Xu hướng bán hàng qua livestream bùng nổ
Tháng 11/2018, Tiki thử nghiệm hình thức bán hàng bằng cách phát video trực tiếp trên fanpage (livestream). Đến tháng 6/2019, doanh nghiệp đặt lịch cố định livestream hàng tháng, coi đây là một trong những kênh chủ lực tương tác với khách hàng. Đơn vị này cũng đã bắt đầu đưa vào sử dụng tính năng TikiLIVE ngay trên ứng dụng mua hàng của mình. Làn sóng livestream mới đây cũng chứng kiến Lazada công bố kế hoạch áp dụng bán hàng qua livestream trên ứng dụng. Hay Sendo, Shopee cũng đã tham gia vào cuộc đua bán hàng kiểu mới này.
Mô hình bán hàng qua livestream hay còn gọi là social e-commerce không mới trên thế giới.
Năm 2015, nhà mốt Kohl's lần đầu tiên ra mắt mô hình bán hàng qua livestream áp dụng trực tiếp vào các show trình diễn thời trang. Trong khi xem video trình diễn thông qua ứng dụng của hãng, người mua có thể click chọn mua ngay sản phẩm ưng ý. Kể từ đó, bán hàng qua livestream trở thành xu hướng. Hàng loạt các thương hiệu bán lẻ ở khắp các lĩnh vực bắt tay nghiên cứu triển khai mô hình này. Facebook vào năm 2016 cũng tham gia vào thị trường livestream khi công bố nền tảng phát video trực tiếp.
Một trong những đơn vị thành công nhất và hiện dẫn đầu trào lưu này tại châu Á là Taobao của Alibaba. Năm 2018 sàn thương mại điện tử C2C lớn nhất Trung Quốc thu về 100 triệu nhân dân tệ (gần 14 triệu USD) từ bán hàng qua video. Trung bình cứ 100 người xem livestream thì có 34 người chốt mua hàng. Taobao dự báo trong ba năm tới tổng lượng giao dịch qua mô hình mới chạm mốc 500 triệu. Những ông lớn e-commerce như Amazon, JD... đều đã gia nhập cuộc đua và đạt tăng trưởng doanh thu cao.
Tại Việt Nam, kể từ khi Facebook triển khai tính năng phát video trực tiếp, xu hướng kinh doanh qua livestream cũng nở rộ. Từ những người bán hàng online quy mô nhỏ đến các doanh nghiệp lĩnh vực thời trang, làm đẹp, sản phẩm mẹ và bé đều tham gia khai thác. Riêng trong lĩnh vực thương mại điện tử, các doanh nghiệp đang đồng loạt đẩy mạnh kênh bán hàng mới, kể cả trên fanpage Facebook và ứng dụng di động.
Ông Phạm Ngọc Duy Liêm - Giám đốc Dự án TikiLIVE nêu những lý do livestream trở thành kênh bán hàng đắc lực. Trước hết, doanh nghiệp có thể kết nối với khách hàng dễ dàng và thường xuyên. Video trực tiếp luôn được người xem đón nhận cao hơn hẳn so với các loại hình video khác. Ông Liêm dẫn số liệu từ Facebook cho thấy trong năm 2018, tổng thời gian xem các video phát trực tiếp trên nền tảng này dài gấp ba lần so với video thông thường. Video livestream cũng thu hút lượt tương tác gấp 6 lần so với video thông thường, số lượng bình luận cao gấp 10 lần.
Ông Phạm Ngọc Duy Liêm - Giám đốc Dự án TikiLIVE tin livestream sẽ là xu hướng bán hàng mới của thương mại điện tử.
Thứ hai, hình thức livestream giúp tăng tính xác thực, minh bạch và mô phỏng mua bán "như ngoài đời" khi người mua trực tiếp nhìn thấy người bán giới thiệu sản phẩm một cách trực quan. Livestream cũng không thể chỉnh sửa, hậu kỳ nên có tính chân thực và đáng tin cậy. Bên cạnh đó, mô hình này tạo tương tác hai chiều tức thì với người dùng. Người mua có thể đặt câu hỏi và nhận giải đáp ngay về sản phẩm, giá cả, vận chuyển hay tư vấn sử dụng.
Startup thương mại điện tử ghi nhận từ tháng 5 đến tháng 7 vừa qua, doanh thu thuần từ kênh livestream tăng gấp 5 lần. Mỗi video đạt trung bình 30.000 lượt xem, 8.000 lượt tương tác. Đơn vị không công bố lượt giao dịch hoặc tỷ lệ người mua trong tổng số người xem, nhưng nhận định các chỉ số đều tăng trưởng ấn tượng và sẽ tiếp tục coi đây là kênh bán hàng chủ lực mới.
Át chủ bài nội dung trong social e-commerce
Số liệu từ hãng nghiên cứu Locowise cho thấy có hơn 53% người khảo sát chỉ xem video trên Facebook trong khoảng 30 giây. Do đó thách thức lớn nhất đối với người phát video là làm thế nào giữ chân người xem lâu nhất có thể và từ đó tạo tương tác qua bình luận, lượt thích, trao đổi qua lại và cuối cùng đạt hiệu quả là chốt đơn hàng.
Bà Tiffany Wan - Tổng giám đốc VS Media (Trung Quốc), một công ty sáng tạo nội dung và hỗ trợ người bán hàng livestream cho biết để thu hút người xem, video livestream cần có nội dung hấp dẫn, vừa giải trí và có thông tin bổ ích.
Ông Phạm Ngọc Duy Liêm - Giám đốc Dự án TikiLIVE đồng tình, nội dung là yếu tố quyết định trong cuộc đua livestream. Do đó doanh nghiệp đang tập trung vào chiến lược xây dựng nội dung chất lượng và bổ ích. Một số chương trình bán hàng ưu đãi còn tổ chức cuộc thi, đố vui tặng quà nhằm tăng tương tác. Việc mời người nổi tiếng tham gia livestream cũng là một cách thức phổ biến hiện nay nhằm tăng tính giải trí cho chương trình.
"Theo thống kê từ Youtube, trung bình mỗi người Việt Nam dành hơn 100 phút mỗi ngày xem video giải trí. Do đó các nội dung bán hàng kết hợp giải trí sẽ hiệu quả hơn hẳn", ông Liêm nói.
Bên cạnh yếu tố giải trí, nội dung video còn phải hàm chứa thông tin bổ ích, gắn liền với những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp tăng trao đổi qua lại giữa người xem, người mua và người bán. Trong tương lai, sàn thương mại điện tử này sẽ bổ sung công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) để tạo trải nghiệm mới lạ, chân thực hơn cho người xem.
"Xu hướng livestream sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 1-2 năm tới và có thể sẽ chuyển sang tập trung vào các nội dung giải trí như gameshow chẳng hạn", ông Liêm dự đoán.
Giao diện ứng dụng livestream TikiLIVE.
Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử 2019 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam công bố vào tháng 3 cho thấy, năm 2018 được xem là năm sôi động nhất của kinh doanh trực tuyến với tốc độ tăng trưởng trên 30%. Tuy xuất phát chỉ khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015, nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong ba năm liên tiếp cao, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam 2018 lên đến 8 tỷ USD. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng 30%, quy mô thị trường sẽ đạt 13 tỷ USD vào năm 2020, cao hơn mục tiêu 10 tỷ USD do Chính phủ đề ra.
Các chuyên gia nhận định, sau sự trỗi dậy của livestream ở Trung Quốc, các sàn thương mại điện tử quốc tế đang nhắm đến thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, để khai thác mạnh mẽ mô hình bán hàng mới này. Bằng công nghệ, sáng tạo nội dung và sức ảnh hưởng của những người nổi tiếng, các trang thương mại điện tử đang sở hữu công cụ bán hàng hiệu quả và đủ sức trở thành "át chủ bài" mới của doanh nghiệp.
Khánh Anh