Phát biểu mới đây tại Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ 2019, đại diện Toyota cho biết, chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn so với Thái Lan, Indonesia khoảng 10-20%.
Một chuyên gia về ô tô - ông Vũ Tấn Công, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô (VAMA) cũng cho biết, chi phí sản xuất ô tô ở Việt Nam đang cao hơn so với các nước khác, đó là một trong những nguyên nhân gây khó cạnh tranh... Theo vị này, mức chi phí cao hơn lên tới 18-20%.
Từ phía cơ quan nhà nước, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng phải thừa nhận thực tế là giá thành ô tô ở Việt Nam đang cao so với các nước khác, kể cả những nước đang phát triển cũng như những nước xung quanh.
Nói tại buổi họp báo Chính phủ diễn ra ngày 2/12, ông Hải cho biết: Để tạo nên giá thành một chiếc ô tô, có hai phần hết sức quan trọng. Trong đó, thuế phí hiện chiếm một phần tương đối lớn trong tỷ lệ cầu tạo giá thành.
Theo vị này, việc làm sao để phát triển ngành công nghiệp ô tô được họp bàn rất nhiều lần.
Theo đó, một trong những giải pháp được đưa ra là đề xuất sửa đổi và bổ sung một số quy định liên quan đến thuế, phí nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách về chi phí sản xuất giữa ô tô trong nước và ô tô nhập khẩu.
Trao đổi với PV bên lề diễn đàn công nghiệp hỗ trợ ô tô 2019, ông Phạm Văn Tài - Tổng giám đốc Thaco đã nêu một số điểm cần thay đổi trong chính sách thuế phí hiện nay đối với ngành ô tô.
Ông Tài lấy ví dụ, thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn chưa giảm về 0% đối với tỷ lệ sản xuất trong nước trong khi đó các nước đã làm từ lâu. Khi giảm thuế này, ông Tài cho rằng chắc chắn tỷ lệ nội địa hóa xe trong nước sẽ tăng và giúp giá xe giảm, người tiêu dùng tiếp cận giá rẻ.
Ông này cũng cho rằng, nên xem xét bỏ tiêu chuẩn để được áp dụng chính sách miễn thuế nhập khẩu linh kiện ô tô để sản xuất trong nước.
Vì khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc bằng 0% từ năm 2018, nếu vẫn áp dụng chính sách thuế đối với linh kiện thì sẽ khó giảm giá thành xe sản xuất trong nước.
Việc thuế về 0% này theo ông Tài, chỉ trừ danh mục linh kiện, phụ tùng trong nước không sản xuất được. Có như vậy, sức cạnh tranh sẽ tăng lên. Khi giá xe ô tô rẻ hơn, bán ra nhiều hơn thì Nhà nước vẫn thu được thuế.
“Hiện nay các doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện về lắp ráp cứ đóng thuế trước đã, sau đó chứng minh được thì mới hoàn thuế, như vậy sẽ đọng vốn. Doanh nghiệp đã yếu lại càng yếu”, ông Tài nêu.
Vị này cũng cho biết thêm, Nghị định 125 yêu cầu phải thoả mãn được các điều kiện về sản lượng chung và sản lượng riêng. Nhưng sản lượng phụ thuộc vào thị trường, thêm nữa các dòng xe cao cấp không thể có sản lượng lớn được. Do vậy, điều kiện về sản lượng không nên đặt ra.
“Người ta nhập khẩu 1 chiếc cũng bằng 0 thì tại sao nhập khẩu linh kiện lại bị giới hạn về số lượng?”, đại diện doanh nghiệp cho rằng: Mua rẻ hơn làm thì không ai nhập về làm cả.
Làm rõ vấn đề về thuế tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, từ ngày 1/1/2018, thực hiện các hiệp định về thuế quan, cụ thể là Hiệp định ATIGA trong các nước ASEAN thì thuế nhập khẩu ô tô về 0% và như vậy việc cạnh tranh giữa ô tô sản xuất trong nước với ô tô nhập khẩu là hết sức gay gắt.
Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, chính sách đối với ô tô sẽ được sửa theo hướng tạo thuận lợi hơn. Theo đó, vị này cho biết dự định bổ sung vào Nghị định 125 một nội dung hết sức quan trọng mà trong các cuộc họp, hội nghị về ngành cơ khí, hội nghị về công nghiệp hỗ trợ Thủ tướng cũng đã chỉ đạo. Đó là làm sao phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là ngành công nghiệp hỗ trợ đối với ô tô như quy định thuế 0% đối với nguyên liệu, vật tư để sản xuất linh kiện và phụ tùng ô tô.
“Dự thảo hiện nay đã xin ý kiến các bộ ngành cũng như lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Một bước nữa ưu đãi hơn phục vụ cho các doanh nghiệp phụ trợ để sản xuất linh kiện và phụ tùng ô tô. Chúng tôi hy vọng và cố gắng để nghị định này được trình trong tháng 12/2019, sớm có hiệu lực”, bà Mai cho hay.
Nguyễn Mạnh