Một số cán bộ, sĩ quan có dấu hiệu tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất hàng giả
Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho biết tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là một số cán bộ, công chức, sĩ quan có dấu hiệu tiêu cực, tiếp tay cho buôn lậu.
Phát biểu khai mạc Hội nghị giao ban quý 3 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) sáng 14-10, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết 9 tháng qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế trong nước.
 
Các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện và xử lý hơn 100.000 vụ vi phạm. Điển hình là vụ sản xuất 2,7 triệu tấn xăng, dầu giả được Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện và xử lý hồi tháng 2.
 
Nêu báo cáo chi tiết về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, theo ông Lê Thanh Hải - chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, lợi dụng tình hình dịch COVID-19, các mặt hàng chủ yếu được buôn lậu liên quan đến phòng chống dịch là khẩu trang, thuốc điều trị COVID-19, máy tạo oxy, que test COVID-19…
 
Các đối tượng, tổ chức buôn lậu, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đặc biệt lợi dụng bán hàng qua kênh thương mại điện tử (online) gia tăng. 
 
So với cùng kỳ năm ngoái, số vụ việc vi phạm được phát hiện và xử lý là 100.290, giảm gần 300%. Nhưng số vụ khởi tố là 1.615, tăng hơn 90% với 2.148 đối tượng.
 
Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng buôn lậu, gian lận vẫn phức tạp, nhất là một số vụ việc lớn, ông Lê Thanh Hải cho rằng có tình trạng thiếu kiểm tra giám sát, để cán bộ, chiến sĩ, tiếp tay cho buôn lậu.
 
Đặc biệt qua xử lý nhiều vụ việc, các lực lượng chức năng đã phát hiện một số cán bộ, công chức, sĩ quan có dấu hiệu tiêu cực, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
 
Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định đây là việc hết sức nghiêm trọng.
 
Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, trong thời gian tới, khi chúng ta từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa nền kinh tế, dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả sẽ vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, những tháng cuối năm là dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao.
 
Do đó, theo Phó thủ tướng, phải có nghiệp vụ ngăn chặn không làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới. 
 
Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, một nhiệm vụ trọng tâm quý 4 là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, phát hiện xử lý kịp thời những cán bộ, công chức, sĩ quan có dấu hiệu tiêu cực, bảo kê tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
 
Đồng thời, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm soát tuyến biên giới, trên biển, nhất là đường mòn, lối mở nhằm phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý những hành vi buôn lậu, hàng giả đối với các mặt hàng là trang thiết bị, vật tư y tế liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, hàng thiết yếu phục vụ đời sống như xăng dầu khi giá có xu hướng tăng cao.
 
"Các lực lượng chức năng phải phối hợp chặt chẽ, có giải pháp để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm những vụ việc gian lận, buôn lậu, hàng giả trong thời gian tới, đảm bảo cho môi trường kinh doanh an toàn và thuận lợi. Cần tập trung kiểm soát, kiểm tra hoạt động thương mại điện tử khi kinh doanh online ngày càng phát triển..." - phó thủ tướng nhấn mạnh.