Trong cái nắng chói của buổi sớm mai đầu mùa hạ Hà Nội, tôi gặp được chị, người phụ nữ có nụ cười tỏa nắng với nước da trắng hồng với những khát khao, mong muốn được truyền lửa yêu thương cuộc sống, cho nghề nhạc mà chị yêu mến, theo đuổi bấy lâu nay - cô giáo thanh nhạc Đỗ Thu Hiền. Sinh ra trong một gia đình truyền thống gốc Hà Nội, bố mẹ đều là công chức nhà nước, với những quan điểm sống và làm việc rất cẩn thận và chuẩn mực, nên luôn định hướng chị theo nghề kế toán, hành chính nhân sự, mong muốn con gái có được cuộc sống ăn nhàn, vững chãi. Thế nhưng không ai ngờ rằng, cô gái nhỏ ngày ấy, mỗi lần đi qua Nhà Hát Lớn Hà Nội, được trông thấy những người nghệ sỹ với lộng lẫy váy áo, xiêm y, khiến cô đã dần hình thành trong tiềm thức tình yêu và ước muốn được một lần bước ra từ sau tấm màn nhung kia.
Chị chia sẻ: “Đúng là nghề chọn người, chứ người không thể chọn được nghề”. Từ một cô gái bé nhỏ, ngoan ngoãn nghe lời mẹ cha, chị đã từng theo học ngành kế toán để chiều lòng gia đình. Ấy vậy nhưng, tình yêu, niềm mơ ước thưở nhỏ chưa bao giờ khôn nguôi trong chị, để rồi chị quyết định nghỉ ngang giữa chừng, đăng ký thi vào Học viện Âm nhạc Hà Nội trước sự phản đối gay gắt đến ngỡ ngàng của bố mẹ, để trở thành một giáo viên thanh nhạc có tiếng, được giữ lại trường với trọng trách chịu trách nhiệm tìm kiếm, phát triển và đào tạo tài năng thanh nhạc nhí tại trung tâm đào tạo âm nhạc của học viện Âm nhạc – khoa Thanh nhạc và giờ đây là Giám đốc Trung tâm đào tạo nghệ thuật DICA STAR.
Điều mà ít ai biết ,để có ngày hôm nay, chị đã trải qua chặng đường hơn 10 học tập và làm việc đầy gian nan, vất vả, tranh thủ làm thêm mỗi thời gian rảnh, thậm chí bán cả chiếc xe đạp hàng ngày vẫn rong ruổi trên quãng đường đến trường để có tiền đóng học phí, “bị cấm mà, nên mình phải xoay xở đủ cách” chị cười nhẹ. Mặc dù khó khăn, vất vả như vậy, nhưng chị luôn cảm thấy hài lòng với những gì mình đạt được, chị thường khiêm tốn rằng với chị yếu tố may mắn là trên hết, tài năng chỉ là thứ yếu và bản thân luôn nỗ lực, cố gắng vươn lên. Chính bởi vậy, người chị luôn biết ơn sau sự hà khắc của gia đình, đó chính là cô Thu Lan – Trưởng khoa Thanh nhạc, người đã tạo điều kiện tốt nhất có thể để giúp đỡ cho cô học trò thủ khoa vượt khó năm nào; đó là người thầy Nghệ sĩ ưu tú Gia Hội, Nghệ sĩ Ưu Tú Phương Lan đã là những người dìu dắt hướng dẫn giúp đỡ chị trong những năm học tập tại trường.
Làm việc trong môi trường đào tạo về nghệ thuật, chị luôn thẳng thắn với việc bài trừ phương pháp áp đặt của các bậc phụ huynh, giáo viên đối với trẻ, bởi điều này sẽ làm trẻ bị mất đi khả năng sáng tạo, mất đi niềm đam mê của chính mình. Với ánh mắt rạng ngời, chị say sưa kể về các con, những đứa trẻ dù không được chính chị sinh ra, nhưng hết lòng dìu dắt, bởi trong chị, chưa bao giờ khôn nguôi khát khao được truyền lửa để cứu vớt những tâm hồn lỡ nhuốm bụi trần của những đứa trẻ dù sống trong điều kiện khá giả, nhưng thiếu thốn tình yêu, bởi khát khao mang âm nhạc – nghệ thuật để thay đổi tư duy, nhận thức của các con, mang tới những nguồn năng lượng tích cực cho nhân sinh, giúp các con xóa bỏ tự ti. Nói tới đây, chị dừng lại đôi chút và rồi xúc nghẹn gửi lời cám ơn chân thành tới Ban lãnh đạo ngôi trường IVS, đặc biệt là thầy giáo Lê Anh, nơi đã giúp chị khám phá chính bản thân, để có thể vượt qua được rào cản, những e ngại ban đầu, giúp những học trò của mình tìm lại ánh sáng, lối đi sau quãng thời gian lạc lối.
Chị chia sẻ, nghề giáo thanh nhạc dù nhiều người thân, bạn bè đã không ít lần xót xa bởi thu nhập eo hẹp, không đảm bảo cuộc sống, cũng đã có lúc nản chí, nhưng chị rồi hoàn toàn bị thuyết phục bởi tình cảm, bởi sự mến yêu của những học trò được mình dìu dắt, điều đó đã làm chị giàu thêm nghị lực, thêm quyết tâm với nghề. Sau nhiều năm học tập và làm nghề, ý thức về giá trị cốt lõi của âm nhạc, thấy được sự cần thiết của việc cân bằng lại cách nhìn đối với thẩm mỹ âm nhạc của công chúng, đi nhiều, dạy nhiều, chứng kiến nhiều hoàn cảnh ngoài kia xã hội còn có những gia đình rất nghèo, không công ăn việc làm, hoặc những người khiếm thị số phận tuy kém may mắn nhưng họ vẫn biết vươn lên, nhưng có hội việc làm vẫn còn nhiều hạn chế, bởi chính bản thân những bạn nhỏ ấy cũng còn nhiều dè dặt khi tiếp xúc với cộng đồng. Chị luôn đau đáu với mong muốn được cống hiến, cũng chính là động lực và nguồn cảm hứng để chị quyết tâm một lần nữa vượt qua sự can ngăn của gia đình, hi sinh cả hạnh phúc của bản thân cho ra đời TRUNG TÂM ĐẦU TƯ & PHÁT TRIỂN NGÔI SAO VĂN HOÁ NGHỆ THUẬT DICA STAR – một đứa con tinh thần, một ngôi nhà chung dành cho những bạn nhỏ có mong muốn, khát khao nghệ thuật tìm đến.
Chị Đỗ Hiền cho biết: “Trung tâm DICA STAR được ra đời với mong muốn tạo dựng được những sân khấu cho người khiếm thị, một sân chơi thực sự công bằng cho trẻ bình thường và khiếm thị, là nơi ngay cả những trẻ cá biệt cũng sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực, thay đổi cả cách nhìn nhận từ gia đình dành cho trẻ, để trẻ hiểu rằng, xã hội và cuộc đời này không hề bỏ rơi mà luôn trân trọng và sẵn sàng đón nhận, hòa nhập cùng các con. Biết rằng hướng đi này thực sự nhiều chông gai, nhưng tôi thực sự mong sẽ nhận được sự ủng hộ, khích lệ, động viên từ gia đình, cộng đồng và xã hội”
Cũng còn nhiều lưu luyến, trước khi chia tay tôi để vào tiết học thanh nhạc tại Trung tâm DICA STAR, cô giáo Đỗ Hiền đã không quên: “Trong chặng đường gian nan tôi đã đi qua, không ít lần tưởng như đã gục ngã trước những rào cản, những định kiến với nghề, nhưng thật sâu thẳm trong tâm can, tôi luôn biết ơn cuộc đời, biết ơn bố mẹ, gia đình đã tạo động lực cho tôi, cám ơn tất cả những thầy cô đã giúp đỡ, đồng hành; cám ơn các bậc phụ huynh đã tin tưởng, thấu hiểu tới những mong uốn, tâm nguyện của tôi.Và hơn ai hết, cô Hiền xin cám ơn tất cả các con, những đứa con đáng yêu đã và đang là những người bạn của cô trong môi trường giảng dạy ở học viện, ở DICA STAR!”
Author Huyền Sa