Xác định đúng trọng tâm cuộc đời, rồi ta sẽ không bao giờ còn cảm thấy chông chênh
Cuộc sống này vốn không chỉ là hương thơm của hoa hồng và vẻ thơ mộng của dòng sông, nó bao gồm cả những phút giây bạn bị gai đâm cho tứa máu hoặc vẫy vùng giữa dòng nước chảy xiết nữa. Những khó khăn và cạm bẫy luôn chực chờ, chỉ cần ta lơ là và mất cảnh giác sẽ xô tới, nhào nặn ta thành những vật thể đôi khi chính ta cũng không thể hình dung.

Sẽ có những lúc bạn loay hoay, hoang mang và vô định. Cảm giác chông chênh, mệt mỏi và hoàn toàn mất phương hướng. Đó có thể là khi bạn thi trượt cuộc thi mà bạn nghĩ là quan trọng nhất đời mình. Đó là khi người bạn thân nhất quay lưng đi sau khi đâm vào lưng bạn một vết dao. Đó có thể là khi người yêu ngàn năm của bạn nói rằng không còn yêu thương bạn nữa. Đó cũng có thể là khi bạn làm cha mẹ thất vọng về mình vì bạn không nghe theo họ. Đó là khi con đường sự nghiệp của bạn bị khựng lại sau nhiều năm phấn đấu…

Sẽ có nhiều, rất nhiều những khoảnh khắc bạn hoang mang, lo sợ và run rẩy vì không biết bám víu vào đâu. Vì những gì bạn tin tưởng đều tan biến. Đó thật sự là một cảm giác đáng ghét, và tồi tệ. Làm cách nào để ta đứng vững giữa muôn vàn cạm bẫy khó khăn thử thách? Làm cách nào để ta luôn hiên ngang vững vàng trên đôi chân mình và luôn mở rộng vòng tay chào đón những điều dễ thương của cuộc đời? Liệu có thứ gì luôn ở bên và giúp ta vượt qua những trở ngại? Thứ gì đó dẫn đường chỉ lối cho ta đi xuyên qua màn đêm sóng gió để đạt được điều mong muốn?

Để vượt qua được những khoảnh khắc đó, bạn phải tìm kiếm cho mình một điểm tựa vững chắc, kiểu điểm tựa luôn luôn ở đó, luôn luôn cho bạn lời khuyên và không bao giờ rời xa bạn. Đến cái bóng cũng rời xa bạn khi bạn đi vào bóng tối, nhưng điểm tựa thì không, hãy tìm kiếm một điểm tựa- một tâm điểm như thế. Thứ mà tôi gọi là “trọng tâm cuộc đời”. Là thứ bạn cần phải có và nên có, dù cho bạn tuổi thiếu niên, thanh niên hay khi đã trưởng thành. Hãy luôn xác định trọng tâm cho cuộc sống và làm mọi điều hướng về nó. Bạn sẽ không lạc lối và thất vọng. Cũng như cách mà ta tạo nên một vòng tròn, đó là một đường cong bao quanh một tâm điểm với khoảng cách bằng nhau, nếu có bất cứ khúc cong nào đi xa hay gần hơn tâm điểm thì hình đó không còn là hình tròn nữa, chỉ là một hình na ná hình tròn mà thôi. Cuộc sống cũng vậy, để nó luôn đi đúng hướng thì bạn cần phải có một tâm điểm.

Có nhiều cách để xác định tâm điểm, một trong những cách mà phổ biến đó là việc đặt những tâm điểm khác nhau vào từng giai đoạn cuộc đời khác nhau, ví dụ như khi là học sinh thì ta có thể đặt tâm điểm vào cha mẹ, khi trưởng thành thì đặt tâm điểm vào sự nghiệp, bạn đời, sau đó là vào con cái và gia đình… Rất nhiều cách để bạn đặt tâm điểm cuộc sống, và thường mỗi người lại có những cách đặt khác nhau. Sau đây tôi sẽ hướng dẫn cho các bạn một cách đặt tâm điểm khác, được đề cập bởi Stephen Covey, tác giả cuốn “7 thói quen của bạn trẻ thành đạt“. Nó khuyên bạn như thế này:

Đặt trọng tâm cuộc sống vào của cải, vật chất

Ôi không, nếu có ai đó khuyên bạn đặt trọng tâm cuộc sống vào của cải vật chất thì đó sẽ là lời khuyên tệ hại nhất trong đời bạn được nghe. Trọng tâm vốn dĩ là thứ cần vững chắc, chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn đặt nó vào những thứ dễ tan biến nhất trên đời. Của cải vật chất có thể khiến bạn nổi bật, có thể khiến bạn có một cuộc sống thoải mái. Nhưng nó là thứ mong manh và phù du. Hôm nay bạn có nó, ngày mai nó có thể biến mất, nhanh như bong bóng xà phòng vậy. Quy luật của tiền bạc là phải luôn dịch chuyển, nó sẽ không bao giờ đứng yên, không có gì có thể đảm bảo nó sẽ ở cạnh bạn mãi mãi. Khi là một người chú trọng vật chất, bạn dễ dàng phạm sai lầm và thường có xu hướng bất chấp tất cả để đạt được những thứ bạn muốn. Điều này không tốt và cũng không nên. Một chiếc điện thoại xịn, một bộ quần áo đẹp, một con xe láng bóng không giúp bạn vượt qua được những khó khăn thử thách trong cuộc sống.

Có câu nói rất hay thế này “Nếu như tôi có tất cả những thứ giúp chứng minh tôi là ai, thì khi những thứ đó mất đi, Tôi là ai?” Cũng vậy thôi, đừng để của cải vật chất và những thứ hào nhoáng bên ngoài định nghĩa con người bạn, bạn đáng giá hơn thế, hơn những thứ có thể mua được bằng tiền, đừng định giá trị bản thân chỉ bằng những món trang sức dính ngoài da đó. Rất rất nhiều người sống trong giàu có mà chẳng thấy hạnh phúc gì. Họ chính là những nạn nhân của trò chơi cuộc đời, và bước đi sai lầm của họ chính là đặt trọng tâm cuộc sống vào vật chất.

Đặt trọng tâm cuộc sống vào chuyện học hành, bằng cấp

Mới đầu nghe thì có vẻ hợp lý, khi mà suốt những năm tháng ấu thơ cho tới khi trở thành những thanh thiếu niên. Bắt đầu từ khi biết nhận thức bạn sẽ được nghe đều đặn những câu dặn dò ngọt ngào: “Cố gắng học thật tốt con nhé, con chỉ cần học thật giỏi thôi đừng lo lắng gì cả, chúc con học tốt, con ăn nhiều vào để học cho giỏi…” Tất cả mọi thứ xung quanh chúng ta đều được quy vào việc học, học giỏi là tốt, là ngoan, là hiếu thảo, học dốt là mất mặt, là xấu hổ, là lo sợ cho tương lai… Từ đó chúng ta luôn mặc định việc học là rất quan trọng và rồi cắm đầu cắm cổ vào học quên ngày tháng mà vẫn không biết thực sự chúng ta học để làm gì.

Học giỏi là một điều tốt, đương nhiên, nhưng nó không quan trọng đến mức bạn đặt cả cuộc sống vào nó. Tôi biết có nhiều bạn học ngày học đêm, học không ngừng nghỉ, không phải vì họ thích học, mà vì họ sợ rớt kỳ thi, vì họ muốn duy trì thứ hạng, vì họ không muốn làm ba mẹ mình thất vọng. Riết rồi họ đánh mất luôn cuộc sống của chính mình. Không, cuộc sống này còn rất nhiều chuyện quan trọng đáng làm hơn là việc cắm đầu học lấy bằng cấp rất nhiều. Đừng dồn mọi tâm huyết và lĩnh vực vào đó. Vì biết đâu có một ngày bạn sẽ nhận ra, mình đang lãng phí thời gian làm gì thế này?

Khi đi học, nếu như bạn học giỏi bạn sẽ thường ảo tưởng vào tương lai. Điều này rất có hại, nó biến bạn thành những con mọt sách chẳng biết gì ngoài lý thuyết. Nó khiến bạn bỡ ngỡ và thậm chí sẽ làm cho bạn cực kỳ thất vọng khi bước vào đời. Vì sống trên đời vốn dĩ người ta không quan tâm chuyện trên trường bạn học giỏi đến thế nào, họ chỉ quan tâm bạn hành xử ra sao và có được việc không mà thôi. Mới đây chúng ta cũng được nghe câu chuyện về việc một anh chàng học hành cực giỏi giang, sau khi chứng kiến lớp đàn anh chị cũng rất giỏi giang đang chật vật loay hoay với cuộc sống, bất mãn về cuộc đời đã đổi hướng đi cho mình. Đó chính là ví dụ điển hình cho việc đặt trọng tâm vào học vấn, nó chẳng mang lại gì cả ngoài mớ kiến thức mơ hồ và rất nhiều khoảng thời gian quý giá bị phí hoài đi.

Thời điểm này khi các trường đại học – cao đẳng công bố điểm thi, sẽ có rất nhiều bạn trẻ đau khổ, uất ức, nhục nhã và thậm chí muốn chết đi vì không tin được mình lại trượt. Cũng là dễ hiểu khi xưa đến nay mọi người đều cho rằng đó là một kỳ thi quan trọng đến mức có thể thay đổi số phận của con người, quan trọng đến mức cả 12 năm học tiểu học – trung học chẳng để làm gì ngoài mục tiêu là đậu đại học. Thật nhảm nhí nhưng cũng thật tiếc vì đó là sự thật. Những con người đau khổ vì điểm số và thất vọng vì kết quả thi cử, đó chính là những người đặt trọng tâm cuộc sống vào việc học. Họ sẽ không bao giờ cảm thấy hạnh phúc nếu kết quả không đủ tốt. Từ khi nào bạn lại có thể chấp nhận những con điểm số chi phối cuộc đời mình như vậy?

Đặt trọng tâm cuộc sống vào bạn bè

Ai cũng biết bạn bè thì thật là quan trọng, các bạn càng trẻ, nhất là các bạn teen thì lại càng quan trọng việc chơi trong một nhóm bạn bè. Ở cái lứa tuổi ấy, bạn bè là tất cả, chúng cùng nhau làm mọi việc, thề nguyện sống chết vì nhau. Còn gì tuyệt vời hơn việc có một đám bạn thân cùng sở thích. Mỗi ngày, mỗi tháng lại lên kế hoạch cùng nhau làm những việc điên rồ nhưng thật vui vẻ. Chính họ đã tạo cho chúng ta một khoảng trời tuổi trẻ đầy ắp kỷ niệm. Và rồi ta nghĩ sẽ sát cánh cùng nhau mãi mãi, nghĩ rằng sẽ không có gì ngăn cản được tình bạn tuyệt đẹp này.

Lớn hơn rồi bạn sẽ hiểu, bạn bè không là tất cả. Một nhóm bạn thân trung học khi lên đại học sẽ chẳng mấy khi còn gặp nhau nữa. Một nhóm bạn đại học khi đi làm rồi đôi khi sẽ chẳng dành được cho nhau một tối cuối tuần. Ai rồi cũng lớn lên, cũng có những công việc riêng, những mối quan tâm và quan hệ riêng mà họ phải bù đầu đối mặt. Chẳng mấy người còn nhớ đến cái lời thề nguyền cắt máu anh thề nhận huynh nhận đệ khi xưa cả. Tất nhiên vẫn rất nhiều người duy trì được những nhóm bạn thân, thường dễ nhất là khi họ học chung trường, ở chung khu phố hay thậm chí làm cùng công ty nữa. Nhưng sẽ luôn có một khoảng cách được tạo ra, khi chúng ta tự chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình. Và những cậu bạn thân sẽ không còn là thứ bạn muốn quan tâm nhất trên đời nữa.

Mọi việc xảy ra một cách rất tự nhiên, thậm chí đến một lúc nào đó vô tình nhìn lại, bạn sẽ chợt thốt ra, a, thằng này ngày xưa tao với mày thân lắm nè, mày còn sống hả con? Hay ê nhận ra tao không? Ngày xưa chơi chung nhóm thân quá trời quá đất nè…

Thế đấy, việc hết mình vì bạn bè thì không có gì sai. Nhưng nếu bạn đặt trọng tâm cuộc sống vào những người bạn thì lại không khôn ngoan chút nào. Không chỉ có thời gian và khoảng cách khiến cho tình bạn thay đổi, mà đôi khi có rất nhiều nguyên nhân để hai người đã từng rất thân sẽ không nhìn mặt nhau nữa. Bạn bè hoàn toàn có thể hiểu lầm nhau, tức giận nhau và thâm chí đâm chọt sau lưng nhau nếu cần thiết.

Một mối quan hệ không vững vàng thì không xứng đáng để bạn đặt trọng tâm cuộc sống của mình vào đó. Nếu như bạn gặp vấn đề nào đó, hãy thoải mái chia sẻ với bạn bè, hãy nghe những lời khuyên của họ, nhưng chỉ để tham khảo thôi, đừng để mọi suy nghĩ của họ chi phối hành động của bạn. Mới đây tôi đọc một bài tâm sự của một chàng trai, rằng anh ta đã đánh mất tình yêu của cuộc đời mình, sau khi nghe lời những cậu bạn thân chỉ bảo và đánh giá bạn gái của anh ta. Thật khôi hài, thật vớ vẩn! Tất nhiên rồi, giờ anh ta đang cực kỳ hối hận. Bạn sẽ không muốn cuộc đời mình có những trường hợp như thế đâu.

Đặt trọng tâm cuộc sống vào tình yêu/bạn đời

Đây là một điều rất nhiều người hiện đang làm. Khi có người yêu, bị say đắm trong những điều ngọt ngào hạnh phúc, người ta dễ dàng đặt người yêu của mình vào vị trí trung tâm nhất. Rồi sau đó làm mọi việc vì người đó, người yêu vui bạn vui, người yêu buồn bạn buồn, người yêu tức giận thì bạn cũng đứng ngồi không yên…

Tình yêu là một thứ rất đẹp, nhưng cũng như vật chất, nó là thứ không bền vững. Không gì có thể đảm bảo bạn sẽ luôn hạnh phúc hay người yêu sẽ luôn khiến bạn hài lòng. Đừng đặt trọng tâm cuộc sống vào đó, đừng để cho họ điều khiển bạn, vì hơn ai hết, chính bạn phải điều khiển cuộc đời của mình. Một ví dụ rõ nét và kinh điển trong tác hại của việc đặt trọng tâm cuộc sống vào tình yêu, đó là nếu như cuộc tình tan vỡ, bạn bị phản bội hay chia tay, bạn sẽ đau khổ tận cùng, thậm chí tìm đến cái chết. Ôi không, tình yêu không thể nào quan trọng hơn mạng sống của bạn được. Bạn có thể yêu ai đó hơn mạng sống của mình, có thể nguyện chết vì một người khi đang yêu say đắm. Điều đó nghe có vẻ đẹp đẽ cao vời, nhưng không, tuyệt đối không nên. Cha mẹ cho bạn cuộc sống và bạn nợ họ. Bạn không nợ bất cứ ai ngoài kia mạng sống của bạn, có thể có, nhưng có nhiều cách để trả lại những mối nợ này mà không phải dùng mạng sống. Bạn không thể chết thay một người đã chết chỉ vì họ từng cứu bạn, tình yêu cũng vậy thôi.

Có một quan điểm hết sức sai lầm rằng trên thế giới này thường chỉ có một người duy nhất là một nửa của chúng ta, rằng chỉ có 1/9 tỷ người là thuộc về mình mãi mãi. Ôi không, tôi không học giỏi môn xác suất thống kê, nhưng tôi có niềm tin mãnh liệt rằng thế giới ngoài kia có hàng trăm hàng ngàn người phù hợp với bạn. Chỉ là bạn không tìm kiếm, hoặc chưa thấy, không có nghĩa là họ không tồn tại. Tình yêu là như thế, bạn có thể yêu chỉ một người cả một đời, nhưng bạn cũng hoàn toàn có thể yêu rất nhiều người trong đời, chẳng có con số nào quy định bạn phải yêu bao nhiêu cả. Thế nên đừng quá thần thánh hóa người yêu, hãy chỉ nên xem họ như một mảnh ghép của cuộc đời. Mà một mảnh ghép thì không thể nào làm trọng tâm của cả bức tranh được.

Không đặt trọng tâm vào người yêu/bạn đời, sẽ không có cảnh bạn bỏ bê công việc, sức khỏe, gia đình vì người đó. Sẽ không có những thất vọng hay những câu oán than đại loại “hôn nhân là nấm mồ của tình yêu, tình chỉ đẹp khi còn dang dở, tại sao người ta lại có thể thay đổi đến thế khi kết hôn…”, và tất nhiên sẽ không có chuyện bạn lệ thuộc vào người đó. Cho nên bất cứ thứ gì không ổn định, dễ thay đổi như một con người thì đều chưa xứng đáng để bạn đặt làm tâm điểm.

Đặt trọng tâm cuộc sống vào gia đình, cha mẹ

Đây nghe chừng như một lời khuyên tốt. Nhưng hãy suy xét lại, nếu bạn đồng ý đặt ba mẹ làm trọng tâm cuộc sống của mình, tức là mọi hành động, việc làm của bạn đều hướng về họ, vì họ. Cuộc sống của bạn có tốt đẹp không khi bạn thi vào một trường đại học, học một ngành không hề yêu thích, chỉ vì đó là điều ba mẹ bạn muốn? Bạn có hạnh phúc không khi từ bỏ cô người yêu ngàn năm của mình để lấy một người con gái vừa đẹp người, vừa đẹp nết mà ba mẹ bạn chọn trong khi bạn không hề có chút tình cảm nào với cô ta? Gia đình bạn liệu có ổn, vợ bạn liệu có vui khi bạn không có tiếng nói nào mà mọi chuyện nhất nhất tuân theo sự sắp đặt của cha mẹ? Thế nên, mặc dù mới nghe thì đây có vẻ như là một lời khuyên tốt nhưng thực tế lại không tốt chút nào. Để cho người khác làm chủ cuộc sống của bạn không phải là điều nên làm, dù cho đó là cha mẹ của bạn đi nữa.

Khi tôi nói không nên đặt trọng tâm cuộc sống vào ba mẹ, vào gia đình không có nghĩa là tôi nói bạn không quan tâm hay không yêu thương gia đình hay ba mẹ mình. Tất nhiên là bạn nên và nhất định phải yêu thương, quý mến và kính trọng họ, nhưng không phải bằng tất cả cuộc sống của bạn. Dù cho bạn có một gia đình tuyệt vời đến đâu, bạn cũng chỉ có nửa đời sống với cha mẹ mình, còn lại bạn phải chăm lo cho gia đình riêng của mình. Hãy nhớ, ba mẹ không nên là trọng tâm cuộc sống của bạn, cũng như vợ và con bạn vậy. Họ rất quan trọng, tất nhiên, nhưng chưa đủ làm trọng tâm.

Đến lúc này nhiều bạn sẽ hỏi, vậy thì tôi nên đặt nó vào đâu? Khi mà công việc, gia đình, tình yêu đều không phải sự lựa chọn đúng đắn. Thì đây, đây là lời khuyên khôn ngoan dành cho bạn.

Hãy đặt trọng tâm cuộc sống vào những nguyên tắc sống đúng đắn

Nói tóm lại, bạn bè, sự nghiệp, gia đình, tình yêu… đều là những thứ quan trọng và tuyệt vời, những thứ đáng để ta phấn đấu và trân trọng, nhưng như thế thì chưa đủ. Nó chỉ là nhân tố phụ bởi bạn không thể để bất cứ thứ gì trong đó chi phối mọi thứ xảy ra trong cả cuộc đời mình, trong một vài trường hợp thì được, nhưng cả cuộc đời thì không.

Nhưng có một thứ mà bạn nên đặt và sẽ không bao giờ khiến bạn phải hối hận, đó là “lương tâm”- là từ thu gọn của những nguyên tắc sống đúng đắn mà bạn tự đúc kết hay tích lũy cho mình qua cuộc sống. Đó chính là lời khuyên cho bạn.

Nguyên tắc sống đúng đắn là thứ bạn nên chọn để làm trọng tâm cuộc sống của mình. Vì không ai làm những điều đúng đắn mà lại phải hối hận hay dằn vặt cả. Những nguyên tắc sống không bao giờ thay đổi, không bao giờ phản bội bạn, chúng luôn ở đó để bạn nương vào mỗi khi gặp khó khăn trắc trở trên đường đời. Những nguyên tắc sống đúng đắn luôn có mặt ở đó như một ngọn hải đăng soi chiếu con đường bạn đi, dù là trong công việc, cách đối nhân xử thế hay ứng xử tình cảm, gia đình. Chúng không bao giờ thay đổi khi bạn không muốn. Và chúng luôn là thứ để người khác hướng theo. Những nguyên tắc như luôn đặt uy tín lên hàng đầu, không bao giờ dối trá hay phản bội, luôn làm đúng với lương tâm, kính trên nhường dưới, sống như không có ngày mai, không bao giờ từ bỏ… Chính những điều này, sẽ khiến cho cuộc sống của bạn không bao giờ lầm đường lạc lối, dẫn bạn đi đúng hướng và đạt được mọi thứ trên đời.

Hãy đặt nguyên tắc sống cho những khía cạnh khác nhau trong cuộc đời bạn: Sự nghiệp, tình yêu, gia đình, con cái, bạn bè… và sau đó hoàn toàn đơn giản là tuân theo nó, tuyệt đối hoặc gần như tuyệt đối. Dùng nó như kim chỉ nam soi lối mọi hành động và quyết định của bạn. Bạn cũng có thể thay đổi những nguyên tắc này sao cho phù hợp với tình hình thực tế, nó không nhất thiết là một điều được duy trì mãi mãi. Ví dụ hôm nay nguyên tắc của bạn là không tin tưởng bất cứ ai ngoài bản thân, thì ngày mai bạn có thể đổi nó thành không tin những lời người khác nói, nhưng sẽ nhìn vào những gì người khác làm để đặt niềm tin nơi họ…

Có rất nhiều cảm xúc đáng ghét diễn ra mỗi ngày trong cuộc đời của chúng ta, đó là cảm giác bị lừa dối, cảm giác bị ruồng bỏ, cảm giác thất bại, cảm giác sợ hãi… Riêng đối với tôi mà nói, có một thứ cảm giác còn tồi tệ hơn rất nhiều, đó là cảm giác chông chênh. Chông chênh là khi bạn đứng giữa lưng chừng tất cả, nghi ngờ mọi thứ, sợ hãi tương lai và không biết phải làm gì. Không có gì để bấu víu, để tin tưởng, tất cả đều nhờ nhợ, không có gì rõ ràng cả. Cảm giác đó thật sự đáng sợ, vì nó đeo đẳng, rất khó tìm ra cách giải quyết và chấm dứt cảm giác đó một cách nhanh chóng hay dễ dàng. Đó mới thật sự là cảm giác tồi tệ. Những lúc đó bạn cần tìm ra cái la bàn của mình. Và trọng tâm cuộc đời chính là một trong những chiếc la bàn đó.

Khi đặt trọng tâm cuộc đời vào những nguyên tắc sống, cũng giống như bạn chọn cách để chính bản thân mình điều khiển cuộc đời mình. Đó là điều đúng đắn, vì chính bạn và chỉ bạn mới biết được điều gì là tốt nhất cho bản thân. Trong mọi trường hợp, hãy lắng nghe “lương tâm” của mình.

Thân chúc bạn không bao giờ còn cảm thấy chông chênh.

“Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng cả trái đất lên.” – Acsimet

Điểm tựa là thứ sẽ cho bạn sức mạnh không ngờ. Vậy điểm tựa, hay trọng tâm của cuộc đời bạn, là gì?

 

Phi Tuyết