Chuyên gia tội phạm học cho rằng, đội ngũ đứng sau các sàn tài chính trái phép Coolcat, Busstrade, Rforex, Yaibroker... nắm được "tử huyệt" của nhà đầu tư để dụ dỗ.
"Busstrade, Coolcat hay các sàn khác đã đánh trúng tử huyệt - lòng tham của người dân, đồng thời tung ra đòn tâm lý chí mạng là giao dịch không sợ lỗ vốn, thắng thì hưởng, thua được đền, ngồi im cũng có tiền", tiến sĩ Đoàn Văn Báu (chuyên gia tâm lý tội phạm) đánh giá.
Theo ông Báu, bản chất hành vi chiếm đoạt tiền không mới, giống như tội phạm lừa đảo thời nào cũng có. Tuy nhiên, đây là nhóm tội phạm "cao tay", biết nắm bắt thực trạng pháp luật, sự phát triển của công nghệ và tâm lý nạn nhân để thỏa mãn động cơ chiếm đoạt tiền. Họ không chỉ biết câu nhử với lợi nhuận 1% mỗi ngày (30% mỗi tháng) mà còn biết "chặt đẹp" mọi nghi ngại của người chơi.
Chiêu thức này đã giúp 4 sàn giao dịch Rforex.com, Yaibroker, Vistaforex, Exswiss lừa 12.000 tài khoản nạp 4,3 triệu USD, sau đó dùng thủ thuật chiếm đoạt tiền. Hay sàn Coolcat, Busstrade dụ hàng chục nghìn người trên cả nước "đầu tư" khoảng 500 tỷ đồng rồi bất ngờ biến mất.
Nhà đầu tư chuyển chơi sàn khác khi biết Busstrade sập. Ảnh: Chụp màn hình.
Đồng quan điểm, giảng viên Hồ Quốc Tuấn (đại học Bristol, Anh) cho rằng, nhóm lừa đảo đã áp dụng chiêu thức "tẩy não" khi vận hành các sàn. Họ đưa ra cam kết "bảo hiểm 100% vốn", dùng lời lẽ mạnh bạo, tuyên bố lặp đi lặp lại, kèm hành động đền tiền ngay vào tài khoản cho người chơi để thao túng lòng tin. "Kẻ cầm trịch đã làm óc phán đoán của đám đông, khao khát giàu xổi, bị tê liệt để dễ bề dẫn dắt họ", ông Tuấn phân tích.
Đội ngũ lừa đảo còn nắm bắt tâm lý con người không muốn thua kém bạn bè, hàng xóm khá phổ biến và không phải chỉ có ở Việt Nam. Khi tham gia sàn tiền ảo, vàng ảo, không ít người sẽ thấy vui sướng vì nghĩ rằng mình đang nắm bí quyết làm giàu độc đáo, sẽ kiếm được nhiều tiền hơn người xung quanh.
"Vì sợ bỏ lỡ cơ hội kiếm vài trăm nghìn đến cả triệu đồng mỗi ngày, muốn mau chóng hơn người, nhiều người dù đã được cảnh báo vẫn lao vào kênh đầu tư ảo. Kẻ cầm đầu đánh trúng tâm lý bằng những lời khích bác như 'xuống tiền nhanh không hết chỗ', 'bạn có muốn bị bỏ lại phía sau không'...", ông Tuấn dẫn chứng.
Tiếp đó, các nhóm điều hành sàn biết lợi dụng tâm lý nhiều người sính ngoại, ưa bóng bảy, khi thấy sàn có tên tiếng Anh, địa chỉ và giấy phép (giả) cũng ở châu Âu, châu Mỹ. Các sự kiện diễn ra ở khách sạn 5 sao, xuất hiện cả người nước ngoài. Ai đầu tư nhiều sẽ được mời đi du lịch nghỉ dưỡng cao cấp...
Dưới góc nhìn pháp lý, trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) cho rằng, việc tổ chức hoạt động các sàn ngoại hối, tiền ảo, nhị phân chỉ là cái cớ, bình phong che đậy hành vi huy động vốn trái phép để chiếm đoạt. Do pháp luật chưa quy định về các loại giao dịch này, nhóm chủ mưu có tâm lý bất chấp và coi thường, lợi dụng tình hình để hoạt động.
Ngoài nhử mồi lãi suất cao, nhóm chủ mưu còn khuấy động hiệu ứng đám đông để người dân lao vào. "Tiền môi giới tuyển thành viên được trả cao, theo mô hình đa cấp. Người mới thì không biết sàn ở đâu, ai đứng sau, chỉ thấy lời mời, lãi suất khủng, có nhóm chat xôm tụ là sẵn sàng xuống tiền, kể cả đi vay. Các sàn không lợi dụng điều này mới lạ", trung tá Hiếu nói.
Đám đông cũng dễ bị ảnh hưởng từ người nổi tiếng, được cho là nhận tiền quảng cáo cho các sàn giao dịch. Như tối 11/5, hàng loạt Fanpage có dấu tích xanh của các nghệ sĩ đăng lời hô hào mua tiền ảo. Dù các bài này đã bị xóa nhưng không gian mạng đã lan truyền lời kêu gọi "người nổi tiếng còn tham gia thì các bạn chần chờ gì".
Về thủ đoạn chiếm đoạt tiền, trung tá Hiếu giải thích, tùy thuộc vào ham muốn "ăn dày" đến đâu của tội phạm. Có những sàn thấy đủ, lập tức đánh sập chỉ sau vài tháng như Coolcat (4 tháng); hoặc có sàn tồn tại hơn năm, lôi kéo hàng chục nghìn người nộp tiền rồi mới sập như Busstrade, PChome.
Một số sàn sử dụng chiêu đoạt tiền tinh vi khác, không cho sập mà cố tình đánh cháy 95% tài khoản của nhà đầu tư. Biết tâm lý nạn nhân tiếc tiền, muốn mau chóng gỡ lại, đội ngũ điều hành sàn yêu cầu nộp thêm vốn để chuyên gia chơi hộ. Nạn nhân thắc mắc hỏi, sàn lấp lửng trả lời "đang đánh hộ cho nhiều người khác, gỡ lại gần xong rồi".
Đến khi xảy ra sập sàn, các nghi phạm sẵn sàng thách thức nạn nhân vì tin rằng mọi thứ diễn ra qua Facebook, kênh chat riêng, nên không ai tìm ra được. Họ cũng lợi dụng tâm lý nhiều nạn nhân là viên chức, người có địa vị, dù mất tiền tỷ cũng không làm đơn tố cáo vì sợ xấu hổ, ảnh hưởng công việc, cuộc sống.
Trước tình trạng này, Bộ Công an cảnh báo, hoạt động của các sàn ngoại hối, tiền ảo, nhị phân tại Việt Nam thực chất là mô hình Ponzi (lấy của người sau trả cho người trước, không tạo ra giá trị cho nền kinh tế) và mô hình này sẽ sụp đổ khi số tiền của nhà đầu tư sau không đủ trả lãi cho các nhà đầu tư trước.
Bộ Công an đang triển khai xử lý quyết liệt các loại sàn giao dịch tài chính.