khách quan, luân lý đạo đức để suy xét vấn đề, vì vậy họ cũng dễ làm thành việc lớn hơn.

An Hòa