Trong lễ trao tặng danh hiệu “Doanh nhân nữ ASEAN tiêu biểu” của Mạng lưới Doanh nhân nữ khối ASEAN (AWEN) mà bà là một trong 10 nữ doanh nhân của Việt Nam được vinh danh, bà đã nhắc nhiều tới những lao động tại địa phương, nơi Khu công nghiệp Đại An đang hoạt động. Điều gì khiến bà nghĩ tới họ nhiều như vậy?
Khi tôi đứng trên bục danh dự, cùng với 9 doanh nhân nữ tiêu biểu của Việt Nam nhận danh hiệu “Doanh nhân nữ ASEAN tiêu biểu”, tôi đã nghĩ về những tiêu chí mà AWEN dựa vào đó để tôn vinh. Họ nhấn mạnh tới hoạt động, thành tích của doanh nghiệp trong 5 năm liên tục, đã được Nhà nước công nhận, bình chọn…
Bà Trương Tú Phương (bên phải) nhận Danh hiệu Doanh nhân nữ ASEAN tiêu biểu năm 2018. Ảnh: Thành Chung
Tôi nhận danh hiệu này bởi sự hoạt động hiệu quả của Khu công nghiệp Đại An, nơi đang thu hút được 1,5 tỷ USD vốn FDI trong các lĩnh vực công nghiệp điện tử, công nghiệp nhẹ, và công nghệ kỹ thuật cao và 2.500 tỷ đồng.
Trong 5 năm gần đây nhất, Khu công nghiệp Đại An đã thu hút được 695 triệu USD vốn FDi, với 95 dự án đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Hàn Quốc và Nhật Bản có vốn đăng ký cao nhất.
Nhưng, tôi không thể có mặt ở lễ vinh danh này nếu như thiếu sự cộng tác, trách nhiệm của 38.000 lao động và hơn 300 chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại đây.
90% người lao động là người Hải Dương, nhiều người có gia đình sinh sống hàng thế hệ ở đây, tại mảnh đất họ đang làm việc, đang gây dựng sự nghiệp trong các doanh nghiệp, nhà máy…, góp phần làm nên môi trường làm việc chuyên nghiệp, chuẩn mực quốc tế
Không có sự ủng hộ của người dân địa phương, Khu công nghiệp Đại An sẽ không thể có được hiệu quả hoạt động trọn vẹn như hiện tại.
Hiện tại, họ cũng là người tham gia nhiệt tình các chương trình, công tác xã hội mà Công ty và Khu công nghiệp Đại An phát động, như ủng hộ các gia đình thương binh liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, hội nạn nhân chất độc da cam, quỹ từ thiện, quỹ đền ơn đáp nghĩa…
Nghĩa là, AWEN hướng hoạt động tôn vinh trách nhiệm xã hội mà các doanh nhân nữ ASEAN đã cống hiến cho nền kinh tế, cho địa phương mà họ hoạt động?
Họ có tiêu chí cơ bản khi tôn vinh doanh nhân tiêu biểu.
Thứ nhất là, đạo đức trong kinh doanh: tôn trọng và tuyệt đối tuân thủ các quy tắc trong đạo đức kinh doanh. Các mối quan hệ làm ăn, kinh doanh muốn lâu dài và thành công phải được xây dựng trên nền tảng đạo đức.
Thứ hai, giáo dục và đào tạo: đây là tiêu chí hàng đầu cho những ai muốn thành công rực rỡ trong sự nghiệp; được giáo dục tốt thì sẽ có hành xử đúng đắn và là tiền đề phát triển tính cách đạo đức. Điều này quan trọng cho cá nhân muốn thành công và cho xã hội muốn phát triển.
Và thứ ba là, sự say mê và tâm huyết với mục tiêu của mình đề ra. Phải có mục tiêu thì mới có mục đích sống và làm việc. Mục tiêu mang tính vĩ mô, hay mục tiêu nhỏ bé không quan trọng, miễn là chúng ta tâm huyết và sống hết mình để biến ước mơ thành hiện thực.
Các tiêu chí này hàm chứa tính nhân văn trong kinh doanh - điều mà tôi luôn tâm huyết…
Nhưng thưa bà, không đơn giản để thực hiện những tiêu chí này, nhất là trong bối cảnh thị trường luôn cạnh tranh gay gắt…
Đúng là mọi mục tiêu để đạt được cần có nỗ lực, trách nhiệm, nhưng để đảm bảo được các yếu tố nhân văn trong kinh doanh, tôi nghĩ cần hơn cả là sự kiên cường, lòng can đảm và tình thương giữa con người với con người.
Trước khi bước vào thương trường, tôi đã có thâm niên 23 năm làm công chức Nhà nước (từ năm 1978 - 2000). Với nhiều người, chặng đường này đủ dài để họ yên tâm đi nốt con đường đã chọn. Hơn thế, khoảng thời gian dài ổn định công việc là thách thức cho bất cứ mong muốn thay đổi nào. Nhưng, tôi cảm thấy cần phải thay đổi khi mục tiêu trong sự nghiệp của mình thay đổi.
Năm 2002, sau 5 tháng khảo sát tại 6 tỉnh phía Bắc Việt Nam, tôi và đồng nghiệp quyết định đầu tư một khu công nghiệp có quy mô lớn, có tính chiến lược, diện tích đất phải từ 600 ha trở lên. Chúng tôi chọn Hải Dương vì địa thế thuận lợi, nằm giữa Hà Nội và cảng biển quốc tế Hải Phòng với khoảng cách 51 km.
Thực ra, đến giờ, khi cả nước đã có 325 khu công nghiệp và tôi vẫn là một trong 3 doanh nhân nữ có mặt trong lĩnh vực tưởng như chỉ dành cho những người đàn ông – lĩnh vực đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, thì tôi vẫn nghĩ đây là lĩnh vực kinh doanh đầy thách thức.
Thách thức không chỉ bởi những yêu cầu trong thu hút đầu tư, tạo dựng thế cạnh tranh của khu công nghiệp… mà chính bởi chính yêu cầu của mô hình khu công nghiệp mà tôi mong muốn, là khu đô thị - dịch vụ - công nghiệp, thay vì thứ tự truyền thống trong đầu tư tại Việt Nam là công nghiệp - dịch vụ - đô thị.
Khi bắt tay vào việc, tôi nghĩ, nếu lo được chỗ ở cho người lao động thì họ sẽ an cư, sẽ lạc nghiệp. Nếu những người dân trong vùng có thể gây dựng sự nghiệp mới tốt hơn, hạnh phúc hơn, có thu nhập cao hơn cho chính họ và gia đình tại Khu công nghiệp, thì chúng tôi sẽ không phải lo lắng gì cho sự phát triển bền vững của hoạt động kinh doanh mình đã chọn.
Giờ thì mô hình của Khu công nghiệp Đại An đã được chứng minh là thành công và được nhân rộng trong cả nước. Nhưng, để nói về bài học, bà sẽ nói đến điều gì?
Tôi muốn kể lại câu chuyện 15 năm trước. Khi tiếp xúc với thanh thiếu niên địa phương từ 30 tuổi trở xuống, tôi cảm tưởng họ ít nghị lực và ít vị tha hơn người lớn tuổi. Họ chịu ảnh hưởng của bạn bè nhiều hơn của gia đình, dẫn đến tính cách và hành vi thường là “nghĩ sai, làm sai và sống sai”. Điều này làm tôi tin rằng, môi trường là nguyên nhân, là yếu tố chính tác động đến các em.
Tôi thấy, phải tạo một môi trường trong sạch cho thanh thiếu niên địa phương. Điều này sẽ làm cho an ninh, an toàn trật tự của địa phương tốt hơn và cũng sẽ tạo nên một thế hệ trẻ, thế hệ tương lai tốt.
Dựa vào tiêu chí phải xây dựng một môi trường khu công nghiệp “có việc làm, có văn hóa, có đạo đức và trách nhiệm” cho thanh thiếu niên địa phương, tôi đã chủ trương thiết kế chiến lược kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp FDI, đặc biệt đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản, theo 3 tiêu chí cụ thể.
Một là, có tài chính. Khi nguồn vốn sẵn có, nhà đầu tư mới đảm bảo được dự án đầu tư được phát triển hoàn thiện, mới có khả năng tồn tại và cạnh tranh trong thị trường toàn cầu.
Hai là, có thiện chí đầu tư tại Việt Nam. Nếu đã có thiện chí thì mới có quyết tâm xây dựng kế hoạch đầu tư lâu dài, tạo dựng cơ sở sản xuất có tổ chức, có quy mô và nghiêm túc tuân thủ pháp luật.
Ba là, có tâm. Doanh nghiệp có tâm thì sẽ có tầm nhìn, có “tính cách đạo đức” bao gồm các giá trị đạo đức như công bằng, cao thượng, liêm chính. Và hành vi đạo đức gồm các phẩm chất như nỗ lực, siêng năng và kiên trì.
Tôi đã tuân thủ nguyên tắc này trong xây dựng và phát triển Khu công nghiệp Đại An. Tôi nghĩ rằng, khi đã đầu tư ở địa phương nào thì cần phải gắn bó lâu dài, phải kết hợp lợi ích của doanh nghiệp với địa phương, với người dân, như thế mới có thể gọi là thành tựu trong sự nghiệp. Và đây cũng là sứ mệnh và nhiệm vụ của tôi đối với tỉnh Hải Dương.
Nói về Khu công nghiệp Đại An, giới chuyên gia vẫn đánh giá mô hình này không những thành công trong việc tạo ra một môi trường đầu tư tương đối hoàn chỉnh, có khả năng thu hút nguồn vốn FDI trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ hiện đại ít nhân công, không gây ô nhiễm, mà còn hoàn thành được vai trò xây dựng và cải thiện môi trường địa phương, từ văn hóa nông nghiệp chuyển sang văn hóa công nghiệp. Bà có hài lòng vì điều đó?
Điều quan trọng, đây sẽ là nền tảng tạo ra thế hệ công dân, công nhân “tốt”.
Với tôi, “tốt” là có việc làm, có nguồn thu nhập ổn định. Đây là điều kiện tiên quyết để mỗi cá nhân làm tròn nghĩa vụ đối với bản thân, gia đình và xã hội. “Tốt” là có văn hóa, là nhận thức, là trải nghiệm mà cá nhân được đào tạo và được nâng cao thông qua quá trình hoạt động có kỷ luật, sống như một công dân gương mẫu. “Tốt” là có đạo đức và trách nhiệm. Đây là yếu tố cao nhất, là tiền đề mà cá nhân muốn thành công trong sự nghiệp. Sự thành công của cá nhân sẽ góp phần gây dựng cho sự phát triển kinh tế và xã hội địa phương.
Đặc biệt, tôi đã dẫn dắt một tập thể từ 6 người khi mới thành lập, đến nay là một đội ngũ 169 người có trình độ, bản lĩnh, yêu công việc.
Nếu đặt mục tiêu tài chính doanh nghiệp là trên hết, thì có thể, tôi đã có kết quả tài chính tốt hơn nhiều, thời gian sẽ nhanh hơn và công việc có thể sẽ dễ dàng hơn, nhưng tôi đã từ chối mô hình kinh doanh chỉ xem trọng lợi ích doanh nghiệp, mà đánh mất đi giá trị và quyền lợi của người địa phương.
Với tôi, đó là những thành quả mà tôi thu hái được từ chặng đường xây dựng Khu công nghiệp Đại An đầy chông gai, thử thách vừa qua…
Thanh Tân