Gojek vừa ra thông báo về việc có thêm 2 "tay to" – Facebook và PayPal – gia nhập đội ngũ nhà đầu tư của siêu ứng dụng này.
Đây là lần đầu tiên Facebook đầu tư vào một doanh nghiệp có trụ sở tại Indonesia, với hy vọng tạo ra những cơ hội kinh doanh mới cho Facebook và dịch vụ phổ biến WhatsApp của công ty này.
Cũng nằm trong một phần của thoả thuận thương mại, các tính năng thanh toán của PayPal sẽ được tích hợp vào các dịch vụ của Gojek, và hai công ty cũng sẽ hợp tác để cho phép khách hàng của GoPay – ví điện tử của Gojek – có quyền truy cập vào mạng lưới hơn 25 triệu đối tác nhà hàng của PayPal trên toàn thế giới.
Ông Farhad Maleki, Trưởng Bộ phận Phát triển Doanh nghiệp và Đầu tư Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của PayPal cho biết: "Đông Nam Á đang ở thời điểm bước ngoặt trong việc áp dụng kỹ thuật số, nhằm tạo ra những cơ hội mới để cung cấp các dịch vụ tài chính cho các nhà hàng và khách hàng vốn trước kia chưa có cơ hội tiếp cận với các ngân hàng. Chúng tôi vui mừng phấn khởi khi bước vào mối quan hệ chiến lược này với Gojek để mở rộng khả năng tiếp cận và cung cấp trải nghiệm mới cho những khách hàng của chúng tôi và Gojek trong thị trường năng động này cũng như trên toàn thế giới".
Với việc áp dụng thanh toán kỹ thuật số được dự đoán sẽ tăng tốc theo cấp số nhân, sự hỗ trợ về nguồn lực của các doanh nghiệp công nghệ toàn cầu hàng đầu thế giới, kết hợp với công nghệ và sự am hiểu địa phương của Gojek, sẽ mang lại lợi ích cho hàng triệu doanh nghiệp và người dân tại các quốc gia Đông Nam Á.
Dịch vụ thanh toán số của Gojek là GoPay từ lâu đã tập trung vào việc nâng cao khả năng tiếp cận với nền kinh tế kỹ thuật số cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) – đa số các doanh nghiệp này vốn vẫn chủ yếu duy trì hoạt động dựa trên tiền mặt và không có khả năng tiếp cận nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng. Khoản đầu tư mới nhất này sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp này khi họ tìm cách chuyển sang hoạt động số, từ những quầy hàng trên đường phố cho đến các doanh nghiệp lớn đang tìm cách tăng cường cơ sở hạ tầng thanh toán kỹ thuật số.
Kể từ khi ra mắt ứng dụng vào năm 2015, Gojek đã số hoá hàng trăm nghìn đối tác nhà hàng trên nền tảng của mình, tạo cơ hội cho họ tiếp cận hơn 170 triệu người dùng trên khắp Đông Nam Á. Hệ thống thanh toán số GoPay xử lý hàng tỷ giao dịch mỗi năm và sở hữu ví điện tử lớn nhất ở Indonesia. Phần lớn giao dịch trong số này đến từ dịch vụ giao nhận đồ ăn GoFood, và đang được mở rộng sang các lĩnh vực khác trong và ngoài hệ sinh thái Gojek.
Ông Andre Soelistyo, đồng CEO của Gojek cho biết: "Đại dịch COVID-19 và các vấn đề do dịch bệnh này tạo ra đã nhắc nhở chúng ta rằng một nền kinh tế muốn trở nên linh hoạt và bền vững hơn thì nền kinh tế đó phải được xây dựng trên cơ sở một cơ sở hạ tầng kỹ thuật số sao cho mọi người có thể sống và thực hiện các giao dịch theo nhiều cách đa dạng. Vai trò của chúng tôi là tập hợp những kiến thức chuyên môn công nghệ toàn cầu và đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác nhằm hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người dùng trong khu vực Đông Nam Á".
Google và Tencent đầu tư vào Gojek kể từ năm 2018 và đã hợp tác với Gojek trong nhiều dự án.
Báo cáo kinh tế số 2019 của Google, Temasek Holding và Bain&Co dự báo mảng thanh toán số (Digital Payment) sẽ đạt tổng giá trị giao dịch 1.100 tỷ USD năm 2025, trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng dự kiến ở mức 2.300 tỷ USD.
Bình An (Nguồn: CafeBiz)