Nhóm chuyên gia của Cuba sẽ sang Việt Nam triển khai kế hoạch hợp tác trong phòng chống Covid-19. Cục Quân y phối hợp với Học viện Quân y cũng tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc Interferon alpha 2b từ Cuba.
"Tổng cục Hậu cần hướng dẫn Học viện Quân y làm thủ tục để xuất khẩu bộ kit xét nghiệm. Phía Học viện cần chuẩn bị nơi ở cho đoàn chuyên gia Cuba. Chúng ta xác định sẽ sản xuất thuốc tại Việt Nam và chuyên gia có thể ở lâu dài", tướng Đơn nói tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Bộ Quốc phòng.
Bên cạnh hợp tác với Cuba, Thứ trưởng Quốc phòng cũng yêu cầu các đơn vị Quân y tiếp tục phối hợp với Nga, liên minh châu Âu nghiên cứu mầm bệnh cũng như phác đồ điều trị, vaccine và thuốc phòng Covid-19; sẵn sàng hỗ trợ Lào, Campuchia và một số nước khác phòng, chống dịch.
Riêng nhiệm vụ Thủ tướng giao cho Quân đội mua 10 xe xét nghiệm lưu động, Cục trưởng Quân Y Nguyễn Xuân Kiên cho biết cơ quan chức năng vẫn đang tính toán, đặt ra hai phương án là mua xe lắp ráp trong nước hoặc mua xe do Nga sản xuất. "Cục Khoa học Quân sự, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga đã đánh giá các phương án. Theo đó, để đảm bảo chất lượng, chúng tôi đề xuất mua xe nguyên chiếc của Nga", tướng Kiên nói.
Nhấn mạnh nguyên tắc "tiết kiệm, hiệu quả" quân đội thực hiện từ ngày đầu chống dịch, thượng tướng Trần Đơn cho rằng không nhất thiết phải mua 10 xe xét nghiệm lưu động mà chỉ cần 3 xe loại tốt và có nhiều chức năng.
"Tôi được biết xe của Đức vừa là xe cứu thương, vừa là xe sử dụng áp lực âm và có thể xét nghiệm luôn trên đó. Có thể xe này đắt tiền hơn nhưng rõ ràng hiệu quả hơn, hết dịch vẫn có thể sử dụng cho các bệnh viện trong quân đội", ông Đơn nói và đề nghị Cục Quân y nghiên cứu thêm và "dù mua gì cũng phải đảm bảo nguyên tắc thiết yếu, đúng quy trình".
Cuối tháng 4, WHO xem xét công nhận chất lượng và cấp mã số danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) cho bộ xét nghiệm "LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit" của Học viện Quân y và Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á nghiên cứu. Đây là loại kit chẩn đoán nCoV bằng kỹ thuật sinh học phân tử (RT-PCR và realtime RT-PCR) đã được Bộ Y tế cấp phép và đưa vào sản xuất đại trà tại Việt Nam hồi đầu tháng 3.