Trung Quốc lo 'mất mặt' nếu doanh nghiệp Nhật rời đi
Các địa phương tại Trung Quốc đang tích cực xúc tiến thương mại và tăng ưu đãi để tránh "mất mặt" nếu nhiều công ty Nhật bỏ đi.
Đại dịch đã tàn phá các chuỗi cung ứng toàn cầu. Cuộc khủng hoảng này nhấn mạnh điều mà nhiều công ty và quốc gia đã biết từ lâu, rằng họ phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
 
Gần đây, Nhật Bản quyết định trợ cấp 653 triệu USD cho một nhóm 87 công ty để mở rộng sản xuất tại quê nhà và Đông Nam Á. Điều này đã làm dấy lên cuộc tranh luận về việc nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang cố bớt phụ thuộc vào Trung Quốc ra sao.
 
Với số tiền trợ cấp, 57 công ty sẽ mở thêm nhà máy tại Nhật Bản, 30 đơn vị còn lại sẽ mở rộng sản xuất ở các nước Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, Myanmar và Thái Lan. Khoảng 70% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với hơn hai phần ba tham gia sản xuất cung ứng thiết bị, vật tư y tế.
 
Một danh sách các doanh nghiệp được hỗ trợ đợt hai đang được soạn thảo, với cơ cấu thành phần tương tự như đợt đầu, theo các quan chức Nhật Bản.
 
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản và Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc. Dù không phải tất cả các doanh nghiệp trong làn sóng này đều có hoạt động tại Trung Quốc, nhưng động thái của chính phủ Nhật vẫn làm đấy lên lo ngại cho nước này.
 
 
Vận chuyển thiết bị sản xuất khẩu trang vào nhà máy thiết bị gia dụng Iris Ohyama ở Kakuda, tỉnh Miyagi, đông bắc Nhật Bản, ngày 20/ 5. Ảnh: Reuters.
 
 
Các công ty liên quan được ước tính chiếm ít hơn 1% tổng vốn đầu tư của Nhật vào Trung Quốc, và sẽ không có tác động kinh tế ngay lập tức. Tuy nhiên, SCMP cho rằng, nếu xu hướng này tiếp tục, nó có thể làm lung lay nền tảng của mô hình tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc, suy giảm năng lực công nghiệp của nước này.
 
Khảo sát của hãng nghiên cứu tín dụng Teikoku Databank cho biết, có 13.685 công ty Nhật Bản tại Trung Quốc vào cuối tháng 5/2019, giảm từ 13.934 trong cuộc khảo sát trước đó được thực hiện vào năm 2016. Vào lúc cao điểm năm 2012, có 14.394 công ty Nhật hoạt động tại Trung Quốc.
 
Bị cuốn vào cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung, cũng như chịu tác động của Covid-19, các đại gia máy in của Nhật Bản bao gồm Brother, Kyocera và Fuji Xerox đang chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Sharp cũng di dời một phần dây chuyền sản xuất máy in đa chức năng từ tỉnh Giang Tô sang Thái Lan, mặc dù những động thái này không liên quan đến các khoản trợ cấp, theo Tạp chí Caijing.
 
Liu Zhibiao, Giáo sư kinh tế công nghiệp tại Đại học Nam Kinh (Giang Tô) cho biết chính quyền địa phương đang ngày càng lo lắng về cuộc "di cư" của các nhà sản xuất Nhật Bản vì họ sẽ thấy "mất mặt" nếu các doanh nghiệp nước ngoài bỏ đi.
 
"Tại Giang Tô, chúng tôi không thấy xu hướng di cư hàng loạt của các công ty Nhật Bản. Chúng tôi hiểu động thái của chính phủ Nhật, đặc biệt là với những gì đã xảy ra kể từ đại dịch", ông Liu, người cũng là cố vấn của chính phủ, cho biết.
 
Chính quyền Giang Tô tự tin về cơ sở hạ tầng và hiệu quả điều hành, nên đó vốn không phải là lý do đáng lo khiến doanh nghiệp Nhật ra đi. Nhưng giờ cách duy nhất để họ giữ doanh nghiệp nước ngoài là giúp giảm chi phí và cung cấp môi trường đầu tư an toàn cho họ.
 
Tại tỉnh Sơn Đông, nơi có hơn 1.300 nhà sản xuất Nhật Bản, chính quyền địa phương đang nỗ lực để thu hút thêm đầu tư của Nhật Bản. Tỉnh đang đồng tổ chức một sự kiện với cả các tổ chức xúc tiến thương mại Trung Quốc và Nhật Bản, kéo dài đến cuối tháng 9, để tăng cường hợp tác trong sản xuất thiết bị cao cấp, chăm sóc y tế với Nhật Bản.
 
Mục đích chính thức của các khoản trợ cấp là đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Nhật Bản và giúp chuỗi vững mạnh hơn, chứ không phải rút hẳn khỏi Trung Quốc, Hideo Kawabuchi, Phó tổng giám đốc Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) Bắc Kinh. Chính sách này không bắt buộc, quyết định di dời khởi Trung Quốc hay không tùy thuộc vào từng công ty.
 
"Các nhà quản lý doanh nghiệp Nhật quyết định đầu tư vào đâu bằng cách xem xét đa dạng hóa để giảm thiểu rủi ro gián đoạn đối với nguồn cung hàng hóa quan trọng và chuỗi cung ứng khi gặp khủng hoảng bất ngờ", ông Kaw Kawuchi cho biết.
 
Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu các sản phẩm điện tử, máy tính và phụ tùng xe hơi vào Trung Quốc. Nhưng việc sản xuất tại nước này phải dừng lại vào đầu năm nay, dẫn đến sự gián đoạn sản xuất tại Nhật Bản.
 
Mặc dù số bộ phận nhập khẩu không nhiều, nhưng ngành công nghiệp xe hơi có một hệ thống sản xuất phức tạp và chuỗi cung ứng tập trung. Nghĩa là bất kỳ sự gián đoạn nào cũng có thể khiến việc sản xuất xe bị đình chỉ.
 
Tháng trước, sách trắng thương mại hàng năm của Nhật Bản cũng cho biết các công ty ở thượng nguồn dễ bị ảnh hưởng khi hoạt động sản xuất bị gián đoạn tại Trung Quốc. Vì vậy nước này cần xây dựng lại chuỗi cung ứng để chuẩn bị và đối phó với một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra khác trong tương lai.
 
Động thái của chính phủ Nhật diễn ra vào thời điểm quan hệ Mỹ - Trung ở mức thấp nhất mọi thời đại. Vào tháng 4, cùng ngày Nhật Bản công bố kế hoạch trợ cấp, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng Larry Kudlow đề xuất Mỹ hỗ trợ chi phí di chuyển cho công ty nước này muốn rời khỏi Trung Quốc.
 
Đối với một số người, động thái của Nhật Bản di chuyển được coi là một bước để tách rời kinh tế khỏi Trung Quốc và gia nhập Washington để thành lập một mặt trận thống nhất chống lại Bắc Kinh.
 
Tuy nhiên, Scott Kennedy, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói rằng Washington cần hiểu rõ hơn về hành động của Tokyo và điều chỉnh cách tiếp cận của riêng mình nếu muốn hợp tác thực sự với Nhật trong việc quản lý thách thức do Trung Quốc đặt ra.
 
"Thay vì cắt đứt quan hệ, mục tiêu của Tokyo là đa dạng hóa chuỗi cung ứng, khiến họ kiên cường hơn và ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc, đồng thời khuyến khích sản xuất nội địa nhiều hơn để giải quyết nền kinh tế đang chậm lại", ông Kennedy giải thích.
 
Giống như các công ty quốc tế khác đang tăng đầu tư vào Trung Quốc, hầu hết các công ty Nhật Bản đều muốn hiện diện Trung Quốc vì sức hấp dẫn của thị trường bản địa. Ngay cả khi Trung Quốc chậm lại trong vài năm qua, và triển vọng tăng trưởng chậm hơn trong thập kỷ tới khi họ vật lộn với quá trình chuyển đổi nhân khẩu học và nợ nần cao, thì Trung Quốc vẫn có nhu cầu ngày càng tăng về cơ sở hạ tầng công nghệ cao và thị trường tiêu dùng, ông Kennedy chỉ ra.
 
Trong một cuộc khảo sát hồi tháng 4 của JETRO với 424 công ty Nhật Bản có cơ sở ở miền đông Trung Quốc, 86% đơn vị được hỏi cho biết không có kế hoạch thay đổi chuỗi cung ứng hoặc chuyển sang các nước khác.
 
Trong số 361 người được hỏi ở miền nam Trung Quốc, 22,3% cho biết sẽ mở rộng hoạt động tại Trung Quốc và 8,6% nói sẽ giảm quy mô hoạt động tại nước này. Trong khi, 69,1% đang cân nhắc nhưng rời đi đâu thì chưa rõ.
 
"Các công ty Nhật Bản đang theo dõi chặt chẽ mối quan hệ đang thay đổi giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng chiến lược kinh doanh của họ dựa trên nền kinh tế và thị trường từng quốc gia. Đối với họ không phải là việc chọn một trong hai giữa Mỹ và Trung Quốc", ông Kawabuchi nói.