Bầu Đức muốn chia tay mảng bất động sản
Lần đầu từ khi niêm yết, thư gửi cổ đông của Bầu Đức không còn nhắc tới bất động sản - lĩnh vực làm nên tên tuổi của ông và HAGL.
Báo cáo thường niên năm 2018 của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã CK: HAG) vừa công bố cho biết ý định thoái vốn khỏi dự án HAGL Myanmar - dự án bất động sản lớn nhất họ đang triển khai.
 
Bất động sản từng là lĩnh vực chiếm tỷ trọng chính, mang lại hàng nghìn tỷ đồng doanh thu cho công ty của Bầu Đức trong giai đoạn 2008-2012 nhưng đến nay, đây chỉ là "hoạt động phụ". Bất động sản - lần đầu tiên kể từ khi niêm yết - cũng không còn xuất hiện trong thư gửi cổ đông của Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức). Dự định thoái vốn khỏi dự án lớn cuối cùng, nếu thành công, cũng khép lại một chu kỳ "xoay tua" 7 năm trong cơ cấu doanh thu của HAGL, với động lực cho tăng trưởng ban đầu là bất động sản và nay là cây ăn trái.
 
Bầu Đức muốn chia tay mảng bất động sản
 
Doanh nghiệp của Bầu Đức gần như sẽ không còn tham gia trong lĩnh vực bất động sản nếu thoái vốn thành công tại dự án Myanmar. 
 
Bất động sản, 10 năm trước, là hoạt động tạo nên tên tuổi của HAGL. Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức, tại phiên họp thường niên năm trước, đã chia sẻ về giai đoạn này khi tự nhận từng ngồi trên "núi tiền" với ngôi vị số một khi bất động sản còn ở thời hoàng kim (năm 2007-2008).
 
Trong bản cáo bạch niêm yết cổ phiếu lần đầu năm 2008, HAGL xác định lĩnh vực đầu tư và kinh doanh địa ốc là chủ lực trong ngắn hạn. Tự đánh giá có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc, đầu tư các dự án nhà ở, căn hộ cao cấp, văn phòng, HAGL khi đó khẳng định có tiềm năng về tài chính để triển khai cùng lúc nhiều dự án.
 
"HAGL có lợi thế là mua đất từ rất lâu với giá rẻ, có công ty xây dựng lớn, có nhà máy chế biến gỗ, đá Granite khép kín trong việc xây dựng căn hộ, nhờ vậy tạo ra giá thành cạnh tranh", báo cáo thường niên năm 2011 của HAGL nhận định.
 
Giai đoạn 2008-2012, lĩnh vực bất động sản và xây dựng đóng góp khoảng 3.000 tỷ doanh thu mỗi năm cho HAGL với danh mục trên 20 dự án, chủ yếu tại khu vực TP HCM. Tuy nhiên khi thị trường chung bắt đầu gặp bất lợi do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế những năm sau đó, bất động sản từ vị trí đứng đầu đã giảm dần sức ảnh hưởng trên báo cáo tài chính của HAGL.
 
"Đối với ngành bất động sản, HAGL đã tái cấu trúc mạnh mẽ và rút khỏi hoạt động ở thị trường Việt Nam. HAGL nhận định nguồn cung bất động sản ở thị trường Việt Nam còn quá lớn so với khả năng hấp thụ của nền kinh tế hiện tại và trong tương lai gần", báo cáo thường niên năm 2014 gửi các cổ đông cho biết. 
 
Trên báo cáo tài chính, sự chuyển dịch thực tế đã bắt đầu từ một năm trước đó (năm 2013) khi bất động sản và xây dựng mang về dưới nghìn tỷ đồng, trong đó riêng bất động sản chỉ đạt chưa tới 250 tỷ đồng doanh thu, so với con số hơn 2.800 tỷ đồng của năm 2012.
 
Tập đoàn khi đó khẳng định không phát triển dự án nào tại Việt Nam mà chỉ tập trung vào khu phức hợp bất động sản tại Myanmar và đánh giá quốc gia Đông Nam Á này là "một thị trường mới mở có tiềm năng tăng trưởng tốt". Tuy nhiên, HAGL cũng cho biết sẽ cân nhắc việc thoái vốn để cân đối tài chính.
 
Những năm sau đó, khi trọng tâm tăng trưởng của HAGL lần lượt "xoay tua", từ cây mía, cọ dầu, bò thịt và tới nay là cây ăn trái, bất động sản xuất hiện ngày càng mờ nhạt trong cơ cấu doanh thu hàng năm. Theo báo cáo tài chính năm 2018, doanh thu bất động sản của HAGL chỉ còn 58 tỷ đồng, chiếm 1,1% tổng doanh thu, phần lớn mảng kinh doanh này chỉ còn xuất hiện ở phần dịch vụ cho thuê, chủ yếu từ khu phức hợp Hoàng Anh - Myanmar.
 
Minh Sơn