Thách thức trong hình thành thương hiệu vùng
Sáng 05/9, UBND Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp UBND các tỉnh, thành tổ chức Hội nghị lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, TP.HCM.

Đồng chí Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.

Xây dựng cơ chế liên kết vùng

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác liên kết phát triển du lịch song phương, đa phương với nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đặc biệt, vùng Tây Nam Bộ đã hình thành nên các liên kết vùng như tiểu vùng Đồng Tháp Mười (Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp); cụm phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long; cụm phía Đông Tây Đồng bằng sông Cửu Long… Tuy nhiên, vấn đề liên kết giữa các bên chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế về tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch với loại hình du lịch sinh thái, sông nước, miệt vườn, du lịch biển… thu hút du khách Việt Nam và quốc tế.

Ông Nguyễn Thiện Nhân đề xuất, Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long nên hình thành Hội đồng phát triển du lịch, xây dựng và đánh giá những chương trình hợp tác cho ngành Du lịch. Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giúp các tỉnh, thành rà soát và nâng cấp những điểm đến di tích văn hóa để xúc tiến hoạt động du lịch.

Đối với vấn đề xây dựng thương hiệu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ các địa phương nghiên cứu xây dựng một thương hiệu chung để quảng bá du lịch liên vùng. Chính phủ sớm hoàn thiện cơ chế chính sách và định hướng quy hoạch phát triển du lịch vùng như điều tiết gia thông, kết nối cơ sở hạ tầng… giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong năm nay, dự kiến, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai du lịch thông tin và tiên phong trong lĩnh vực này để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút du lịch đến Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
 
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bạc Liêu cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí thuận lợi để phát triển du lịch, với những nền văn hóa đặc trưng và hệ sinh thái tự nhiên.

Với lợi thế này, Đồng bằng sông Cửu Long có thể kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, Đồng bằng sông Cửu Long cần có chiến lược phân vùng, cơ chế thúc đẩy kết nối và lan tỏa du lịch với những tỉnh, thành trong cả nước, cụ thể là Thành phố Hồ Chí Minh.

Ở góc độ cụm liên kết, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cụm liên kết phát triển phía Đông - Đồng bằng sông Cửu Long có 6 tỉnh gồm: Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh.

Cụm liên kết này đạt 10 triệu lượt khách/năm; 1,8 triệu lượt khách quốc tế; doanh thu trên 4 nghìn tỷ đồng/năm; đạt tăng trưởng bình quân 20%/năm số lượt khách, doanh thu 25%/năm.

Tuy nhiên, cần có chính sách ưu tiên xây dựng, nâng cấp đồng bộ các tuyến giao thông huyết mạch kết nối Thành phố Hồ Chí minh với 6 tỉnh trong cụm. Về phía địa phương, mỗi tỉnh cần xây dựng chính sách đầu tư phát triển du lịch...
 
Hướng đến chiến lược phát triển bền vững

Theo ông Brian G. Mtonya, chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đã đi một chặng đường dài trong phát triển du lịch nhưng đứng trước thời cơ tiếp tục tăng trưởng nhanh cần có chiến lược phù hợp để đóng góp tích cực vào  tăng trưởng kinh tế, hạn chế tác động môi trường và xã hội.

Ngành Du lịch Việt Nam muốn đảm bảo tốc độ tăng trưởng, cũng như chiến lược liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long cần những mô hình, giải pháp phù hợp.

Trong đó, Chính phủ cần có sự ưu tiên về mặt cơ chế chính sách, nhất là tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, sản phẩm, dịch vụ… để hướng đến sự bền vững của ngành du lịch.
 
Ông Hoàng Hữu Lộc - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho hay, phát huy các lợi thế kết nối du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương, tạo nên chuỗi sản phẩm dịch vụ lữ hành đa dạng, độc đáo tại khu vực này.

Bên cạnh đó, Đồng bằng sông Cửu Long cần có chính sách giá kích cầu đặc biệt cho toàn vùng; khai thác hiệu quả thị trường khách miền Bắc, miền Trung… và quốc tế vốn còn nhiều tiềm năng.

Trên cơ sở đó, Saigontourist khuyến nghị hình thành du lịch xanh cho Đồng bằng song Cửu Long để bảo tồn yếu tố bản địa của địa phương và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Thúc đẩy phát triển du lịch xanh không chỉ là xu thế tất yếu mà còn đáp ứng thị hiếu của du khách trong và ngoài nước rất ưa chuộng tìm hiểu, khám phá thiên nhiên, văn hóa bản địa.
 
Thành phố Hồ Chí Minh có những lợi thế trong kết nối du lịch vùng như Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đón tiếp và phục vụ mỗi năm khoảng 25 triệu hành khách quốc tế; ga xe lửa Sài Gòn là điểm cuối của hành trình Bắc - Nam và là đầu mối đón lượng khách lớn về Thành phố Hồ Chí Minh để tiếp tục hành trình về Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn hoạt động của 1.200 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, với vai trò là trung tâm liên kết trong phát triển du lịch, thành phố phát huy vai trò “nút giao” quan trọng, hợp tác toàn diện với các địa phương.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, liên kết hợp tác trong phát triển vùng là vấn đề cấp thiết trong phát triển mọi lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội. Thành phố Hồ Chí Minh xác định là đối tác phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long nên cần có sự kết nối toàn diện và bền vững giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, liên kết phát triển trong du lịch cần được nhận diện là một trong những “đòn bẫy” quan trọng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của vùng.
 
Đánh giá cao những sáng kiến của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long cần chú trọng xây dựng và ký kết chiến lược hợp tác phát triển du lịch, trong đó làm rõ những sản phẩm, du lịch và xác định ra tour/tuyến du lịch trong chuỗi liên kết. Qua đó, các địa phương phối hợp đổi mới sáng tạo những sản phẩm, dịch vụ liên vùng, nhằm giải bài toán trùng lắp giữ các tỉnh, thành; đồng thời tạo điều kiện cho cho doanh nghiệp tăng cường đầu tư bằng cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư từ khối tư nhân và xã hội; giải pháp đột phá trong đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: An Hiếu
Lễ ký kết bảng ghi nhớ hợp liên kết phát triển bền vững của lãnh đạo sở, nghành du lịch của thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Liên kết phát triển bền vững là một vấn đề thiết thực và cấp thiết đối với Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Các địa phương cần đảm bảo trong liên kết cần phải tồn tại cái riêng để có cơ sở cùng nhau hình thành cái chung, hình thành những sản phẩm tại mỗi điểm đến có giá trị gia tăng cao, lợi thế cạnh tranh. Trong đó, các địa phương chú trọng những sản phẩm liên kết đặc trưng chung của vùng, tăng sức hút du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh về 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại. Song song đó, các địa phương cần tận dụng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để làm du lịch thông minh và phát triển du lịch bền vững trong lai về chất lượng cũng như số lượng./.
               

Mỹ Phương