So với các nghệ thuật nổi tiếng của người Nhật như trà đạo (sadô 茶道), kiếm đạo (Kendo - 剣道), võ sĩ đạo (bushidô 武士道) hoặc nhu đạo (judô 柔道), thư đạo (Shodō 書道), hoa đạo (kadō 華道) ... thì hương đạo (kôdô 香道) ít được người nước ta biết đến.
Kôdô (Way of incense / Voie de l’encens) là nghệ thuật thưởng thức trầm hương, nói nôm na là nghệ thuật “ngửi” mùi trầm hương – một nghệ thuật độc đáo chỉ thấy ở Nhật Bản chứ không có ở các nước khác. Mặc dầu đến thế kỷ XV Kôdô mới được định hình, nhưng trên thực tế, thú thưởng thức tao nhã này đã bắt nguồn từ khi Phật giáo du nhập vào Nhật Bản từ khoảng thế kỷ VI.
Trong những buổi lễ Phật giáo, lễ quan trọng nhất thường được dâng bằng trầm hương. Từ 1500 năm trước, dâng trầm hương là lễ cúng dường để lau sạch các tượng Phật, hoặc khi các sư tăng tụng kinh.
Con đường “Hương đạo”
Khởi thuỷ của Kodo cách đây khoảng 500 năm. Chuyện kể lại rằng, vào thời Ashuka, có một khúc gỗ trôi dạt vào đảo Awaji.
Một người dân nhặt được đã mang về làm củi, nhưng khi đốt lên thì toả một mùi thơm hết sức lạ lùng, chưa bao giờ họ được ngửi một hương thơm nào kỳ lạ như thế. Biết là gỗ quý, vội dâng lên Thiên Hoàng Suiko. Thiên Hoàng đoán ngay là báu vật Trầm hương, ngài nghĩ Phật đã ban cho dân đảo Awaji món quà quý.
Từ đó, ngài ra lệnh chỉ được dùng Trầm hương làm lễ tế Phật và những dịp đặc biệt liên quan đến tôn giáo.
Dần dần mùi hương trầm thanh nhã ngày càng được người Nhật yêu chuộng, giới quý tộc ở Kyoto thời Heian (794-1185) thích đốt trầm trong nhà cho “thơm nhà thơm cửa” và thơm y trang. Theo đà phát triển của thú chơi đốt trầm này (người Nhật gọi là sora-dakimono 空炊きもの), các cuộc thi đấu trầm – giống như thi làm thơ hay thi cắm hoa – được tổ chức để định loại trầm nào có mùi hương tao nhã nhất.
Những chất liệu dùng làm sora-dakimono là các vật liệu còn tươi tắn của y học truyền thống. Thú đốt trầm dần dà không những phổ biến trong giới quý tộc mà người thường cũng đua nhau phỏng đoán loại nào thơm nhất và những điểm đặc biệt giữa các loại trầm hương.
Với sự ra đời của chính quyền của giai cấp võ sĩ (samurai) vào cuối thế kỷ XII, ảnh hưởng của Thiền đối với văn hóa người Nhật ngày càng đậm nét. Do ảnh hưởng của thú trầm hương đời Tống (Trung Quốc), người Nhật Bản chuyển sang nerikô (煉り香) với cách thức trộn lẫn trầm hương với nhau giống như jinkô lúc ban đầu. Với cách thức này, nghệ thuật thưởng thức bằng cách “ngửi mùi” trầm hương (聞香bunkô hay monkô, tức “văn hương/nghe hương”) tiến thêm một bước nữa để rồi được định hình dưới dạng Kôdô (hương đạo) vào đời Muromachi (1336-1573). Dưới đời Muromachi, nghệ thuật thưởng thức trầm hương bắt đầu phát triển song song với nghệ thuật uống trà.
Từ lúc này, thú chơi đốt trầm sora-dakimono ít nhiều mang vẻ hào nhoáng được thay thế bằng cách thưởng thức hương trầm trong không khí u huyền tĩnh mịch – phù hợp với đời sống tinh thần hướng nội và ý thức mỹ học thấm đượm Thiền vị của người võ sĩ.
Đến thế kỉ XVII, thời Edo, Hương đạo phát triển mạnh mẽ trong xã hội Nhật Bản. Để phục vụ nhu cầu giải trí tinh thần này, người ta bắt đầu chế tạo nhiều vật dụng có liên quan đến Hương đạo: những chiếc chén đốt trầm, hộp đựng bằng sơn mài hay mạ vàng cùng với kỹ thuật chạm khắc, trang trí hoa văn cầu kỳ.
Nhiều trường phái Hương đạo khác nhau cũng lần lượt xuất hiện và hương đạo trở nên phổ biến trong dân chúng. Thời điểm này được đánh giá là giai đoạn hoàng kim của hương đạo.
Nhiều loại thi đấu có nội dung và hình thức khác nhau đua nhau ra đời. Trước hết là các cuộc “đấu trà” (tôcha 茶) đòi hỏi người tham dự đoán định phẩm chất các loại trà. Sau đó, người ta tổ chức các buổi thi đấu cả trà lẫn trầm nhằm xem ai có thể phân biệt được 10 loại trà và 10 loại trầm khác nhau. Trong các buổi thi phân định hương trầm, người tham dự được chia làm hai nhóm, thi nhau đoán xuất xứ, lai lịch, đặc tính của từng loại trầm nổi tiếng, chẳng hạn như mùi hương, làn khói bốc lên có hình dạng như thế nào, v.v...
Nghệ thuật “thưởng hương”
Đối với người Nhật, đã bước vào thế giới Hương đạo thì không thể gọi bằng từ “Kawo kagu” mà phải là “Kawo kigu” hay “nghe hương”. Tức là cảm thụ mùi hương bằng cả 5 giác quan. Nghe bằng cõi thẳm sâu nhất, tĩnh tại nhất.
Để “nghe” một mùi hương, người thưởng thức phải chuẩn bị cả tư thế lẫn tâm thế. Phải ngồi ngay ngắn, nghiêm trang như một thiền sư trong một không gian yên tĩnh, thoáng rộng, tay trái nâng chén hương, tay phải che miệng chén sao cho làn hương chỉ đi qua khe ngón trỏ và ngón giữa. Người thưởng hương giữ cho tâm mình thư thái, tĩnh lặng, sau đó khoan thai hít ba lần thật sâu, thật chậm để mùi hương đi nhẹ nhàng vào bên trong cơ thể, thấm đến mọi giác quan. Khi đã cảm nhận đầy đủ mùi hương, lúc đó người thưởng hương mới gọi tên mùi hương.
Để thưởng thức được mùi hương theo phong cách hương đạo, người thưởng thức phải biết cách nhận biết và phân biệt được những mùi hương theo quy định từ nhiều mùi hương khác nhau.
Để làm được điều này người ta phải rèn luyện một khả năng khứu giác thật nhạy bén và tinh tế, cũng như khả năng tập trung phân tích cao độ. Trong cuộc thi người tham gia thi đấu phải gọi đúng tên mùi hương dựa trên ký ức được lưu lại từ những lần thưởng hương trước đó.
Dù có những cuộc thi đấu nhưng không hề có tính hơn thua, phân thắng bại. Người chơi và người thưởng thức chỉ nương theo làn hương để thanh tẩy mình khỏi những tạp niệm, tận hưởng sự tĩnh lặng giữa cuộc sống ồn ào.
Dần dà, ngoài khả năng thưởng thức hương trầm, người thi đấu còn phải có kiến thức văn hoá và khả năng cảm thụ mỹ học – nói nôm na là khả năng cảm thụ những cái gì đẹp. Trước mặt người đến xem, trầm sẽ được xông lên từ loại này đến loại khác, giống như những vế khác nhau trong một bài thơ renga (連歌 liên ca). Mỗi lần trầm được xông lên, người dự thi phải làm một vế thơ tán thưởng mùi hương đồng thời phải nhắc đúng tên loại trầm vừa đốt. Cuối cùng, người ta sẽ có một bài thơ renga nhiều vế về các mùi hương trầm trong cuộc thi.
Mười đức của hương (香の十徳 / ko no ju toku / hương thập đức):
Cảm cách quỷ thần (感格鬼神 - Kankaku kijin): tăng khả năng cảm giác.
Thanh tịnh tâm thân (清浄心身 - Seijō shinshin): thanh tẩy cơ thể và tâm hồn.
Năng phất ô uế (能払汚穢): tẩy rửa chất độc chất bẩn trong người.
Năng giác thụy miên (能覚睡眠 - Nōkaku Suimin): thức tỉnh linh hồn.
Tĩnh trung thành hữu (静中成友 - Shizuka Narita): chữa cô đơn.
Trần lý du nhàn (塵裏愉閑 - Chiriura Satoshikan): làm đầu óc bình tĩnh.
Đa nhi bất yếm (多而不厭 - Tajini fuiya): thừa thãi vẫn đẹp.
Mộ nhi tri túc (募而知足 - Tsuno Chisoku): ít vẫn đầy đủ.
Cửu tàng bất hủ (久蔵不朽 - Hisashi Kiko): nhiều năm không hỏng.
Thường dụng vô chướng (常用無障 - Jouyo mushō): dùng hàng ngày không gây hại.
Trầm hương Rikkoku (“Sáu nước”)
Theo Kôdô, mùi trầm hương từ đó được phân loại thành “ngũ vị lục quốc” (五味六国, tức là “năm mùi vị và sáu nước”) . Năm mùi vị là ngọt, chua, cay, mặn, và đắn. “Sáu nước” nói nôm na là sáu nơi sản xuất trầm hương; đó là Kyara, Rakoku, Manaban, Manaka, Sasora and Sumatora. Theo cách phân chia của những người sành điệu trầm hương do Shôgun Ashikaga Yoshimasa (1436-1490) bổ nhiệm, “sáu nước” đó là :
• Kyara (伽羅 Già la) Như đã nói ở trên, chữ kara có gốc là tiếng Phạn, nghĩa là “đen”. Loại tốt nhất trong trầm hương, có mùi hương tao nhã. Chỉ có ở Việt Nam.
• Rakoku (羅国 La Quốc) Mùi hăng vị đắng, mặn và cay. Chỉ có ở Thái.
• Manaban (真南蛮 Chân Nam Man) Có nhiều hương và nhựa, vị gần như ngọt, nhưng không có vẻ “điểm trang”. Có ở miền Đông của Ấn Độ, hoặc giữa Mã Lai và Ấn Độ.
• Manaka (真那伽 Chân Na Già) Trong những hương thơm, đây có lẽ mùi hương nhạt nhất. Có ở Malacca (Malaysia).
• Sasora (佐曾羅 Tá Tăng La) Có mùi hương nhẹ. Với một loại sasora tốt, người ta dễ tưởng lầm là kyara, đặc biệt khi mới đốt. Có ở miền Tây Ấn Độ.
• Sumatora (寸聞多羅 Thốn Văn Đa La) Rất nhiều nhựa và có vị chua. Có nhiều ở Sumatra (In-đô-nê-xi-a).
Sự kết hợp giữa thú thưởng thức trầm hương với khuynh hướng truy cầu những cái gì đẹp, gọi chung là bi (美mỹ) hay bigaku (mỹ học), trong truyền thống văn học Nhật Bản có thể nói là nhân tố quyết định sự hình thành của Kôdô.
Kôdô vừa phản ánh chiều sâu văn hoá của người thưởng thức, vừa thể hiện vẻ đẹp u nhã của hương trầm, mà cũng vừa có thể diễn tả nhiều chủ đề văn học khác nhau. Chính vì thế, Kôdô được xem là một nghệ thuật độc đáo của Nhật Bản.
Viết Cương - Tổng hợp