Thương vụ giúp Pepsi sở hữu 20 chiến hạm Liên Xô
Liên Xô phải gán 17 tàu ngầm và ba tàu mặt nước với tổng trị giá 3 tỷ USD để thanh toán tiền nước ngọt cho Pepsi năm 1989.

Tập đoàn Pepsi có tài sản ròng trị giá hơn 18,8 tỷ USD và sản phẩm được bán ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp thế giới. Tuy nhiên, tập đoàn nước ngọt của Mỹ này cũng từng sở hữu hạm đội tàu chiến đứng thứ 6 thế giới sau một thương vụ với Liên Xô.

Năm 1959, Tổng thống Dwight Eisenhower muốn đưa văn hóa Mỹ đến Liên Xô bằng cách thu xếp tổ chức "Triển lãm Quốc gia Mỹ" ở công viên Sokolniki tại thủ đô Moskva. Phó tổng thống Richard Nixon được cử đến dự lễ khai mạc, nhưng mọi thứ bắt đầu diễn biến theo chiều hướng xấu.

Trước triển lãm, phó giám đốc tiếp thị Pepsi Donald Kendall đề nghị Nixon giúp "giới thiệu tập đoàn này với lãnh đạo Liên Xô" và được đồng ý. Trong quá trình tham quan các thành tựu mới nhất trong công nghệ và sản phẩm tiêu dùng Mỹ tại triển lãm, Nixon và lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev nổ ra tranh cãi. Thời tiết oi bức và không khí căng thẳng khiến lãnh đạo Liên Xô đổ mồ hôi thấy rõ.
 



Khrushchev uống Pepsi, bên cạnh là Nixon và Kendall (đội mũ). Ảnh: Sputnik.

Kendall nhanh chóng chạy đến giúp Khrushchev và mời ông một cốc nước ngọt. Bức ảnh lãnh đạo Liên Xô thưởng thức đồ uống Pepsi sau đó trở nên nổi tiếng và thu hút công chúng nước này với món đồ uống có ga của Mỹ.

Đến năm 1972, Pepsi đạt thỏa thuận với Liên Xô để trở thành sản phẩm phương Tây đầu tiên được bán ở nước này. Do đồng ruble không được chấp nhận trong thanh toán quốc tế, Liên Xô phải dùng rượu vodka để giao dịch với tập đoàn Mỹ.

Thỏa thuận được Liên Xô ký với Pepsi dự kiến hết hạn vào cuối thập niên 1980. Tuy nhiên, lúc này rượu vodka mất giá và không thể đổi ngang giá với Pepsi. Dân Mỹ lúc này cũng tẩy chay sản phẩm Liên Xô vì chiến dịch can thiệp quân sự vào Afghanistan. Điều này khiến Pepsi yêu cầu Liên Xô thanh toán bằng phương thức khác.

Tháng 5/1989, chính phủ Liên Xô đề xuất thỏa thuận cho phép Pepsi đóng vai trò trung gian trong dự án tháo dỡ, bán sắt vụn 17 tàu ngầm và ba tàu mặt nước gồm một tàu tuần dương, một tàu khu trục và một khinh hạm. Tập đoàn Mỹ ban đầu tỏ ra thận trọng vì không biết xử lý khí tài hải quân Liên Xô, nhưng chấp nhận phương thức thanh toán sau khi biết tổng giá trị của đội tàu này lên tới 3 tỷ USD.

Các tàu ngầm trong được Liên Xô bán cho Pepsi năm 1989. Ảnh: Sputnik.

Các tàu ngầm trong được Liên Xô bán cho Pepsi năm 1989. Ảnh: Sputnik.


Thỏa thuận lịch sử này giúp Pepsi sở hữu hạm đội hải quân lớn thứ 6 thế giới. Tuy nhiên, tập đoàn Mỹ chỉ giữ đội tàu chiến Liên Xô trong vài ngày rồi bán lại cho một công ty tái chế Thụy Điển.

"Chúng tôi giải giáp vũ khí Liên Xô còn nhanh hơn các ông", Donald Kendall tuyên bố thẳng thừng trong cuộc nói chuyện với cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Brent Scowcroft sau đó.

Duy Sơn (Theo War is Boring)