‘Buông bỏ’ là cảnh giới của bậc trí giả, ‘Buông thả’ là sai lầm của kẻ vô minh
“Buông” hay “buông bỏ” không phải là “buông thả” hay “bỏ cuộc”. Bản chất của chúng không giống nhau và kết quả mà chúng đem lại cũng hoàn toàn khác nhau. “Buông bỏ” là chỉ cách mà một người đang tìm kiếm cơ hội để trưởng thành. “Buông thả, bỏ cuộc” là thể hiện một người đang tìm nơi nào đó ẩn trốn, trốn tránh thực tại phải đối mặt.

Buông bỏ là cảnh giới của trí giả

Sở dĩ một người có thể “buông bỏ” là bởi vì người ấy đã nhìn thấy bản thân mình cao hơn sự tình, cho nên quyết định “buông” sự tình đó. “Buông tha” là bởi vì không thể “buông” được một sự tình nào đó, cho nên cuối cùng đành phải “buông tha” chính mình. Người xưa nói rằng: “Người hiểu được “buông” ấy chính là bậc trí giả, còn người chỉ biết “buông tha, bỏ cuộc” thì chính là kẻ ngốc.”

Người hiểu được khi cần buông bỏ thì buông bỏ mới thực sự là người hạnh phúc và giàu có. Có câu rằng, trong lòng không khuyết thiếu thì được gọi là “phú”, được người khác cần đến, thì được gọi là “quý”. Vui mừng sảng khoái không phải là một loại tính cách mà là một loại năng lượng. Cách tháo gỡ phiền muộn tốt nhất chính là quên phiền muộn, buông bỏ phiền muộn.

“Không tranh giành” chính là từ bi.
“Không tranh cãi” chính là trí tuệ.
“Không để bụng” chính là rộng lượng.

“Tha thứ” chính là giải thoát.
“Biết đủ” chính là buông.

Tâm không loạn, không bị vây khốn bởi tình, không sợ tương lai, không nhớ nhung quá khứ. Đây là cách sống của bậc trí giả. Đời người phải biết điểm dừng mới vui. “Vui không thể vui hết mức” bởi vì người xưa có câu: “Vui quá hóa buồn”. “Ham muốn không thể phóng túng” bởi vì phóng túng sẽ tạo thành tai họa.

Sống trên đời, làm người không nên quá khắt khe, làm việc không cần quá cầu hoàn mỹ, niềm vui không thể hưởng hết, đối nhân xử thế nên hiểu được có chừng có mực, khoan dung đối với người khác chính là cho bản thân mình một phần linh động, một đường lui.

Con người sở dĩ sống không vui, không hạnh phúc là có nguyên nhân bởi vì 3 thói quen chủ yếu. Đó là quen phóng đại hạnh phúc của người khác, quen phóng đại nỗi khổ của bản thân mình, quen mang nỗi khổ của bản thân mình ra so sánh với nỗi khổ của những người khác, đem khuyết điểm của mình ra so sánh với ưu điểm của người khác.

Điều đáng sợ nhất trên thế gian chính là trong tranh giành, theo đuổi danh lợi tình mà đánh mất đi lý trí của bản thân, bởi vì khi đánh mất đi lý trí thì hết thảy mọi việc làm ra sẽ có hậu quả khôn lường. Cho nên, xem nhẹ, buông bỏ, không bị cám dỗ bởi “danh lợi tình” là một loại cảnh giới cao của bậc trí giả.

“Buông thả” là một loại sai lầm

Phật gia giảng: “Bất yếu lãng phí sinh mệnh tại nhĩ nhất định hội hậu hối đích sự tình thượng” tức là, không nên lãng phí sinh mệnh của mình ở những việc mà mình nhất định sẽ hối hận. Vậy trong cuộc đời, điều gì sẽ khiến một người phải hối hận mãi không thôi?

Sai lầm lớn nhất đời người chính là phóng túng, buông thả bản thân. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến người ta phải hối hận. Phóng túng, buông thả bản thân có thể khiến cho sinh mệnh sa đọa, biến chất. Cử chỉ, hành vi của con người một khi không khống chế được thì tự nhiên sẽ gây ra hậu quả, khiến bản thân bất lương, khiến con người cả đời hối hận.

Bên nhà Phật cũng có câu: “Con người phải có kính sợ, không thể phóng túng”. Người có tín tất sẽ có kính sợ. Người phóng túng dục niệm thì hậu quả thường sẽ bi ai. Xã hội hiện đại ngày nay, một số người trẻ tuổi hễ gặp một chút suy sụp liền phóng túng bản thân, kỳ thực, một người bị té ngã ở chỗ này nhưng có thể đứng dậy ở chỗ khác. Ông trời không tuyệt đường người.

Ngoài ra, khi đắc ý cũng chớ vì thế mà phóng túng bản thân. Có một câu cổ ngữ rằng: “Ngạo bất khả trường, dục bất khả túng, chí bất khả mãn, nhạc bất khả cực”, ý tứ chính là tính cao ngạo không thể để cho lớn, không nên buông thả lòng ham muốn, không nên thỏa mãn về chí hướng, không nên vui vẻ đến tột độ. Theo thuyết nhân quả bên Phật gia thì phóng túng chính là nguyên nhân của hối hận.

Phật gia giảng, sai lầm lớn nhất của đời người là phóng túng, buông thả bản thân. Đây chính là nguyên nhân của hối hận. Họ cho rằng, người mà không khống chế được hành vi phóng túng, buông thả tư tưởng suy nghĩ, tùy tâm sở dục thì đều là ác nhân.

Rất nhiều bi kịch trong cuộc đời đều là bắt nguồn từ việc con người phóng túng bản thân. Khi con người ta buông thả bản thân đến một mức độ nhất định thì sẽ bắt đầu bị sa đọa và cuối cùng tạo thành bi kịch. Bởi vì phóng túng quá độ sẽ khiến con người ta mất đi quy phạm ước thúc, lý trí trở nên yếu kém, không còn kiêng nể điều gì, đánh mất nguyên tắc làm người. Cho nên, buông thả phóng túng không chỉ tự hủy đi bản thân mình mà còn gây tổn hại đến cho những người yêu thương mình.

Gian khổ là cơ hội rèn luyện, không phải lý do để buông thả bản thân

Cổ nhân luôn răn rằng: “Đừng cho rằng việc ác nhỏ không tổn hại đến ai là có thể làm.” Bởi vì làm một việc gì nhiều lần sẽ trở thành thói quen và lâu dần sẽ hình thành tính cách. Người xưa cũng tin rằng “trên đầu ba thước có thần linh”, cho nên đừng cho rằng làm việc ác là không ai biết, chỉ cần làm việc ác thì sẽ có hậu quả.

Đừng cho rằng ngày hôm nay đã qua đi thì còn có ngày mai, bởi vì mọi chuyện đều là không thể nói trước được, có một số việc ngày hôm nay không làm sẽ vĩnh viễn không còn cơ hội. Cho nên, gặp việc thiện dù nhỏ cũng hãy làm ngay.

Đời người đáng sợ nhất không phải là cực khổ mà đáng sợ nhất chính là ở trong cực khổ mà buông thả bản thân mình. Con nhộng nhẫn nại ở trong kén với nhiều khổ sở dày vò nhưng cuối cùng có thể thành điệp, lưu lại vẻ đẹp cho cuộc đời. Ngọc trai bởi vì chịu bao cực khổ và âm u ở trong thân con trai cuối cùng mới trở thành vật báu thế gian.

Đời người bởi vì có cực khổ mà thấy được sự huy hoàng, không trải qua ngày mưa sao thấy được cầu vồng? Mưa gió trong cuộc đời mới là nhân sinh hoàn mỹ. Đời người khó tránh khỏi những tháng ngày u tối, dũng cảm đối mặt với hiện thực sẽ có ngày nhìn thấy ánh mặt trời!

Ở vào hoàn cảnh cực khổ chỉ có thản nhiên đối mặt, mới có thể từ trong đó mà chiến thắng bản thân mình, đi ra khỏi hoàn cảnh khốn khó. Nếu e sợ cực khổ, sợ hãi khó khăn, bạn sẽ ở trong hoàn cảnh đó mà buông thả bản thân mình và đó là sai lầm.

Nhà văn nổi tiếng của Pháp – Balzac đã nói: “Gian khổ là người thầy tốt nhất trên đời!” Cho nên, càng ở trong gian khổ thì càng phải chiến thắng bản thân, vượt qua hoàn cảnh và tiến về tương lai.

Một nhà hiền triết đã nói rằng, khó khăn chưa chắc là sai lầm của bạn, nhưng ở trong khó khăn mà buông thả bản thân thì là sai lầm lớn của chính bản thân bạn.

Bởi vậy, nếu ngày hôm nay không gieo hạt giống “hối hận” thì ngày mai chúng ta sẽ không phải nhận quả “hối hận”. Kỳ thực, buông thả, phóng túng cũng không thể làm cho chúng ta bớt thống khổ mà còn làm cho chúng ta càng trở nên trống rỗng, hư không. Con người chỉ có tu dưỡng bản thân để luôn bình tĩnh đối mặt với mọi hoàn cảnh trong cuộc đời, làm chủ bản thân, làm chủ cuộc đời mình mới là người đáng trân quý.