Chia sẻ tại Hội thảo Quốc tế 4G/5G tại Hà Nội mới đây, ông Jim Cathey, Chủ tịch Qualcomm Technologies khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ, nhấn mạnh rằng, kết nối 5G mang lại rất nhiều lợi ích, nhất là với những nền kinh tế đang có tốc độ phát triển nhanh như Việt Nam.
“Với một quốc gia có ngành công nghiệp sản xuất đang phát triển mạnh mẽ như Việt Nam, kết nối thiết bị bằng công nghệ không dây là yêu cầu rất quan trọng. Khi được triển khai, 5G sẽ là giải pháp 'thần kỳ', đáp ứng được nhu cầu kết nối một số lượng lớn thiết bị trong nhiều ngành kinh tế xã hội khác nhau, không chỉ gói gọn trong dịch vụ thoại hay dữ liệu thông thường”, ông Cathey nhấn mạnh.
.
Ông Thiều Phương Nam, Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia
Cũng theo đại diện của Qualcomm, 5G là xương sống của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và là cơ hội lớn cho các quốc gia như Việt Nam.
Việt Nam hiện được đánh giá cao về tốc độ phát triển kết nối. Chỉ trong vòng 18 tháng sau khi triển khai, 4G đã phủ sóng rộng đến 95% dân số cả nước. Tuy nhiên, trong khi thế giới đang bàn tới việc phát triển 5G, thì Việt Nam lại mới chỉ triển khai được 4G trong hơn một năm. Cũng bởi thế, nhiều ý kiến cho rằng, hiện còn quá sớm để bàn chuyện 5G ở Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Thiều Phương Nam, Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia cho rằng, mặc dù phát triển khá nhanh chóng, song so với nhiều nước thì Việt Nam đã ra mắt mạng 4G hơi chậm. “Vì thế, không nên chậm trễ nữa trong việc khai thác mạng 5G. Triển khai mạng di động thế hệ mới này vào năm 2020 là bước đi thích hợp”, ông Thiều Phương Nam nói.
Có cùng quan điểm, ông Jim Cathey khẳng định, không bao giờ là quá sớm để hoạch định tương lai và thực hiện quy hoạch.
“Việc lập kế hoạch sớm giúp thiết lập những nền tảng cần thiết cho các công nghệ tương lai. Việc triển khai 5G càng được chuẩn bị kỹ lưỡng, thì việc triển khai thực tế càng mạnh mẽ và hiệu quả hơn, không chỉ cho thị trường trong nước, mà có thể tạo ra những mô hình có khả năng nhân rộng ra thị trường nước ngoài”, ông Jim Cathey nói.
Thông tin từ Qualcomm cho biết, hiện nay, các nhà mạng Việt Nam đang trong giai đoạn tối ưu mạng lưới hạ tầng LTE đã triển khai, nhằm thúc đẩy phát triển 4G mạnh mẽ hơn nữa. Trong năm 2017, các kỹ sư Qualcomm đã làm việc với ba nhà mạng lớn nhất Việt Nam: Viettel, VNPT, Mobifone, trong những dự án tối ưu hóa hạ tầng mạng lưới. Trong năm nay, các kỹ sư Qualcomm sẽ tiếp tục làm việc trong các dự án tối ưu hóa với các nhà mạng Việt Nam.
Trong các dự án kéo dài từ 3 đến 5 tháng, các kỹ sư Qualcomm và các nhà mạng làm việc tích cực để kiểm tra mạng lưới, chia sẻ công nghệ để tối ưu mạng lưới, tư vấn tính năng mới của LTE để cải thiện tốc độ và chất lượng dịch vụ.
Ngoài làm việc với các nhà mạng, Qualcomm cũng làm việc chặt chẽ với nhiều công ty tiên phong trong ngành công nghiệp sản xuất thiết bị nội địa, bao gồm Viettel, VNPT, BKAV và Company 129, về mặt thiết kế và thương mại hóa các sản phẩm kỹ thuật tiên tiến cho ngành công nghiệp IoT và di động.
“Với quyền sử dụng danh mục sáng chế của Qualcomm, những công ty này có thể truy cập vào hàng loạt các công nghệ không dây, và nhận được hỗ trợ để mang sản phẩm của họ ra thị trường quốc tế. Chúng tôi hy vọng có thể phát triển thêm các mối quan hệ chiến lược khác và cùng nhau phát triển ngành công nghiệp địa phương”, ông Jim Cathey khẳng định và cho biết, Qualcomm đã đóng vai trò trung tâm khi Việt Nam chuyển giao từ 2G lên 3G cách đây vài năm, và hiện đóng vai trò chủ lực trong quá trình chuyển đổi 3G-4G đang diễn ra. Tới đây, Qualcomm sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong phát triển 5G.
Nhã Nam