Phạm Ngọc Liêm, người sáng lập chuỗi cửa hàng túi xách da Lee & Tee, kể rằng khi khởi nghiệp, anh chỉ đầu tư 40 triệu đồng. Lường trước khó khăn về xoay vòng vốn, nên ngay từ đầu Liêm luôn chú trọng giữ chữ tín với nhà cung cấp và nhân viên.
“Ban đầu tôi cố gắng thanh toán ngay tiền hàng cho các nhà cung cấp và chẳng bao giờ nợ. Dù lúc đó cửa hàng của tôi còn nhỏ, nhưng các đối tác rất tin tưởng. Sau một thời gian, họ cho tôi nợ một thời gian để có thể nhập nhiều sản phẩm”, Liêm kể.
Doanh nhân trẻ nhắc lại rằng, trong giai đoạn khởi động, tài sản lớn nhất của doanh nhân là chữ tín. Chỉ nhờ uy tín buổi ban đầu, về sau anh có thể nợ khoản vốn lớn để phát triển kinh doanh, mở thêm cửa hàng.
Phạm Ngọc Liêm, người sáng lập chuỗi cửa hàng túi xách da Lee & Tee. Ảnh: HTV9 |
Hiện tại Lee & Tee có 22 cửa hàng ở 5 thành phố lớn – bao gồm TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng và một xưởng gia công sản xuất với gần 100 công nhân.
“Điều khiến tôi tự hào nhất là Lee & Tee đã đủ sức thu hút và định hướng cho người Việt sử dụng túi xách Việt”.
Sau Lee & Tee, hàng loạt chuỗi thương hiệu túi xách, giày dép Việt ra đời. Để cạnh tranh, Liêm nhận định bí quyết quan trọng nhất là biết phát huy điểm mạnh để sáng tạo. Theo anh, miếng bánh thị trường càng lớn, cơ hội càng nhiều.
Đương nhiên, chất lượng sản phẩm là yếu tố mang tính quyết định nhất đối với Liêm. Hàng năm anh đề cải tiến sản phẩm, ưu tiên chất lượng hơn số lượng. Các thợ của anh luôn cải tiến túi xách, vali, túi du lịch da theo hướng trẻ trung, năng động và đa năng hơn. Anh cũng hợp tác với đội ngũ nghệ nhân để sản xuất những sản phẩm cầu kỳ hơn để bán cho du khách nước ngoài. Xây dựng hệ thống phân phối riêng cũng nằm trong kế hoạch của anh.
“Nếu tôi lệ thuộc vào nhà phân phối, khi họ tung ra sản phẩm giống tôi, bỗng dưng tôi sẽ trở thành nhà gia công cho họ”, anh giải thích.
Một mẫu vali da của thương hiệu Lee & Tee. |
Hướng đi của Liêm là mô hình nhượng quyền. Anh chọn lựa nhiều cửa hàng rồi thu phí nhượng quyền thấp. Chẳng những phân phối đơn hàng về các cửa hàng nhượng quyền, Lee & Tee lập các trang web, xây dựng hệ thống quản lý khách hàng, “chạy” quảng cáo số cho đối tác.
Một số người từ Mỹ, Phần Lan, Nam Phi, Anh đã liên hệ với Lee & Tee để nhận nhượng quyền. Vài đối tác Đài Loan cung cấp công cụ để Liêm để phát triển các sản phẩm thủ công nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế và trong nước.
Ban đầu, sản phẩm của Lee & Tee khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc vì đa phần sản phẩm Trung Quốc rẻ, nhiều màu sắc. Nhận thấy nhược điểm của túi Trung Quốc là nhanh bong tróc, gãy, rộp, iêm tập trung vào chất lượng. Bỏ công đoạn may công nghiệp, may một lần rồi dán, anh may lược sản phẩm ngay từ lần đầu.
Phần đai quai và đệm của túi Lee & Tee được may chắc chắn nhằm tăng khả năng chịu lực của túi. |
Liêm yêu cầu thợ may chắc phần đai quai và đệm nhằm tăng khả năng chịu lực của túi. Sản phẩm của anh có thể chịu nắng, mưa, không giảm chất lượng nếu người sử dụng giặt nhiều lần.
Độc chiêu hiệu quả nhất là thợ của Liêm cắt, may túi tại cửa hàng để mọi người có thể xem. Trải nghiệm đó thôi thúc khách hàng cũ giới thiệu người mới mua sản phẩm của Lee & Tee.
Đình Cương
Theo Kinh tế & Tiêu dùng