Những ngày sống chậm ở Lâm Thượng
Về Lâm Thượng tôi như trở về nhà vì được chào đón bằng những lời hỏi thăm thân tình, những nụ cười nồng hậu chất phác và được thết đãi biết bao món ngon tự tay dân bản nuôi trồng và chế biến.

TRỐN PHỐ THỊ VỀ BẢN NÚI XA XÔI

Nếu nhắc đến Yên Bái, mọi người chủ yếu nghĩ tới Mù Cang Chải, Tú Lệ để ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín, ăn những món ngon từ cốm và đắm mình vào làn nước suối nóng sảng khoái. Nhưng mới đây nhờ Xới, một người bạn dân tộc Tày thời đại học mà tôi biết đến thung lũng Lâm Thượng. Một cái tên ắt nhiều người vẫn chưa từng nghe qua vì thực tế nơi đây còn rất hoang sơ, yên bình và nhất là chưa bị du lịch hóa. Sau nhiều lần rủ rê, tôi đã dành được thời gian gác lại công việc để xách ba lô “trốn” về bản núi xa xôi.

Vào một ngày đầu Đông, chuyến xe giường nằm dài 5 giờ đưa tôi từ Hà Nội xô bồ đến với huyện Lục Yên, Yên Bái. Thêm 15km đường ngoằn ngoèo ngồi xe ôm, cuối cùng tôi cũng đến bản Tông Pắng, xã Lâm Thượng nằm cách Thủ đô gần 260km.

Vì đi từ 7 giờ sáng nên gần trưa, những bản làng nằm sâu trong thung lũng Lâm Thượng mới dần hiện ra trước mắt tôi. Nơi đây chỉ có duy nhất một đường dẫn tới thung lũng. Người dân trong bản hầu như vẫn trồng trọt chăn nuôi để tự cung tự cấp thực phẩm. Đến Lâm Thượng, bạn sẽ tìm thấy những nếp nhà sàn truyền thống của người Tày, những dòng suối, thác nằm sâu nơi rừng rậm và cả các hang đá, núi cao ít có dấu chân người lui tới.

Nếu đã tới được Lâm Thượng, hầu hết các khách phương xa đều sẽ dừng chân ở ngôi nhà của Xới – Xôi Farmstay. Đó cũng là homestay duy nhất để trải nghiệm cuộc sống của một gia đình dân tộc Tày đích thực. Xới là cô gái 9X người Tày sau nhiều năm học du lịch và làm hướng dẫn đã trở về quê, biến chính ngôi nhà mình ở thành nơi đón khách thập phương, kết hợp làm vườn cây, ao cá tăng gia sản xuất cho gia đình. Vừa đặt chân tới cổng, cả nhà Xới từ người già tới trẻ nhỏ đã chào đón tôi bằng những câu hỏi thăm, nụ cười hồn hậu và thân tình khiến tôi thấy như được trở về nhà.

Lâm Thượng homestay của người dân tộc

Xới kể, ban đầu khách chỉ là bạn bè của anh em trong nhà, về sau có người chia sẻ và tự làm tour nhỏ, dần dần khách nước ngoài biết đến, chọn làm nơi nghỉ ngơi, thư giãn. Càng ở quê lâu, Xới càng nhận ra ngôi nhà và quê hương mình có thể thành nơi chốn cho những ai thích sống chậm, yêu thiên nhiên, muốn tìm lại chính mình. Vì thế cô đã chính thức quyết định “trốn phố về quê” làm homestay đến bây giờ. Nhìn ánh mắt lấp lánh của Xới, tôi thầm ngưỡng mộ bạn, một trong những người trẻ dám sống là chính mình, xây ước mơ và đặt viên gạch đầu tiên cho Lâm Thượng sớm trở thành điểm đến của những người ưa khám phá văn hóa bản địa.

ĐẮM MÌNH VÀO THIÊN NHIÊN YÊN BÌNH

Ngày đầu tới Lâm Thượng tôi được Xới dẫn đi thác Nặm Chắn cách nhà khoảng 6km. Nước thác từ đầu nguồn chảy ra nên rất trong xanh và mát lạnh, cả dân bản lẫn khách ai cũng khen rằng tắm rất thích. Trên đường đến thác, mọi người được đi qua những cánh đồng lúa, hàng cọ xòe ô che mát và rừng tre, trúc xanh mướt mắt. Nếu đoạn đầu bạn còn nhìn thấy nhà dân và những đàn vịt rúc cua rúc ốc thì tới đoạn sau sẽ chỉ còn bạn và núi rừng um tùm cây cối. Tuy đường đã tốt hơn và có thể đi xe máy nhưng chủ yếu khách đến thác vẫn thích đi bộ trekking. Những ngày cuối năm, trời hanh lạnh mà vẫn có nắng ấm, chúng tôi len lỏi từng bước vào rừng tìm thác, đạp chân lên những thảm lá khô xào xạc, men theo tiếng suối Khuổi Luông róc rách rồi cũng tới dòng thác lớn. Chẳng ai bảo ai, chúng tôi cùng dừng chân, nhắm mắt và hít một hơi thật sâu, ngồi xuống thác để cảm nhận dòng nước mát lạnh vờn quanh đôi chân mình, chốc chốc còn được thấy đàn cá nhỏ tới “massage” rất dễ chịu. Muốn thách thức bản thân hơn chút nữa bạn có thể leo qua những tảng đá lớn nằm ngổn ngang, lách mình qua các bụi cây rậm rạp cuối cùng để tới ngọn nguồn của thác, nhìn nước đổ bọt tung trắng xóa dưới chân. Tiếng suối thác lúc ầm ầm lúc róc rách chảy hòa nhịp cùng tiếng chim hót líu lo giữa khoảng rừng xanh tươi. Những vị khách sống nơi phố thị ồn ào như tôi bỗng chỉ muốn ngồi mãi đó, để gói trong mình trọn bầu không khí và những thanh âm của núi rừng.

Lâm Thượng thác Nặm Chắn

Dòng suối trong lành chảy xuống từ thác Nặm Chắn

Lâm Thượng suối từ thác Nặm Chắn

Suối từ thác Nặm Chắn.

Trời chiều sập tối chúng tôi trở về nhà thưởng thức bữa cơm được bố mẹ Xới làm từ chính sản vật trong nhà như thịt gà, thỏ, cá và các loại rau củ tươi ngon. Bữa cơm đầm ấm trong ánh đèn vàng ngay khoảng sân dưới chân nhà sàn đôi lúc lại rúc rích tiếng cười vui. Rồi đêm tới, khi bản làng chìm vào giấc ngủ, chúng tôi, những con người xa lạ vẫn còn ngồi bên nhau, kể những câu chuyện không đầu không cuối, nghe tiếng côn trùng ri rỉ và ngước nhìn bầu trời đầy sao trước khi thiếp vào giấc ngủ say.

Lâm Thượng bữa cơm gia đình

món thịt lợn xiên nướng

Thịt lợn xiên nướng, món ăn dân dã của người Tày.

Ngày kế tiếp, tranh thủ dậy sớm tôi mượn chiếc xe đạp một mình đi quanh những bản làng Tông Pắng, Tông Pình Cại, Thâm Pất hít căng lồng ngực bầu không khí trong veo và mê mải ngắm nhìn cánh đồng dù đã gặt hết vẫn còn gốc rạ vàng ươm thơm mùi lúa chín. Thung lũng Lâm Thượng được núi rừng trùng điệp bao quanh nên sáng sớm đã thấy mây sà xuống các mái nhà. Dân bản làm nghề nông nên thường dậy sớm, nấu bữa sáng, thả gia súc rồi tất bật ra đồng, làm nương. Bởi thế, nếu nhìn lên những dãy núi cao mà thấy mặt trời lấp ló thì khi ngó xuống bản làng, khói lam đã quẩn quanh những mái cọ.

Xong bữa sáng, Xới dẫn chúng tôi leo núi Khau Chảu cách nhà hơn 2km. Vì con đường không quá dài nhưng dốc cao nên ai cũng phải ăn thật no để leo không chùn chân. Đường lên núi không có suối, thác nhưng bù lại đi qua biết bao vườn cây ăn quả, nương rẫy xanh rì và tới đâu, dù khách quen hay lạ cũng được dân bản vui vẻ mời nước. Trên đường đi bạn còn bắt gặp các đàn bò, trâu thong dong gặm cỏ, những cô bác phăm phăm vượt đường rừng để thu hoạch ngô, măng cuối mùa.

trekking núi Khau Chảu

Khách du lịch trekking núi Khau Chảu.

Lên đỉnh núi Khau Chảu ai cũng ngạc nhiên vì đỉnh không hề nhọn mà bằng phẳng như một bình nguyên, cỏ mọc xanh và còn điểm xuyết vài tán cọ xòe lớn. Khau Chảu chỉ cao vài trăm mét nhưng đường lên nhiều đoạn dốc đứng, làm ai khi tới Lâm Thượng, chỉ cần đặt chân vào nhà sàn người Tày bạn sẽ cảm nhận ngay sự thoáng đãng cũng như lòng hiếu khách của dân bản.

Người Tày ở đây phần lớn làm nông, trồng lúa, ngô, hoa màu và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài những đồng lúa rộng mênh mông trải khắp thung lũng, gia đình nào cũng có một ao cá. Nước từ các con suối trên núi đổ về khiến ao lúc nào cũng đầy ắp nước để nuôi cá, vịt. Nhiều nhà nuôi thêm gà, lợn, thỏ, trồng thanh long… Nhờ nguồn đất màu mỡ và nước suối dồi dào mà dân Lâm Thượng làm ra biết bao đặc sản tươi ngon để đãi khách như như xôi tím, cá bỗng, vịt bầu, gà bản, măng mai, rêu suối.

cánh đồng lúa chín

Cánh đồng lúa chín thơm phức vào mùa gặt.

Một bữa cơm ở bản chỉ tốn của bạn chừng 80.000-150.000 VNĐ nhưng vừa đã con mắt lẫn no cái bụng. Nếu không đặt cơm nhà dân, trên những chặng đường trekking, dã ngoại tắm suối cũng có lán nghỉ để bạn làm bữa cơm dã chiến khi mua sẵn thịt, cá ở bản đem theo. Gà vịt dân bản thả đàn chạy khắp đồng ruộng nên thịt chắc, dai thơm; cá nuôi trong ao lấy nguồn nước suối tự nhiên nên ăn thơm lành, đặc biệt là giống cá bỗng không tanh mà còn rất quý.

Hiện ở Lâm Thượng mới có nhà Xới làm dịch vụ du lịch cộng đồng. Dù bản nhỏ xa xôi nhưng năm nào cũng có khách phương xa đến nhà chơi Tết, trải nghiệm đời sống bình dị và những nét văn hóa rất riêng của người Tày. Ngoài ngôi nhà lớn ba, bốn thế hệ gia đình cùng ở, Xới còn làm thêm đôi nhà sàn nhỏ bên cạnh suối, ngay sát nhà lớn để khách tận hưởng chút riêng tư khi đi theo cặp đôi hay gia đình.

thung lũng mùa lúa xanh

Thung lũng Lâm Thượng mùa lúa xanh.

Và nếu tới đây đúng dịp lễ Tết, bạn chẳng cần đi đâu xa, người Tày ở bản đã có sẵn đặc sản trong nhà. Họ mổ lợn để ăn cho đến ra Giêng, làm thịt gác bếp, mắm thịt lợn, nấu cá bỗng, vịt bầu, gói giò hoa dâng cơm cúng tổ tiên và đãi khách đường xa. Ngoài ăn ở như người Tày, Tết đến khách còn được thử những bộ váy áo chàm đặc trưng, sắm đồ lễ, đi chợ phiên và tham gia những trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, bịt mắt bắt vịt rất sôi động.

Lâm Thượng không phải nơi có cảnh sắc quá đặc biệt và nổi tiếng nhưng ẩn trong mình là hơi thở của bình yên hồn hậu, những buổi đêm yên tĩnh mà đầm ấm, những sớm mai đầy sương mây trong trẻo khiến ai tới cũng lâng lâng trong khoảnh khắc hạnh phúc giản đơn mà sâu lắng.