Trường Đại học Kinh tế TP HCM mở lớp đào tạo hội nhập toàn cầu
Trường mời lãnh đạo Lotte, Hyundai, CJ... chia sẻ kinh nghiệm thành công của Hàn Quốc; cách hội nhập, nhằm đào tạo đội ngũ quản lý Việt Nam có tầm nhìn thế giới.

Trường Đại học Kinh tế TP HCM và Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (nghiệp đoàn có uy tín tập hợp các tập đoàn lớn của xứ sở kim chi như Samsung, LG, Daewoo, Hyundai, SK, GS...) vừa ra mắt chương trình "Quản trị cấp cao toàn cầu Việt Nam - Hàn Quốc" (Korea - Vietnam Global Advance Management -KVAM).

Chương trình nhằm đào tạo đội ngũ quản lý Việt Nam có tầm nhìn vươn ra thế giới, hướng doanh nghiệp Việt hội nhập toàn cầu dựa trên kinh nghiệm của các tập đoàn Hàn Quốc và uy tín giảng dạy lĩnh vực kinh tế, quản trị của nhà trường.

Tiến sĩ Chung Un-Chan, Chủ tịch Viện Đồng tăng trưởng Hàn Quốc, nguyên Thủ tướng Hàn Quốc, nguyên Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Seoul (SNU) đóng vai trò xúc tiến chuyển giao mô hình đào tạo nhân lực chất lượng cao của Hàn Quốc cùng trường Đại học Kinh tế TP HCM (UEH).

Học cùng quản lý cấp cao Hàn Quốc

Giảng viên Hàn Quốc được lựa chọn trên hai tiêu chí gồm quản lý cấp cao của doanh nghiệp Hàn Quốc đã từng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển thành doanh nghiệp toàn cầu; quản lý doanh nghiệp có hợp tác mạnh mẽ với Việt Nam để cùng tạo ra mô hình kinh doanh mới.

Ông Kim Bong-Man, Tổng thư ký Học viện Quản lý Quốc tế - IMI (thuộc Liên đoàn đoàn Công nghiệp Hàn Quốc) cho biết, chương trình có sự tham gia chia sẻ của lãnh đạo kỳ cựu Hàn Quốc như ông Jin Dae-Je, Cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Chung Jin-Haeng, Phó chủ tịch Tập đoàn Hyundai; ông Lee Jin-Sung, Tổng giám đốc Lotte Accelerator. Hơn 10 quản trị cấp cao của các tập đoàn Hàn Quốc như Big Hit Entertainment, SK Group, Nexon Korea, Cong Cafe Korea, Taekwang Group... còn tham gia giảng dạy trong khóa học.

Mô hình đào tạo kết nối và chia sẻ quốc tế

Trường Đại học Kinh tế TP HCM thiết kế mô hình kết nối và chia sẻ (networking and sharing) giúp tạo mối quan hệ giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc. Các buổi tọa đàm kéo dài trong 20 tuần theo chuỗi chủ đề xoay quanh lộ trình để các doanh nghiệp Việt gia nhập thị trường toàn cầu. Ngoài ra, còn có những buổi thể thao và chia sẻ (sport networking), cùng ăn tối và kết nối (dinner networking).

Đội ngũ quản lý Hàn Quốc sẽ phân tích kinh nghiệm thành công lẫn thất bại của "người khổng lồ", với nhiều trường hợp điển hình (case study) như Hyundai, LG, Lotte, CJ, SK... Các chuyên gia kinh tế Việt còn được cập nhật các chính sách, thông tin mới nhất về cơ hội và thách thức của doanh nghiệp nước nhà trong quá trình quốc tế hóa.

Tiến sĩ Chung Un-Chan cho biết, Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI) chuyển giao bí quyết được tích lũy suốt 40 năm của xứ sở kim chi từ các chương trình đào tạo doanh nghiệp (trong đó có chương trình CEO, CEO kế nhiệm, hợp tác quốc tế...) cho trường Đại học Kinh tế TP HCM. Sự hợp tác giữa hai tổ chức hàng đầu góp phần vào quá trình thúc đẩy hợp tác giáo dục, kinh tế song phương của hai nước.

Chương trình còn đi sâu hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội quốc tế từ chính sách kinh tế, ngoại giao của Việt Nam, đến nền tảng cần thiết để xây dựng, phát triển doanh nghiệp toàn cầu... Giám đốc, các nhà trị cấp cao Việt có cơ hội trải nghiệm thực tế trong chuyến đi đến xứ sở kim chi (field trip).

Các trường đại học cần chia sẻ sự phát triển với cộng đồng và đóng vai trò là nguồn năng lượng cho sự sáng tạo, Tiến sĩ Un-Chan Chung nói.


Tiến sĩ Chung Un-Chan, nguyên Thủ tướng Hàn Quốc đánh giá cao chương trình đào tạo Quản trị cấp cao toàn cầu của trường Đại học Kinh tế TP HCM.


Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP HCM cho biết, "Quản trị cấp cao toàn cầu Việt Nam - Hàn Quốc" khác biệt với chương trình đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA), các hoạt động như coffee talk, tham quan doanh nghiệp... nhờ cách thiết kế nội dung, hình thức học tập, trải nghiệm thực tiễn. Ông kỳ vọng mô hình này sẽ phát triển thành diễn đàn, mạng lưới trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa CEO Hàn Quốc và Việt Nam, tồn tại lớn mạnh theo thời gian.

"Các buổi chia sẻ, giao lưu có thể mở ra cơ hội hợp tác đầu tư giữa hai nước, cùng nhau vươn ra thị trường quốc tế. Trong tương lai, chương trình định hướng liên kết cùng hiệp hội doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp để gắn kết nhu cầu kiến thức và thực tiễn mà các đơn vị mong muốn cập nhật", Giáo sư Đông Phong nói.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP HCM khẳng định UEH sẽ là cầu nối gắn kết các mối quan hệ toàn cầu giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc.
 

Đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực toàn cầu

Là một trong những trường hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo kinh tế và quản trị, Đại học Kinh tế TP HCM cho thấy tầm nhìn chiến lược và khả năng đào tạo chương trình quốc tế, được Tiến sĩ Chung Un-Chan, nguyên Thủ tướng Hàn Quốc đánh giá cao. Trước xu thế toàn cầu hóa, đào tạo đội ngũ quản lý tại doanh nghiệp có kiến thức, kỹ năng, tầm nhìn rộng mở là nhu cầu tất yếu, đóng góp cho sự phát triển kinh tế Việt Nam.

Đại diện doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Thòn, CEO Tập đoàn Lộc Trời cho biết, toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên ba phương diện: con người, thái độ hợp tác, điều kiện cần thiết về công nghệ khoa học. Chương trình đào tạo quản trị cấp cao của trường Đại học Kinh tế TP HCM đang đi theo xu hướng đó, đáp ứng đúng điều mà doanh nhân đang cần: niềm tin, kiến thức và trải nghiệm.

Ông Trần Kim Chung, Chủ tịch Tập đoàn C.T. Group nhận định, doanh nghiệp Hàn Quốc là điểm đến của các học thuyết quản trị có tính năng động cao và chúng ta có thể học bài học quý báu từ phát triển kinh tế, sản xuất. Khóa học sẽ có ích cho đội ngũ quản lý Việt trong việc điều hành, vươn ra thế giới.



Giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM và các doanh nhân trẻ Việt tham dự chương trình.
 

"Bất kể doanh nghiệp lớn hay nhỏ, toàn cầu hay trong nước muốn vững mạnh thì phải có tinh thần doanh nhân, phải dám thử thách và vượt qua thử thách, có tinh thần sáng tạo. Trong đó, mỗi cá nhân, nhất là cấp quản lý cần được đào tạo bài bản, có tinh thần học hỏi, thử thách và thậm chí mạo hiểm. Vượt qua ranh giới quốc gia, tiếp cận thị trường quốc tế là cách để cá nhân, doanh nghiệp tích lũy kinh nghiệm, hội nhập toàn cầu", Tiến sĩ Chung Un-Chan nói.