Toàn cảnh Diễn đàn phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Tại Diễn đàn phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao diễn ra vào chiều qua (17/12), bà Nguyễn Thị Bảo Hiền, chủ một doanh nghiệp cho rằng, con đường làm nông nghiệp công nghệ cao (CNC) chưa bao giờ là điều dễ dàng. Như doanh nghiệp của bà còn phải bỏ tiền túi, bù lỗ mỗi năm từ 1,5 - 3 tỷ đồng.
"Tôi làm nông nghiệp CNC đã 5 năm và được một tập đoàn Nhật Bản giúp đỡ về mặt công nghệ, nhà máy và quy trình sản xuất. Họ cho kỹ sư, chuyên gia sang giúp đỡ tận tình. Hiện sản phẩm của chúng tôi đã xuất khẩu đi 4 nước là Nhật, Anh, Đức, Bỉ. Nhưng mấy ai biết rằng, 5 năm qua, chúng tôi đổ vào nông nghiệp CNC hàng trăm tỷ đồng để đầu tư mà chưa hề có lãi, thậm chí còn phải bỏ tiền túi, bù lỗ mỗi năm từ 1,5 - 3 tỷ đồng" - bà chia sẻ.
Theo bà Hiền, các doanh nghiệp làm nông nghiệp CNC rất áp lực về vốn khi không được tiếp cận, hỗ trợ sâu. Nói ngay như doanh nghiệp của bà phải đến từng ngân hàng gõ cửa, xin vay vốn, xin thế chấp nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu.
Bà tâm sự: "Ngân hàng yêu cầu chúng tôi thế chấp, nhưng toàn bộ tài sản của doanh nghiệp đều đổ hết vào máy móc, trang thiết bị. Ô tô có thể thế chấp được ngay nhưng máy cày, máy gặt, máy đập thì không thế chấp được, vì đây là thiết bị sản xuất hàng ngày. Đồng nghĩa với việc, không thế chấp thì không vay được tiền. Trong khi đó, các hợp tác xã thì được hỗ trợ, còn doanh nghiệp thì không, đó là điều bất cập".
Chia sẻ với phóng viên Dân Trí, ông Trần Văn Tân, chủ một doanh nghiệp cho biết, năm 2017, ông bắt tay vào làm nông nghiệp CNC. Tuy nhiên, cũng như các đơn vị đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp của ông cũng gặp rất nhiều khó khăn như việc tiếp cận với các cơ chế, chính sách, vốn của Nhà nước.
"Vốn là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp làm nông nghiệp CNC, khi các ngân hàng có rất ít nguồn vốn vay cho nông nghiệp. Mà cả kể có tiếp cận được thì còn phải chuẩn bị rất nhiều giấy tờ, thủ tục mất thời gian. Trong khi đó, vốn đầu tư vào nông nghiệp CNC lại khá lớn, tỷ lệ rủi ro trong quá trình sản xuất lại không hề nhỏ. Điều này đang khiến các doanh nghiệp e dè, không dám mạo hiểm" - ông bày tỏ.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, giám đốc của một công ty nông trại hữu cơ cho biết, chi phí đầu tư ban đầu của nông nghiệp CNC thường cao hơn bình thường 2 - 4 lần. Trong khi đó, giai đoạn đầu, khi chuyển sang sản xuất công nghệ cao thường không mang lại lợi ích kinh tế ngay.
Trước những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp CNC kiến nghị các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách. Để từ đó khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông nghiệp đầu tư vào nông nghiệp CNC. Bằng cách là đơn giản hóa thủ tục cho vay, hoàn thiện tiêu chí doanh nghiệp nông nghiệp CNC theo hướng định lượng rõ ràng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi.
Đồng thời, ông cũng khẳng định, phát triển nông nghiệp CNC cần nguồn vốn rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo nhân lực, tiêu thụ sản phẩm và nhất là nhập thiết bị.
"Thực tế cho thấy, để thành lập và phát triển trang trại chăn nuôi ở mức quy mô trung bình theo mô hình nông nghiệp CNC, chi phí gấp từ 4 - 5 lần so với xây dựng trang trại theo mô hình truyền thống. Như đầu tư một hecta nhà kính đầy đủ hệ thống tưới nước, phun sương, bón phân tự động hóa cần ít nhất từ 10 - 15 tỷ đồng, một thiết bị flycam để phun thuốc bảo vệ thực vật có giá lên tới 10.000 USD. Thế nên, thiếu hụt vốn đầu tư đang là rào cản lớn nhất trong phát triển nông nghiệp CNC" - ông Thắng phát biểu.
PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cần tăng cường đầu tư kinh phí cho hệ thống các đơn vị nghiên cứu trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Việt Nam đạt mức tương đương với các nước trong khu vực (0,5% GDP nông nghiệp). Hoặc có thể đầu tư cho khoa học công nghệ nông nghiệp bằng cách đề xuất với Chính phủ trích 0,5% kim ngạch xuất khẩu để đầu tư lại cho khoa học công nghệ.
Đồng quan điểm, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận thấy, trong thời gian tới, cần có sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện chính sách khuyến khích, phát triển nông nghiệp CNC, góp phần đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.
"Chúng ta hãy nối vòng tay lớn để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc đưa công nghệ cao vào nền nông nghiệp truyền thống" - ông Lộc nói.