Ở tuổi 22, tôi buộc phải quản lý một nhà hàng Trung Quốc của gia đình ở Boston, Mỹ. Thời điểm đó, tôi mới tốt nghiệp, ghét tài chính và những thể loại công việc phải ngồi lì suốt ngày trước màn hình máy tính với Excel và phân tích những dữ liệu vô nghĩa với mức lương 35.000-50.000 USD mỗi năm. Nói một cách khác, tôi không biết phải làm gì với cuộc đời của mình.
Thời điểm đó, gia đình tôi trải qua giai đoạn khó khăn và mọi người cần tôi phụ giúp trông coi nhà hàng. Tôi không cảm thấy thoải mái khi làm việc này.
Khi đang trôi lạc trong vùng đất bất định và làm việc không công cho gia đình mà chẳng có chút gì gọi là đam mê, tôi nhận ra rằng cuộc đời còn nhiều thứ đáng giá hơn thế. Tôi bắt đầu đọc những quyển sách giúp tinh thần phấn chấn và có động lực hơn. Zig Zigla là tác giả đầu tiên trao cho tôi niềm hy vọng. Cuốn "Bảy thói quen của người thành đạt" của Steve Covey cũng đã giúp tôi rất nhiều. Tôi cũng bắt đầu cho thuê những căn phòng trong nhà, có những bước đi đầu tiên cho quỹ đầu tư bất động sản sau này của mình.
Dandan Zhu - nhà sáng lập và CEO Dandan Global Group. Ảnh: Courtesy Dandan Zhu
Những ngày ấy, dù phải làm việc 7 ngày mỗi tuần suốt 8 tháng liên tục, tôi đã có cơ hội để quản lý công ty và các nhân viên. Dưới đây là những kỹ năng giá trị mà tôi đã học được trong năm đó.
1. Kỹ năng về con người, dịch vụ khách hàng, sự dũng cảm, niềm tin, thông minh về mặt cảm xúc và các kỹ năng quản lý:
Tôi phải quản lý những nhân sự gấp đôi tuổi mình, học những tương tác giá trị giữa con người với nhau và kỹ năng giao tiếp trong lúc phải quản lý tất cả các mặt về nhân viên, khách hàng, đối tác, chiến lược tiếp thị và vận hành.
2. Trân trọng những gì bản thân và mọi người xung quanh thực hiện:
Mặc dù công việc mà tôi làm không được ấn tượng lắm so với bạn bè, tôi vẫn cố gắng gia tăng tinh thần và tiếp tục xây dựng những giá trị và sự tự tin cho bản thân. Tôi vẫn cố gắng làm những việc bình thường của một người ở tuổi 22 như tụ tập với bạn bè, dù lịch trình công việc kín mít.
3. Đừng đổ lỗi cho bất kỳ điều gì:
Tôi nhận ra rằng mình có thể làm những chuyện khác nhau nếu có lòng tin vào bản thân. Bạn không phải là nạn nhân mà chính là người đưa ra những quyết định mà mình lựa chọn. Không ai có thể buộc bạn phải làm điều mà bạn không muốn.
Tôi luôn có khao khát trở thành ca sĩ và có cơ hội đến Trung Quốc tham gia vòng thử giọng một cuộc thi tương tự American Idol. Rất tiếc là tôi đã không đi vì không ai khác có thể giúp tôi quản lý việc kinh doanh trong thời gian này. Lúc đó, tôi cảm thấy thật cay đắng, vô dụng, bất công và vô cùng sai trái trước những áp lực và sự tin tưởng của gia đình dành cho mình.
Nếu không phải vì họ, tôi đã nổi tiếng rồi hay ít nhất cũng có những thước phim trên truyền hình. Nhưng tôi dần nhận ra sự thật là tôi không tự tin để trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp dù đó là sở thích và đam mê. Việc không thể tham gia cuộc thi rõ ràng là do tôi lựa chọn. Tôi đã hoàn toàn có thể mua một chiếc vé và từ chối gia đình nếu tôi thật sự tin cuộc thi sẽ là con đường đưa tôi trở thành ngôi sao nhạc pop nổi tiếng ở Trung Quốc.
Tôi đã quyết định không làm điều đó. Vì vậy gia đình không có lỗi, mọi thứ là do tôi. Mọi người đều cảm thấy ngại ngùng và tôi rất hối hận khi trút giận lên họ. Tự làm tổn thương là cách tồi tệ nhất khi đối xử với bản thân và mọi người xung quanh, đó là ảo giác sẽ tác động tiêu cực đến tâm trí và những mối quan hệ với người khác.
Tuy nhiên, khởi nghiệp bất đắc dĩ ở tuổi 22 đã giúp tôi đạt được tự do từ trong chính mình. Tôi ngừng hạ thấp bản thân bởi việc so sánh với người khác. Dù tôi không có một công việc mà mọi người nhìn vào sẽ ca tụng hay ấn tượng mạnh mẽ, tôi đã làm một việc đúng đắn cho gia đình của mình.
Tôi cuối cùng cũng có một năm để tự mình nhìn lại bản thân, về những thế mạnh của tôi, đặc biệt là ở mảng nhân sự. Hơn nữa, những quyển sách đã trao cho tôi sự tự tin rằng nếu người khác có thể thì tôi cũng vậy. Với bệ phóng khởi nghiệp bất đắc dĩ đó, từ 23-28 tuổi, tôi nhảy vào thế giới kinh doanh, trở thành một chuyên viên săn đầu người hàng đầu. Tôi cũng học về bất động sản và có sở hữu đất đai.
Giờ đây tôi vẫn làm việc mỗi ngày, nhưng là cho công ty của riêng tôi, trong thời gian biểu của tôi. Tôi viết lách, giảng dạy, nói chuyện truyền cảm hứng và hướng dẫn người khác nghiên cứu công việc. Tôi được sống với chính những gì mình mơ ước, từ trải nghiệm đứng lên trước khó khăn khi khởi nghiệp ở tuổi 22.
Ở tuổi 28, tôi đã có thể nghỉ hưu với một sự nghiệp thành công, những khoản đầu tư giá trị và hoàn toàn tự do về mặt tài chính.
Trương Sanh