Hai nữ sinh lớp 11 nghiên cứu khả năng kháng đái tháo đường của cây lá gai
Hai nữ sinh lớp 11 trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi) nghiên cứu khả năng kháng đái tháo đường của cây lá gai xanh. Dự án của hai em vừa đạt giải Ba tại hội thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia.

Em Nguyễn Vũ Hương Xuân và Nguyễn Anh Thư, học sinh lớp 11 chuyên Sinh, trường THPT chuyên Lê Khiết (tỉnh Quảng Ngãi) là tác giả của dự án “Nghiên cứu khả năng kháng đái tháo đường của cây lá gai xanh AP1 (Boehmeria nivea) tại Quảng Ngãi”. Dự án này được Xuân và Thư thực hiện trong vòng 1 năm với nhiều khó khăn phải vượt qua.



Dự án “Nghiên cứu khả năng kháng đái tháo đường của cây lá gai xanh AP1 tại Quảng Ngãi” của hai em Nguyễn Vũ Hương Xuân và Nguyễn Anh Thư đã đạt giải Ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2019 - 2020.

Theo Hương Xuân, ý tưởng của dự án nảy sinh khi các em biết đến nông trường cây lá gai 10 ha tại xã Phổ Nhơn (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Đây là vùng trồng thử nghiệm cây lá gai để thu sợi từ vỏ thân, làm nguyên liệu cho ngành dệt may.

Hai nữ sinh nhận thấy, năng suất bình quân của cây lá gai đạt gần 150 tấn/ha/năm. Trong đó, phần vỏ được thu làm sợi chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Phần còn lại của cây lá gai chưa được sử dụng chế biến thành những sản phẩm có ích. Từ đó, Xuân và Thư đặt câu hỏi, cần làm gì để tận dụng những phần còn lại của cây lá gai xanh?

Để trả lời câu hỏi này, hai em tìm đọc các công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến cây lá gai xanh. Qua đó, Xuân và Thư nhận thấy cây lá gai xanh có khả năng trị bệnh đái tháo đường.

Tuy nhiên, tùy thuộc vào điều kiện địa lý thì hoạt tính sẽ thay đổi nên hai em quyết tâm tiến hành khảo sát khả năng hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường của cây lá gai xanh giống AP1 tại Quảng Ngãi.



Phòng thí nghiệm của trường THPT chuyên Lê Khiết chưa được trang bị đầy đủ thiết bị. Do đó, hai em phải “mượn” phòng thí nghiệm khoa Hóa-Sinh-Môi trường của trường đại học Phạm Văn Đồng để nghiên cứu.

Nhóm nghiên cứu được hướng dẫn bởi cô giáo Trần Thị Thanh Huyền, giáo viên môn Sinh học, trường THPT Chuyên Lê Khiết, và các giảng viên khoa Hóa-Sinh-Môi trường của trường Đại học Phạm Văn Đồng.

Suốt 1 năm, hai nữ sinh nỗ lực chứng minh khả năng kháng đái tháo đường của rễ và lá cây gai xanh AP1 thông qua các hoạt tính kháng oxy hóa, ức chế enzyme α-amylase, α-glucosidase và khả năng điều trị đái tháo đường trên mô hình chuột.

Kết quả nghiên cứu thu được cao chiết rễ, lá của cây lá gai xanh AP1 đều có khả năng kháng oxy hóa, ức chế enzyme α-amylase và α-glucosidase. Những tính chất này khẳng định tiềm năng ứng dụng rễ và lá cây gai xanh để sản xuất thực phẩm chức năng và phát triển thuốc cho người bị đái tháo đường.

Cao chiết nước nóng từ rễ cây lá gai xanh AP1 với liều 150 mg/kg chuột và liều 300 mg/kg chuột mỗi ngày có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường trên mô hình chuột.

Với nghiên cứu này, hai nữ sinh sử dụng dung môi là nước nóng đã cho thấy hoạt tính rõ rệt. Điều này có lợi thế trong quy mô công nghiệp, dễ dàng chế biến các sản phẩm cho bệnh nhân đái tháo đường dưới dạng trà túi lọc hoặc dạng bánh.



Hai em quyết tâm tiến hành khảo sát khả năng hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường của cây lá gai xanh giống AP1 tại Quảng Ngãi.

Theo cô Trần Thị Thanh Huyền, đề tài này có triển vọng rất lớn vì qua nghiên cứu, hoạt tính của cây gai xanh giúp hỗ trợ điều trị đái tháo đường khá mạnh. Khi đã chứng minh được khả năng của nó thì việc ứng dụng trong thực tế là khả thi.

Trên thế giới, đái tháo đường là căn bệnh gây chết người nhiều thứ 3, chỉ sau bệnh tim mạch và ung thư. Việt Nam có tỷ lệ dân số bị bệnh từ 6-7%. Hàng năm có hơn 30.000 người chết có liên quan đến bệnh này.

Thành công của dự án hứa hẹn sẽ tạo ra những sản phẩm có giá trị cao từ lá gai xanh, nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển công nghiệp chế biến. Quan trọng nhất là cung cấp thêm giải pháp hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường với chi phí rẻ cho người bệnh.

Quốc Triều