Doanh nhân Ann Nguyễn, Founder VDES: Xoay chiều theo phút để sống sót
Bài học lớn nhất đối với Ann Nguyễn là luôn “khoanh vùng” những việc đã và đang làm, đồng thời thay đổi nhanh nhất thì mới sống sót và đi tiếp.
Nguyễn Thị Xuân Ngọc (Ann Nguyễn), CEO VDEs.
 
Không chỉ là cảm xúc đọng lại
 
4 năm trước, Giải thưởng Her World Young Achiever ở hạng mục Leadership đã xướng tên Ann Nguyễn (Nguyễn Thị Xuân Ngọc). Giải thưởng nhằm tôn vinh các bạn trẻ người Việt gặt hái được những thành tựu nhất định trong các lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, thời trang, thể thao, kinh doanh… Sự thành công, những nỗ lực của họ đã tạo dấu ấn quan trọng và truyền cảm hứng cho cộng đồng, đồng thời tạo ra ảnh hưởng tích cực trên lĩnh vực mà họ hoạt động.
 
Đối với Ann Nguyễn, việc được xướng tên không chỉ là cảm xúc đọng lại, mà còn mở ra cánh cửa, truyền cảm hứng để cô bền bỉ đi trên con đường đã chọn. Khi nhắc đến hành trình trở thành doanh nhân, ký ức từ thủa ấu thơ lại ùa về với cô. Hồi đó, cô luôn đồng hành với ba mẹ trong mọi việc. Mặc dù nhỏ tuổi, nhưng cô thích lên kế hoạch, thực hiện và nhìn kế hoạch của mình thành hiện thực.
 
Đến lúc đi làm, Ann Nguyễn chọn làm cho các khách sạn, công ty cần tái cơ cấu, hoặc đang xây dựng từ ban đầu. “Công việc sẽ nhiều hơn, đôi lúc nhiều đến nỗi không biết bắt đầu từ đâu. Nhưng tôi thấy được đóng góp nhiều hơn và ý tưởng được ứng dụng đem lại giá trị cho khách hàng và doanh thu của công ty”, cô nói.
 
Năm 2017, Ann Nguyễn chọn khởi nghiệp với Công ty cổ phần Virtual Desire Events (VDES - công ty công nghệ, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào ngành công nghệ sự kiện), sau khi đã hoàn thành trách nhiệm là giám đốc mở cửa 2 khách sạn. Cô kỳ vọng có thể làm một sản phẩm mang lại giá trị cho cộng đồng ngành, cũng như đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn cho các khách hàng quốc tế khi tổ chức sự kiện.
 
“Tôi nghĩ, làm bất cứ công việc nào cũng sẽ thất bại nếu lấy tiền và quyền lực là mục tiêu. Đó chỉ nên được xem xét là một trong những phần thưởng khi công việc thành công mà thôi”, cô nói.
 
Đối với Ann Nguyễn, khởi nghiệp kinh doanh giống như một chiếc tàu lượn siêu tốc, có những lúc thăng, có những lúc trầm, việc la hét hay tận hưởng chuyến đi là lựa chọn của mỗi người. “Mỗi lần muốn từ bỏ, tôi luôn nhìn lại những gì đã làm. Nếu tôi có thể trả lời hầu hết các câu hỏi, thì tôi tự thúc đẩy mình đứng dậy và chiến đấu”, cô chia sẻ
 
Đón đầu nhu cầu dồn nén vì đại dịch
 
Kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, VDES không đạt được hầu hết những dự định đặt ra. Công ty phải thay đổi kế hoạch mỗi phút để thích ứng với tình hình và tồn tại.
 
Năm 2019, khi doanh số đạt triệu USD, Công ty đặt mục tiêu IPO trong vòng 7 năm tới, mở rộng hoạt động ra các thị trường tiềm năng khác như Indonesia hay Thái Lan. Kế hoạch này không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại, nhưng Ann Nguyễn tự tin VDES có thể chiếm thị phần lớn nhất của ngành cưới và sự kiện cá nhân trong 2-3 năm tới.
 
Theo các dự báo kinh tế thế giới, ngành khách sạn, nhà hàng, ẩm thực và trải nghiệm sẽ mất từ 2-4 năm để phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, để mở rộng ra các thị trường khác, cần quan sát từng thị trường và khả năng thích nghi, sự thay đổi của hành vi người dùng sau đại dịch để có thể điều chỉnh.
 
Có 2 câu mà tôi cực kỳ tâm đắc và muốn tiếp thêm động lực cho các bạn trẻ mới start-up là: “Người dũng cảm là người không phải không biết sợ, nhưng dù có sợ thì vẫn cố hết sức mình đi đến phía trước” và “Nếu mình muốn từ bỏ thì hãy nghĩ đến lý do mà mình bắt đầu”.
Rõ ràng, nhu cầu bị dồn nén của người dân trong đại dịch chắc chắn sẽ bùng nổ. Các cặp đôi sẵn sàng rút hầu bao cho ngày trọng đại của họ với sự góp mặt của gia đình và bạn bè. Đây là động lực chính thúc đẩy ngành dịch vụ đám cưới, tổ chức sự kiện, F&B… gặt hái những kết quả tích cực sau đại dịch, thậm chí còn tốt hơn mức trước đại dịch.
 
Nhu cầu bùng nổ cũng khiến không ít người khó chọn được địa điểm và thời gian tổ chức ưng ý. Đó là lúc các ứng dụng thương mại điện tử làm cầu nối như VDES ăn nên làm ra. Với VDES, chỉ bằng vài cú nhấp chuột, việc đặt tiệc, tổ chức sự kiện, địa điểm rất dễ dàng, tiết kiệm.
 
Trong 2 năm đối mặt với đại dịch, số hợp đồng của VDES không hề suy giảm, mà vẫn tăng trưởng đều hằng năm 10-30%. Do khách hàng của VDES đến nhiều từ mảng cưới, lên kế hoạch và có dự phòng kinh phí từ trước, nên họ không huỷ nhiều, mà chỉ tạm hoãn, đợi dịch ổn định sẽ tổ chức lại. Tuy nhiên, đã có rất nhiều thay đổi dựa trên nhu cầu của khách: thời gian tổ chức ngắn hơn, kinh phí được cân nhắc chi tiết hơn.
 
Ngoài ra, các đối tác của VDES đang phải giải quyết nhiều vấn đề để có thể duy trì và chờ đợi khi thị trường phục hồi. Để đồng hành, hỗ trợ khách hàng và đối tác, VDES đã cho ra nhiều gói dịch vụ từ truyền thông, phần mềm và tư vấn với mức giá thật cạnh tranh. Thời điểm này, hệ thống của VDES cũng được nâng cấp thêm nhiều tính năng như báo giá nhanh, giao diện website mới, phần mềm quản lý của đối tác để tăng trải nghiệm người dùng.
 
Các cặp đôi sẽ được trải nghiệm công nghệ thực tế ảo 360 độ, tham quan địa điểm trực tuyến với hình ảnh chân thực, mà không cần di chuyển. Tất cả các hoạt động tư vấn 24/24h, tìm kiếm thông tin địa điểm và nhà cung cấp dịch vụ đều hoàn toàn miễn phí. Đồng thời, tính năng báo giá so sánh giữa các địa điểm rất hữu ích, giúp các cặp đôi dễ dàng đưa ra lựa chọn tối ưu nhất, tiết kiệm chi phí, thời gian và công sức.
 
Là sàn thương mại điện tử tiên phong trong ngành sự kiện, VDES đã và đang cung cấp nhiều giải pháp hữu hiệu, mang đến cho cả người tổ chức và tham gia sự kiện những trải nghiệm có giá trị. Điều này góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành sự kiện Việt Nam trong tương lai và kéo theo sự phát triển của các ngành khác như du lịch nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn...
 
“Đối đầu” với các ông lớn ở châu Á
 
Nguyễn Thị Xuân Ngọc (Ann Nguyễn), CEO VDEs.
 
Các nhà đầu tư đã và đang làm việc với Ann Nguyễn đều cho rằng, dù xuất phát từ gia đình khá giả, nhưng cô là tuýp người cần mẫn, chịu khó, không cần giúp đỡ từ người thân khi lao vào start-up. Dù phải đánh đổi nhiều thời gian, công sức và tinh thần cho VDES, nhưng cô luôn rất đam mê với lĩnh vực mà mình cảm thấy có thế mạnh nhất.
 
Cô hiểu được cả cái khó của người làm trong ngành này và của khách hàng, đặc biệt với các sự kiện mà cả đời chỉ mong muốn trải qua một lần như cưới hỏi. Cũng vì thế, ngoài những giá trị đầu tư tài chính, cô phải dành cả tâm huyết và sự đánh đổi, chấp nhận thách thức để kiên trì theo đuổi.
 
Với VDES, Ann Nguyễn chưa từng đặt mục tiêu trở thành công ty được kính nể nhất trong ngành. Từ khi bắt tay gây dựng VDES đến nay, điều cô kỳ vọng nhất là sẽ mở rộng, tạo tiềm năng và định vị thế mạnh của ngành sự kiện Việt Nam. “VDES sẽ được biết đến là doanh nghiệp có tính dẫn dắt thị trường trong bối cảnh công nghệ hóa 4.0. Ngành sự kiện Việt Nam sẽ được số hóa, vừa khai thác thế mạnh truyền thống, vừa nắm bắt, phát triển theo xu hướng chung thế giới”, cô chia sẻ.
 
Hoài bão lớn nhất của cô và các cộng sự là VDES có thể nhanh chóng mở rộng mô hình trong toàn thị trường khu vực châu Á, cạnh tranh trực tiếp với các mô hình tương tự của Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore. Đồng thời có thể khai thác sâu rộng và phát triển toàn diện hệ sinh thái ngành sự kiện ở Việt Nam như các quốc gia khác đã làm được.
 
Kết nối và đồng hành chính là chìa khóa để Ann Nguyễn tạo ảnh hưởng và thay đổi cục diện của ngành, cũng như đạt tham vọng gây được ảnh hưởng ở châu Á của mình. “Chúng tôi không thể tạo được ảnh hưởng nếu không có sự ủng hộ của các đối tác cung cấp dịch vụ sự kiện”, cô nói.
 
Ngành sự kiện ở Việt Nam vẫn nặng tính truyền thống và yêu cầu trải nghiệm cao. VDES muốn dùng sức mạnh của công nghệ và thông tin dữ liệu để có thể đưa ra được các vấn đề cần giải quyết và cùng các đối tác giải quyết. Việc đưa các đối tác lên sàn thương mại điện tử với thông tin minh bạch, rõ ràng, giá tốt nhất cũng đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, đồng thời nâng tầm dịch vụ sự kiện của Việt Nam so với Bali (Indonesia) hay Thái Lan.
 
Cuối cùng, khi quy mô ngày một lớn, VDES luôn phải giữ nguyên nhiều yếu tố là sự minh bạch, thẳng thắn, đặt khách hàng làm trung tâm, sự tâm huyết với nghề... Với mô hình hiện tại, cho dù thời điểm trước, trong hay sau dịch, lúc lao đao hay có điều kiện để phát triển, thì Ann Nguyễn cho rằng, văn hóa doanh nghiệp luôn phải được giữ gìn ở mức tốt nhất.
 
 
Ann Nguyễn
 
Từng là General Manager trẻ nhất trong ngành hospitality Việt Nam (30 tuổi). Cô đã trải qua gần thập kỷ làm trong ngành quản lý khách sạn và sự kiện, từng làm Tổng quản lý của 3 khách sạn lớn tại Bali, Việt Nam. Trong đó, khách sạn lớn nhất cô từng làm việc trên cương vị Tổng giám đốc có 258 phòng, với 400 nhân viên và doanh thu lên đến 10 triệu USD mỗi năm.
 
Trong các dự án, cô tham gia từ giai đoạn tiền khai trương và xây dựng công trình đến khi trở thành một khách sạn hoàn chỉnh và có thể mang đến lợi nhuận. Cô từng là Quản lý điều hành và đồng sáng lập Hội Cựu sinh viên Thụy Sỹ tại Việt Nam.
 
Hiện cô là tư vấn quản lý của chuỗi thực phẩm sạch Good Earth Foods Việt Nam, chuyên nhập khẩu và phân phối thực phẩm chất lượng từ Mỹ, Australia, Canada.