Xe tự hành Chúc Dung. Ảnh: Twitter
Tờ South China Morning Post dẫn thông báo của Cơ quan Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết xe tự hành Chúc Dung, được đặt tên theo vị thần lửa và chiến tranh của nước này, đã thành công hạ cánh xuống sao Hỏa sau "9 phút kinh hoàng". Đây là cách gọi của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) để chỉ khoảng thời gian khi các kỹ sư trên Trái Đất không thể kiểm soát hoặc giám sát xe tự hành do tín hiệu vô tuyến bị trễ.
Xe tự hành Chúc Dung có 6 bánh, chạy bằng năng lượng mặt trời và nặng khoảng 240 kg. Nó có nhiệm vụ thu thập và phân tích các mẫu đá trên bề mặt sao Hỏa. Dự kiến Chúc Dung sẽ thăm dò "hành tinh Đỏ" khoảng 3 tháng.
Cú hạ cánh thành công đưa Trung Quốc trở thành nước đầu tiên thực hiện 1 lúc 3 hoạt động quay quanh quỹ đạo, đổ bộ và tự hành ngay trong sứ mệnh đầu tiên lên sao Hỏa. Đây là một kỳ tích chưa từng có mà 2 nước từng đến được sao Hỏa, Mỹ và Nga, chưa làm được.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc chạy đua để trở thành nước lãnh đạo công nghệ toàn cầu. Từ trước đến nay, Mỹ là nước dẫn đầu công nghệ không gian nhưng Trung Quốc đang dần bắt kịp.
Trong những năm gần đây, nước này đã phóng vệ tinh lượng tử đầu tiên trên thế giới, hạ cánh an toàn ở phía khuất của Mặt Trăng và dùng robot đem về các mẫu vật. Trung Quốc còn đang bắt tay xây dựng trạm vũ trụ riêng ngoài không gian.
Trước Trung Quốc, chỉ có Mỹ và Liên Xô thực hiện thành công việc đổ bộ nhẹ nhàng tàu vũ trụ lên sao Hỏa. Điều này có nghĩa là tàu vũ trụ thực hiện một cú hạ cánh mà không có bất kỳ thiệt hại đáng kể nào. Nó đòi hỏi các quy trình điều khiển và giảm tốc phức tạp.
Nếu Chúc Dung thành công trong sứ mệnh thu thập và gửi dữ liệu bề mặt sao Hỏa về Trái Đất trong vòng 90 ngày tới, Trung Quốc sẽ trở thành nước thứ 2 hoàn thành nhiệm vụ này sau Mỹ. Vào năm 1971, Liên Xô đã hạ cánh thành công xe tự hành Mars 3 nhưng nó ngừng gửi tín hiệu ngay sau đó.