Thanh Hóa: Cán bộ, công chức sẽ phải đi học ngoại ngữ
Cán bộ trong các cơ quan nhà nước; công chức cấp tỉnh, cấp huyện, công chức cấp xã; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập tại Thanh Hóa sẽ phải tham gia học tập ngoại ngữ trong thời gian tới.

Ngày 20/2, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 - 2030" trên địa bàn tỉnh.



Trường ĐH Hồng Đức xây dựng đội ngũ giảng viên ngoại ngữ đáp ứng chất lượng, có khả năng tham gia giảng dạy chương trình ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam và các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ khác; soạn thảo chương trình giảng dạy, đào tạo phù hợp.

Theo đó, đối tượng áp dụng là: Cán bộ trong các cơ quan nhà nước; công chức trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện; công chức xã, phường, thị trấn; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Không áp dụng đối với các đối tượng: Công chức có trình độ chuyên môn ngoại ngữ được bố trí vị trí việc làm theo dõi công tác ngoại vụ hoặc các vị trí việc làm yêu cầu trình độ chuyên môn ngoại ngữ; giáo viên, giảng viên ngoại ngữ.

Thời gian thực hiện từ năm 2021 đến hết năm 2030. Một trong những yêu cầu việc đào tạo, bồi dưỡng là thực hiện có chất lượng, hiệu quả các chương trình đào tạo, bồi dưỡng…

Việc đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Thanh Hóa đáp ứng tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm và khung năng lực ngoại ngữ theo quy định.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý và có khả năng sử dụng ngoại ngữ thành thạo trong công việc, làm việc được trong môi trường quốc tế.

Sau khi xây dựng kế hoạch tổng thể giai đoạn 2021 - 2030, các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiến hành rà soát thực trạng năng lực, trình độ và tổng hợp nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý để làm căn cứ xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng nội dung chương trình, từng lĩnh vực công tác và vị trí việc làm.

Thực hiện kiểm tra, đánh giá năng lực trong đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức theo tiếp cận chuẩn quốc tế. Tăng cường quản lý chất lượng đào tạo, bồi dưỡng…

Kinh phí thực hiện đề án được bố trí từ dự toán chi ngân sách nhà nước được giao theo quy định về phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn tài chính, huy động hợp pháp khác.

Nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ, công chức được bố trí từ ngân sách theo phân cấp ngân sách hiện hành; kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức; đóng góp của cán bộ, công chức; nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

Nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho viên chức được bố trí từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (không bao gồm nguồn ngân sách nhà nước bố trí cho đơn vị); đóng góp của viên chức và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Giám đốc các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc cử cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng ngoại ngữ đảm bảo đạt được mục tiêu theo Kế hoạch này tại cơ quan, đơn vị.

Đồng thời, có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức chủ động, tích cực tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng ngoại ngữ, đặc biệt ưu tiên các trường hợp cử đi học ngoài giờ hành chính, sử dụng kinh phí xã hội hóa…

Trần Lê