Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 23/4 giảm 30.000 đồng/lượng ra so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm thêm 50.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại mức 55,40 – 55,77 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 9,7 USD xuống 1.783,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giằng co nhẹ quanh 1.785 USD/ounce cho đến cuối giờ chiều.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,34% xuống 91,03 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 23/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.179 đồng, giảm 4 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.975 - 23.155 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,12 USD (+0,20%), lên 61,55 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent ) giảm 0,01 USD (-0,02%), xuống 65,39 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
Nhà đầu tư mạnh tay bắt đáy, VN-Index hồi phục hơn 20 điểm
Nếu trong phiên sáng, áp lực bán vẫn luôn túc trực khiến thị trường rung lắc, thì sang phiên chiều, dòng tiền đã bất ngờ chảy mạnh, giúp VN-Index nhanh chóng hồi phục sắc xanh ngay khi giao dịch trở lại.
Đà tăng ngày càng được nới rộng khi hầu hết các cổ phiếu trong nhóm VN30 khởi sắc trở lại và lan tỏa toàn thị trường. Trong đó, đáng chú ý là nhóm cổ phiếu ngân hàng bứt phá mạnh, đã tạo động lực giúp VN-Index tăng vọt hơn 20 điểm khi đóng cửa tại gần 1.250 điểm.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 16,69 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 354,92 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 23/4: VN-Index tăng 20,71 điểm (+1,69%), lên 1.248,53 điểm; HNX-Index giảm 3,4 điểm (-1,19%), xuống 283,63 điểm; UpCoM-Index tăng 0,65 điểm (+0,81%), lên 80,4 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall quay đầu giảm điểm trong phiên giao dịch thứ Năm (22/4) khi thị trường run sợ trước những kế hoạch về chính sách thuế mới do Tổng thống Joe Biden đề xuất.
Truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin, Tổng thống Joe Biden sẽ đưa ra kế hoạch đối với những tầng lớp người giàu nhất tại người Mỹ, bao gồm mức tăng thuế lớn nhất từ trước đến nay đối với lợi nhuận từ đầu tư, để tài trợ khoảng 1.000 tỷ USD cho chương trình chăm sóc trẻ em, phổ cập giáo dục mầm non và nghỉ phép có lương cho người lao động.
Kế hoạch của ông Biden cũng bao gồm tăng gấp đôi thuế thặng dư vốn đối với các cá nhân kiếm được ít nhất 1 triệu USD hàng năm lên 39,6%.
Đây mức thuế thặng dư vốn cao nhất kể từ năm 1920 và vốn là khoản thuế mà hầu hết được trả bởi những người Mỹ giàu có nhất. Mức thuế này đã không vượt quá 33,8% trong thời kỳ hậu Thế chiến thứ II.
Kết thúc phiên 22/4, chỉ số Dow Jones giảm 321,41 điểm (-0,94%), xuống 33.815,90 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 38,44 điểm (-0,92%), xuống 4.134,98 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 131,81 điểm (-0,94%), xuống 13.818,41 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, sau khi Tokyo tiến gần hơn đến việc bán bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô và 3 tỉnh khác, các khu vực này chiếm 1/4 dân số cả nước để ngăn chặn đà lây lan của Covid-19.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,57% xuống 29.020,63 điểm. Chỉ số Topix mất 0,39% xuống 1.914,98 điểm. Cả hai chỉ số đều giảm hơn 2% trong tuần.
Ngoài kế hoạch ban bố tình trạng khẩn cấp khiến tâm lý thị trường đi xuống, thì sức ép còn đến từ Nidec, một nhà sản xuất máy chi tiết, giảm 5,12% sau khi dự báo lợi nhuận hoạt động trong năm nay là 180 tỷ yên, thấp hơn so với dự đoán của các nhà phân tích là 199 tỷ yên, và thông báo rằng, người sáng lập Shigenobu Nagamori sẽ từ chức giám đốc điều hành.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, sau khi Chủ tịch nước này cam kết tăng cường cắt giảm tiêu thụ than từ năm 2026 đến 2030 để hạn chế khí thải.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,26% lên 3.474,17 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,91% lên 5.135,45 điểm.
Trong tuần, chỉ số CSI300 tăng 3,4%, mức tăng một tuần lớn nhất trong hai tháng, trong khi SSEC tăng 1,4%.
Chứng khoán Hồng Kông tăng khá mạnh, dẫn đầu nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ và chăm sóc sức khỏe.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,12% lên 29.078,75 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,18% lên 11.067,84 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng, nhưng ghi nhận tuần giảm đầu tiên kể từ đầu năm, do ảnh hưởng từ các ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến và kế hoạch tăng thuế ở Mỹ.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 0,27% lên 3.186,10 điểm, chỉ số này mất 0,39% trong tuần.
Đã có tới 797 ca nhiễm Covid-19 mới hôm thứ Năm được Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc báo cáo, đây là mức cao nhất kể từ ngày 7/1.
Kết thúc phiên 23/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 167,54 điểm (-0,57%), xuống 29.020,63 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 9,05 điểm (+0,26%), lên 3.474,17 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 323,41 điểm (+1,12%), lên 29.078,75 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 8,58 điểm (+0,27%), lên 3.186,10 điểm.