Việt Nam đặt mục tiêu có 10 doanh nghiệp công nghệ số đạt doanh thu trên 1 tỷ USD
Việt Nam đặt mục tiêu hình thành ít nhất 10 doanh nghiệp công nghệ số, có năng lực cạnh tranh quốc tế và có doanh thu trên 1 tỷ USD vào năm 2025.
Việt Nam có thêm 5.600 doanh nghiệp công nghệ số
Năm 2021 là một năm ghi dấu nhiều chuyển biến trong hoạt động của ngành ICT khi khung hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đang được xây dựng và dấu ấn của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam với những đóng góp to lớn trong việc chung tay phòng, chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế.
Theo số liệu Bộ TT&TT, doanh thu ngành công nghiệp ICT năm 2021 đạt 136.153 triệu USD, tăng trưởng so với con số trên 124.678 triệu USD năm 2020.
Năm 2021 ghi dấu ấn bởi số lượng doanh nghiệp ICT tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đó, Việt Nam hiện có 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, tăng thêm 5.600 doanh nghiệp so với năm 2020 và có gần 1.000 sản phẩm, dịch vụ ICT thương hiệu Việt Nam.
Dù còn chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng doanh thu của các doanh nghiệp Việt Nam đạt 18.779 triệu USD, chiếm 13,8% doanh thu chung toàn ngành. Theo tính toán, tỷ lệ giá trị Việt Nam trong doanh thu ngành đạt 24,65%, tăng đáng kể so với những năm trước đó.
Mức tăng trưởng doanh thu công nghiệp ICT năm 2021.
Theo nhận định của Bộ TT&TT, dù đạt được nhiều thành tựu nhưng công nghiệp ICT vẫn còn một số khó khăn. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đòi hỏi sự điều chỉnh trong khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp công nghệ số hoạt động và sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, trên 90% doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tiềm lực đầu tư cho nghiên cứu phát triển các sản phẩm, giải pháp, nền tảng công nghệ số mới còn hạn chế. Nhân lực CNTT vừa yếu và thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu trong giai đoạn mới.
Nhiều địa phương chưa quan tâm, tập trung xây dựng kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030; còn nhiều khó khăn trong bố trí ngân sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghệ số.
Theo kế hoạch, năm 2022, Bộ TT&TT sẽ tham mưu xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp công nghệ số.
Xây dựng và bảo vệ được không gian tăng trưởng và phát triển kinh tế số dựa trên các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, sản xuất, cung cấp, ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ của ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Định hướng đến năm 2025, ngành công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông với tầm nhìn và sứ mệnh mới là dịch chuyển từ gia công, lắp ráp sang Make in Viet Nam, làm sản phẩm tại Việt Nam, làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ, trong đó tỷ trọng Make in Viet Nam vào năm 2025 đạt trên 45%.
Phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đạt số lượng 100.000 doanh nghiệp vào năm 2025. Hình thành ít nhất 10 doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế, doanh thu trên 1 tỷ USD.
Phấn đấu cả nước có ít nhất 10 địa phương đạt doanh thu công nghiệp CNTT trên 1 tỷ USD. Hình thành từ 10 đến 12 khu CNTT tập trung và thành viên Chuỗi Khu công viên phần mềm Quang Trung.
Đồng thời, đưa tốc độ tăng trưởng doanh thu công nghiệp CNTT bằng từ 2 đến 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Giá trị tăng thêm của doanh nghiệp công nghệ số Make in Viet Nam tăng gấp 2 lần và hình thành Quỹ Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam với nguồn vốn huy động từ xã hội hóa.
Duy Vũ