Grab tập trung vào mảng dịch vụ giao đồ ăn, kỳ vọng tăng trưởng 10 lần mỗi năm
Không phải gọi xe, mảng kinh doanh tăng trưởng tới 10 lần mỗi năm này mới là 'tương lai' của Grab
 
Khi Grab công bố kế hoạch thống trị thị trường giao đồ ăn ở Đông Nam Á vào tháng 5 năm ngoái, nhiều người sẽ không khỏi nghĩ rằng đây là một ý tưởng khá khoa trương.
 
Ở thời điểm đó, dịch vụ GrabFood của Grab mới chỉ ra đời ở Jakarta và ở một quy mô nhỏ tại Thái Lan. Tại thu đô của Indonesia, họ phải cạnh tranh với đối thủ GoFood của Go-Jek. Trên toàn khu vực, những cái tên đã xưng vương trong thị trường giao đồ ăn gồm có Foodpanda, Deliveroo và UberEats.
 
Tuy nhiên, bố cục thị trường đã thay đổi vào đầu năm ngoái khi Grab mua lại toàn bộ mảng kinh doanh Đông Nam Á của Uber.
 
Sau thỏa thuận này, Grab cũng nắm quyền kiểm soát cả UberEats và tái định vị thương hiệu lại thành GrabFood, ngay lập tức đảm nhận hoạt động của họ tại Malaysia và Singapore. Trong vài tuần sau đó, logo GrabFood cũng đã xuất hiện tại cả Việt Nam và Philippines.
 
Nhìn chung, Grab nói rằng mảng dịch vụ giao đồ ăn của họ đã tăng trưởng 10 lần giữa giai đoạn tháng 1 đến tháng 12 vào năm ngoái trên phương diện khối lượng đơn hàng vận chuyển hàng ngày.
 
Hơn nữa, họ còn tuyên bố trở thành công ty giao đồ ăn dẫn đầu tại Thái Lan và Philippines. Là đơn vị số 2 tại Việt Nam.
 
Trả lời phỏng vấn tờ Tech in Asia, Grab khẳng định phần lớn thành tích này là "tăng trưởng tự nhiên" chứ không phải nhờ bản thân thương vụ mua lại Uber Đông Nam Á. UberEats chỉ mới hiện diện tại Malaysia và Singapore, và chỉ đến khi về tay GrabFood, họ mới giành được vị trí dẫn đầu ở cả 2 thị trường về lượng đơn hàng trong vòng 3 tháng.
Không phải gọi xe, mảng kinh doanh tăng trưởng tới 10 lần mỗi năm này mới là tương lai của Grab - Ảnh 1.
 
Trên thực tế GrabFood không chỉ tiếp nhận các nhà buôn và mạng lưới của Uber. Họ còn được thừa hưởng nhiều nhân viên – những người đóng góp cho thành công của mảng giao đồ ăn của công ty Mỹ.
 
Trong số những người gia nhập hội đồng quản trị GrabFood có Tomaso Rodriguez – người từng phụ trách mảng vận tải xuyên lục địa của Uber gần 6 năm trước khi chuyển tới Đông Nam Á để điều hành UberEats tại đây.
 
Giờ trở thành người đứng đầu mảng GrabFood, Rodriguez nhận ra được tham vọng của CEO Grab Anthony Tan.
 
GrabFood hiện có mặt trên hàng trăm thành phố khác nhau ở 6 quốc gia trên toàn khu vực.
 
Tuy nhiên, câu chuyện không đơn giản là việc tái tạo thương hiệu UberEats và chuyển cho các tài xế chiếc áo T-shirt với logo mới. Cách tiếp cận hệ sinh thái của Grab là họ không tiếp nhận bất kỳ công nghệ nào mà Uber đã phát triển cho mảng giao thức ăn, mà chọn cách xây dựng lại mọi thứ từ đầu.
 
"Sự hợp nhất với Uber Đông Nam Á tạo cho chúng tôi một lực đẩy trên phương diện khả năng mở rộng sang nhiều quốc gia khác. Về mặt con người, chúng tôi có thể duy trì được nhiều nhân tài. Tuy nhiên, thứ chúng tôi thay đổi là xây dựng công nghệ của chính mình và tạo ra sản phẩm của chính mình. Đó là một sự sáp nhập của doanh nghiệp, của kinh doanh nhưng chúng tôi vẫn xây dựng sản phẩm độc nhất và tập trung vào khách hàng mỗi địa phương".
 
Địa phương hóa
 
Đội ngũ Grab đã phát triển 2 ứng dụng Grab khác nhau – một cho Malaysia và một cho Singapore, những ứng dụng khác nữa cho các thị trường còn lại. Điều đó phản ánh họ nhận thức được nhu cầu người dùng và người bán hàng là khác nhau ở mỗi quốc gia.
 
Rodriguez giải thích rằng đối với Indonesia, Philippines và Thái Lan, GrabFood đóng vai trò như người trung gian, cung cấp cho khách hàng những loại hàng hóa đa dạng. Nó giống với phiên bản cổ điển của UberEats – nơi tài xế sẽ nhận đơn, vào nhà hàng và gọi món tại quầy".
 
Đối với Malaysia và Singapore, ứng dụng này được tích hợp cho hệ sinh thái nội bộ của người bán, cho phép người dùng gọi trực tiếp đồ ăn từ người mua thay vì gửi danh sách order cho Grab và lái xe của họ.
 
Để mở rộng cơ sở các đối tác, Grab cũng tìm cách hợp tác với những nhà buôn địa phương nhỏ lẻ vốn chưa có kinh nghiệm về giao hàng trực tuyến.
 
Cách tiếp cận như vậy đã mang lại hiệu quả rõ rệt theo những số liệu mà Grab công bố. "Trong 1 quý, tại Malaysia và Singapore, chúng tôi trở thành đơn vị lớn hơn UberEats ở thời kỳ đỉnh điểm của họ. Chúng tôi đang hướng tới việc năm 2019 trở thành đơn vị giao đồ ăn lớn nhất trong khu vực, gồm cả Indonesia", sếp Grab tự khẳng định.
 
Tham vọng này không phải là không có cơ sở. Cơ hội trong lĩnh vực giao đồ ăn khá rộng mở. Theo dữ liệu của Uber, mảng kinh doanh giao đồ ăn của họ ở Mỹ đã tăng trưởng 100% mỗi năm. Trong khi đó, mảng kinh doanh cốt lõi của họ là gọi xe chỉ đạt 30%. UberEats còn mang về tới 15% doanh thu toàn công ty. .
 
Tại Đông Nam Á, thị trường giao đồ ăn trị giá 2 tỷ USD tính về tổng lượng hàng hóa vào năm ngoái theo nghiên cứu của Temasek. Con số này được kỳ vọng sẽ tăng lên 8 tỷ USD vào năm 2025, nâng tốc độ tăng trưởng hàng năm trong 10 năm gộp lại lên 36%, nhanh hơn tỷ lệ tương tự 23% của mảng gọi xe.
 
"Chúng tôi đang hoạt động trong mảng kinh doanh chứng kiến tốc độ mở rộng nhanh nhất thời điểm này. Đối với mảng giao đồ ăn, so với vận chuyển mà nói, nó giống một sàn thương mại điện tử hơn – nếu chúng tôi tăng trưởng, đối tác của chúng tôi cũng tăng trưởng. Sau những chiến dịch quảng bá, doanh số tăng, người dùng đặt hàng nhiều hơn, những khoản tiền lãi thật sẽ xuất hiện".
 
Tờ Techinasia tiết lộ, một tỷ lệ đáng kể ngân sách marketing của Grab đang được chuẩn bị cho GrabFood trong năm tới. "Chúng tôi đã tăng trưởng gấp 10 lần và GrabFood muốn trở thành người chơi số 1 trong năm tới trên toàn khu vực. Đây rõ ràng là ưu tiên to lớn để đáp ứng được mục tiêu trở thành ‘siêu ứng dụng hàng ngày’ vì vậy chúng tôi đang tiếp tục đầu tư vào việc phát triển mảng kinh doanh này trong tương lai".
 

Theo Vân Đàm - Trí Thức Trẻ/Techinasia