Trụ sở Công ty Hồng Phát
Văn bản số 81/CV-CPHP.21 ngày 01/12/2021 của Công ty Hồng Phát
6 nội dung kiến nghị mới của Công ty Hồng Phát
Sau một thời gian gián đoạn vì tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Cục THADS tỉnh Long An đã “củng cố” nhân sự để tiếp tục tổ chức thi hành Phán quyết số 29/12 ngày 25/4/2013 của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - VIAC (Phán quyết Trọng tài). Theo đó, ngày 4/11/2021, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An Bùi Phú Hưng kí Văn bản số 06/TB-CTHADS phân công Chấp hành viên Lê Đức Thọ thay Chấp hành viên Đặng Hoàng Yên thi án phán quyết Trọng tài nêu trên.
Chấp hành viên Đặng Hoàng Yên chính là người kí Quyết định số 07/QĐ-CTHADS (Quyết định 07) ngày 18/12/2018, ngăn chặn toàn bộ 13 Quyền sử dụng đất, với 232,66 ha của Công ty Hồng Phát. Cục trưởng Bùi Phú Hưng ký Quyết định số 06/QĐ-CTHADS ngày 6/3/2019 (Quyết định 06), “giữ y Quyết định 07” vì cho là cần thiết và tạo điều kiện cho Công ty Hồng Phát và CPL thoả thuận thi hành Phán quyết Trọng tài.
Đây được xem là hai quyết định gây phản ứng dư luận mạnh nhất trong lĩnh vực thi hành án nhiều năm qua. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác THADS năm 2022 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã đưa ra dẫn chứng hai vụ tổ chức thi hành án “phức tạp, ồn ào thời gian dài”, trong đó có vụ liên quan đến Công ty Hồng Phát, mà nguồn cơn cũng từ Quyết định 07 và Quyết định 06 “giữ y Quyết định 07”. Tổng cục trưởng Tổng cục THADS cho biết, vụ việc nhận được sự quan tâm lớn của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.
Sau khi được phân công, Chấp hành viên Lê Đức Thọ đã mời Công ty Hồng Phát họp “giải quyết thi hành án” vào ngày 1/12/2021. Chấp hành viên Đặng Hoàng Yên cũng có mặt tại cuộc họp, được phân công ghi biên bản! Tại cuộc họp, bà Thái Thị Hồng Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty Hồng Phát trình bày, kèm theo Văn bản số 81/CV-CPHP.21 dài 9 trang. Trước đó, ngày 5/11/2021, Công ty Hồng Phát đã có Văn bản số 75/CV-CPHP.21 gửi Cục THADS tỉnh Long An phản hồi một số nội dung liên quan việc thi hành Phán quyết Trọng tài.
Công ty Hồng Phát kiến nghị Cục THADS tỉnh Long An 6 vấn đề như sau:
1) Cục THADS tỉnh Long An ban hành văn bản chấm dứt thực hiện Quyết định 07 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho Công ty Hồng Phát, cũng là giảm nhẹ phần nào trách nhiệm của những đơn vị, cá nhân liên quan. Trường hợp Cục THADS tỉnh Long An tiếp tục duy trì Quyết định 07 thì phải tiến hành xử lý các bước tiếp theo đối với khối tài sản của Công ty Hồng Phát theo đúng Luật THADS và quy định của pháp luật hiện hành.
2) Cục THADS tỉnh Long An yêu cầu CPL nghiêm túc thực thi Phán quyết Trọng tài và Thoả thuận khung, trong đó có hai nội dung thuộc trách nhiệm của CPL được quy định rõ trong Thoả thuận khung là CPL phải hoàn thành nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ bản và thiết kế chi tiết cho Dự án; và CPL phải chứng minh đã thu xếp đủ nguồn tài chính cho phát triển Dự án.
3) Cục THADS tỉnh Long An yêu cầu CPL từ bỏ việc đòi “chia 130ha đất” hoàn toàn trái quy định của pháp luật; đồng thời CPL phải có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng, khẳng định từ bỏ yêu cầu “chia, tách Dự án, chia đất”, khi đó mới có căn cứ tiếp tục thi hành Phán quyết Trọng tài. Cục THADS tỉnh Long An chấm dứt ghi vào biên bản yêu cầu chia đất của CPL. Nếu CPL vẫn yêu cầu đòi “chia 130ha đất”, đề nghị Cục THADS tỉnh Long An xử lý CPL theo đúng quy định của Luật THADS.
4) Tiếp theo Văn bản số 458/CV-CTHADS ngày 5/10/2018 của Cục THADS tỉnh Long An, đề nghị Cục THADS tỉnh Long An tiếp tục có văn bản gửi Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng, tìm biện pháp xử lý khi Phán quyết Trọng tài không thể thi hành được bởi những lý do đã được Cục THADS tỉnh Long An nêu rõ trong Văn bản số 458/CV-CTHADS.
5) Cục THADS tỉnh Long An kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp xử lý đối với Văn bản số 123/BC-BTP ngày 4/6/2018, kết luận nhiều nội dung, trong đó điểm mấu chốt “Phán quyết Trọng tài rất khó để tổ chức thi hành trên thực tế” và “Không có cơ sở để áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản của Công ty Hồng Phát”. Văn bản này được Thủ tướng Chính phủ thông qua và có chỉ đạo cụ thể tại Văn bản 8248/VPCP-V.I ngày 31/8/2018.
6) Cục THADS tỉnh Long An kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Long An khẩn trương thu hồi chỉ đạo buộc tạm ngưng triển khai Dự án kéo dài đã 2 năm 18 ngày (tính đến ngày 1/12/2021), tạo điều kiện cho Công ty Hồng Phát tiếp tục triển khai Dự án theo Luật Đầu tư và các quy định pháp luật có liên quan, nhằm tránh gây thêm thiệt hại chồng chất cho chủ đầu tư Dự án.
Trợ giúp pháp lý cho Công ty Hồng Phát, Luật sư Nguyễn Thế Phong, Đoàn Luật sư tỉnh Long An, trình bày: Để thành lập Công ty Liên doanh, hai bên phải đàm phán kí Hợp đồng liên doanh. Là chủ đầu tư Dự án, Công ty Hồng Phát đã nhiều lần đưa ra đề nghị liên doanh nhưng CPL không hợp tác. Cục THADS tỉnh Long An tổ chức thi hành Phán quyết Trọng tài, nếu hai bên không thể thoả thuận được thì đề nghị Cục THADS tỉnh Long An phải có hướng giải quyết dứt điểm việc thi hành án, tạo điều kiện cho Công ty Hồng Phát tiếp tục triển khai Dự án theo quy định của pháp luật.
Chấp hành viên Lê Đức Thọ ghi nhận toàn bộ những vấn đề mà Công ty Hồng Phát trình bày và kiến nghị. Cục THADS tỉnh Long An tiếp tục thi hành Phán quyết Trọng tài theo quy định, đề nghị Công ty Hồng Phát thoả thuận thành lập Công ty liên doanh với CPL, theo hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An.
Phó Tổng giám đốc Thái Thị Hồng Hậu, bày tỏ: “Tuy mới được phân công nhưng Chấp hành viên Lê Đức Thọ đã nhận rõ bản chất của việc thành lập Công ty liên doanh là phải “thoả thuận”. Mà thoả thuận thì mang tính tự nguyện giữa các bên, không ai được quyền ép buộc, hay làm thay. Pháp luật quốc tế và Việt Nam đều thừa nhận nguyên tắc tối thượng trong giao dịch dân sự là tự nguyện và cùng có lợi. Công ty Hồng Phát vẫn luôn cầu thị, mong muốn có sự hợp tác bền vững, lâu dài, tôn trọng lẫn nhau để cùng triển khai thực hiện Dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư và các quy định pháp luật có liên quan. Mọi nỗ lực của Hồng Phát trở nên vô nghĩa khi mà CPL hoàn toàn không muốn thoả thuận và cũng không hề muốn lập Công ty liên doanh. Rất nhiều bằng chứng để chứng minh việc này, rõ nhất là suốt 3 năm qua CPL trước sau chỉ muốn “khai tử” Phán quyết Trọng tài, một mực đòi chia 130 ha đất để làm dự án riêng, …”.
CPL tự cho mình “có quyền, nhưng không có nghĩa vụ”?
Theo dõi sát vụ tranh chấp Thoả thuận khung, Tạp chí Người cao tuổi, Tạp chí Ngày mới online nhận thấy: Tất cả 6 vấn đề mà Công ty Hồng Phát kiến nghị là xác đáng, có căn cứ vững chắc. Phía CPL cũng vừa có 2 Văn bản đề ngày 8/11/2021 và 8/12/2021 gửi Cục THADS tỉnh Long An và cơ quan chức năng, tiếp tục quy kết, đổ hết lỗi và trách nhiệm cho Công ty Hồng Phát. Không dừng lại, CPL có dấu hiệu xúc phạm khi cáo buộc Công ty Hồng Phát đã và đang tước đoạt lợi ích hợp pháp của CPL từ “khoản đầu tư” theo Thỏa thuận khung?
Nhóm phóng viên đã có buổi trao đổi với đại diện Công ty Hồng Phát xung quanh 2 Văn bản của CPL. Bà Thái Thị Hồng Hậu khẳng định: “Công ty Hồng Phát trân trọng cảm ơn Tạp chí Người cao tuổi và Tạp chí Ngày mới online cùng nhiều cơ quan báo, đài cả nước thời gian qua đã quan tâm, theo sát vụ tranh chấp, có nhiều loạt bài điều tra, phản ánh, để công luận cũng như các cơ quan chức năng thấy rõ hơn về một loạt hành vi gian dối, bất chấp pháp luật của CPL. Nhận thấy, những nội dung chính trong 2 Văn bản mới của CPL đều là “bổn cũ soạn lại”, nhưng một lần nữa CPL lại cố tình vu cáo, xúc phạm nghiêm trọng đến Công ty Hồng Phát. Do đó, để rộng đường dư luận, chúng tôi sẽ trình bày rõ từng nội dung cụ thể để công luận thấy rõ hơn về những hành vi thể hiện sự lật lọng, vu cáo của CPL”.
Phóng viên đề cập vấn đề đầu tiên mà CPL đã quy kết trong 2 Văn bản ngày 8/11/2021 và 8/12/2021, CPL cho rằng: “Hồng Phát là bên có nghĩa vụ theo Phán quyết Trọng tài chứ không phải CPL”. Trước đó, CPL tự cho mình “có quyền, nhưng không có nghĩa vụ chấp nhận các yêu cầu hay điều kiện bổ sung của Hồng Phát”. CPL đã nhiều lần gửi dự thảo “Hợp đồng liên doanh” để thành lập Công ty liên doanh theo Phán quyết Trọng tài, nhưng Công ty Hồng Phát từ chối với nhiều lý do không có cơ sở, đưa ra những yêu cầu hết sức vô lý. Thực tế, Hồng Phát dường như chưa làm bất kỳ điều gì ngoài việc nêu ra những lập luận, dẫn chứng không có cơ sở pháp lý.
Đại diện Công ty Hồng Phát trình bày: Phán quyết Trọng tài do Hội đồng VIAC gồm 3 ông Nguyễn Chính, Đặng Hùng Võ và Chu Khắc Hoài Dương “phán”, đã được dư luận chỉ ra có ít nhất “3 sai”, lộ rõ dấu hiệu vi Hiến nhưng đã có hiệu lực nên Công ty Hồng Phát phải tuân thủ. Công ty Hồng Phát có đầy đủ bằng chứng để chứng minh, từ năm 2015, Công ty Hồng Phát lập dự thảo, nhiều lần gửi cho CPL để thỏa thuận lập Công ty liên doanh nhưng CPL phớt lờ, không hồi âm. Trong khi chiếu theo mục (B) của Thỏa thuận khung, CPL và Công ty Hồng Phát phải kí kết một “Hợp đồng liên doanh để thành lập Công ty liên doanh”. Hơn ai hết, CPL biết rõ, muốn kí kết Hợp đồng liên doanh, hai bên phải ngồi lại đàm phán, đạt được thoả thuận.
Phần nội dung Quyết định của Phán quyết Trọng tài, thể hiện "3 sai" |
Theo Thoả thuận khung, tổng vốn đầu tư cho Dự án giai đoạn I (với 273ha) là 140 triệu USD; CPL góp 70% bằng tiền mặt, Công ty Hồng Phát góp 30% bằng Quyền sử dụng đất. Như vậy, nếu Công ty liên doanh được thành lập, thì CPL phải góp 98 triệu USD để phát triển Dự án. Sau khi tạm ứng 15,6 triệu USD để chi cho bồi thường về đất, CPL đã bỏ rơi chủ đầu tư từ ngày 10/7/2008 đến nay. Để Dự án phát triển như hiện tại, Công ty Hồng Phát đã đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, thực hiện mọi công việc “từ A tới Z”.
Hồ sơ thể hiện, từ năm 2018 trở về trước, CPL đã thừa nhận toàn bộ chi phí mà Công ty Hồng Phát đã đầu tư phát triển Dự án nên đồng ý đàm phán, thoả thuận lại nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của hai bên. Cụ thể, tại cuộc họp “thống nhất việc thi hành án” do Cục THADS tỉnh Long An tổ chức ngày 10/1/2018 (kèm theo biên bản), có 2 phương án để thành lập Công ty liên doanh được đưa ra:
Phương án 1: Điều chỉnh tỷ lệ vốn góp.
Phương án 2: Giữ nguyên tỉ lệ 30% và 70% nhưng CPL phải hoàn lại cho Công ty Hồng Phát số tiền tương ứng với giá trị đầu tư mà Công ty Hồng Phát đã đầu tư thực hiện Dự án từ năm 2008 đến nay. Sau đó, 2 bên mới tiến tới thỏa thuận các điều kiện chi tiết để xác lập Hợp đồng liên doanh và tiến hành thủ tục thành lập Công ty Liên doanh theo Thỏa thuận khung.
Qua thảo luận, CPL và Công ty Hồng Phát thống nhất chọn “Phương án 2”. Tại cuộc họp “thống nhất việc thi hành án” do Cục THADS tỉnh Long An tổ chức ngày 7/2/2018, hai bên tiếp tục chọn “Phương án 2” nhưng chưa thống nhất đơn vị kiểm toán để xác định chi phí mà Công ty Hồng Phát đã đầu tư.
Cho đến ngày 14/11/2018, tại cuộc họp với lãnh đạo Tổng cục THADS - Bộ Tư pháp, CPL tái khẳng định “CPL đồng ý trả chi phí phát triển Dự án; chấp nhận bên kiểm toán do Hồng Phát đưa ra…”.
Biên bản họp “thống nhất việc thi hành án” do Cục THADS tỉnh Long An tổ chức ngày 10/1/2018, hai bên thống nhất chọn: Phương án 2 |
Biên bản họp với lãnh đạo Tổng cục THADS ngày 14/11/2016, CPL tái khẳng định “CPL đồng ý trả chi phí phát triển Dự án, chấp nhận bên kiểm toán do Hồng Phát đưa ra…”. |
Tuy nhiên, ngay sau khi “khiển” được Cơ quan thi hành án tái lập lệnh “cấm vận” chủ đầu tư bằng Quyết định 07 ngày 18/12/2018 ngăn chặn toàn bộ 13 Quyền sử dụng đất, với 232,66 ha của Công ty Hồng Phát, CPL bắt đầu “giở quẻ”. Tại cuộc họp ngày 7/1/2019 với Cục THADS tỉnh Long An, CPL đề cập đến “khả năng hai bên không tìm được tiếng nói chung”.
Đến khi Cục trưởng Bùi Phú Hưng ký Quyết định số 06 ngày 6/3/2019, “giữ y Quyết định 07”, thì CPL lộ nguyên hình: CPL muốn “trảm” Phán quyết Trọng tài, “khai tử” Dự án, ra yêu sách đòi “chia 130 ha đất”, cắt ra từ 13 Quyền sử dụng đất của Hồng Phát. Tại cuộc họp ngày 1/4/2019 với Cục THADS tỉnh Long An, CPL chính thức trở mặt, không đàm phán, kí Hợp đồng liên doanh với Hồng Phát nữa, mà đòi “tách Dự án, chia 130 ha đất” để làm dự án riêng mang tên “Saigon Beverly Hills”.
|
Quyết định 07 ban hành thể hiện trái pháp luật, kéo dài hơn 3 năm vẫn chưa chấp dứt thi hành |
Ngày 15/8/2019, CPL có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, xác định:“Mâu thuẫn giữa CPL và Công ty Hồng Phát kéo dài, không thể tháo gỡ, hai bên hợp tác thành lập Công ty liên doanh là không còn khả thi nên “chia đất” cho CPL là giải pháp duy nhất để giải quyết dứt điểm tranh chấp” (?!).
Đến ngày 13/7/2020, theo yêu cầu của Cục THADS tỉnh Long An, CPL chẳng đặng đừng mới có Văn bản “đề xuất thành lập Công ty liên doanh”. Nhưng CPL cho rằng đã thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ nên “CPL có quyền, nhưng không có nghĩa vụ chấp nhận các yêu cầu hay điều kiện bổ sung của Công ty Hồng Phát”. Điều này đồng nghĩa với việc CPL muốn có 70% vốn góp trong Công ty liên doanh nhưng lại không chấp nhận hoàn trả chi phí mà Công ty Hồng Phát đã đầu tư (?!). Thực tế, vì CPL muốn “trảm” Phán quyết Trọng tài nên mới cố tình lật lọng để khỏi đàm phán kí Hợp đồng liên doanh với Hồng Phát.
Bằng chứng là chỉ một tuần sau đó, tại cuộc họp ngày 20/7/2020 với Cục THADS tỉnh Long An, CPL lại “bảo lưu” việc “chia 130 ha đất”. Thực tế, suốt gần 3 năm qua, CPL đã có hàng chục lần đòi “chia 130 ha đất”. Như vậy, đích cuối cùng của CPL là “130 ha đất”, chứ không hề muốn thực thi Phán quyết Trọng tài, lập liên doanh với Công ty Hồng Phát. Vì không muốn lập Công ty liên doanh nên CPL không ngần ngại “vặn nài, bẻ ống”, và chẳng chút ngượng khi trở mặt, lật lọng. Trong văn bản mới nhất, CPL cho rằng “Công ty Hồng Phát là bên có nghĩa vụ theo Phán quyết Trọng tài chứ không phải CPL” (?!).
Trong Văn bản ngày 13/7/2020, CPL cho rằng “CPL có quyền, nhưng không có nghĩa vụ chấp nhận các yêu cầu hay điều kiện bổ sung của Hồng Phát”. |
Phó Tổng giám đốc Thái Thị Hồng Hậu cho rằng: “Đến lúc này, các cơ quan chức năng, nhất là Cục THADS tỉnh Long An, đã nhận ra CPL có “dã tâm thâu tóm 130ha đất”, nên không thi hành Phán quyết Trọng tài suốt gần 3 năm qua. CPL tự cho mình có cái quyền “ăn trên ngồi trốc”, trịch thượng, thể hiện bỡn cợt pháp luật Việt Nam. Cho đến nay, ngoài khoản tạm ứng 15,6 triệu USD có dấu hiệu trái pháp luật (chúng tôi sẽ trình bày rõ số ngoại tệ này ở phần sau), CPL không còn đóng góp gì khác. Đã vậy, CPL còn có hành vi đòi “chia 130 ha đất” thể hiện ra sức chống phá làm tê liệt Dự án. Trong khi đó, Công ty Hồng Phát đã đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, đã và đang làm tất cả những gì có thể làm được để Dự án không bị thu hồi, mà còn phát triển theo tiến độ”.
Tái diễn chiêu “vừa ăn cướp, vừa la làng”
Trong 2 Văn bản ngày 8/11/2021 và 8/12/2021, CPL quy kết Hồng Phát lặp lại cách hành xử trong nhiều năm qua là “cáo buộc CPL vi phạm pháp luật về đầu tư và ngoại hối”. Đây là cách để Công ty Hồng Phát trốn tránh thực hiện nghĩa vụ của mình theo Phán quyết Trọng tài. Quyền và lợi ích hợp pháp của CPL từ khoản đầu tư theo Thỏa thuận khung cũng như cam kết bảo hộ đầu tư của Nhà nước Việt Nam đã và đang bị tước đoạt bởi Công ty Hồng Phát.
Trong Văn bản mới nhất ngày 8/12/2021, CPL tái khẳng định “Hồng Phát là bên có nghĩa vụ theo Phán quyết Trọng tài chứ không phải CPL” |
Phản ứng của Công ty Hồng Phát: CPL vi phạm pháp luật về đầu tư và ngoại hối đã được dư luận báo chí chỉ ra thời gian qua. Việc này cũng được Bộ Công an khẳng định tại Văn bản số 1606/ANCTNB-P4 ngày 7/11/2018: CPL được Công ty mẹ Chuang’s Consortium International Limited (Công ty Chuang’s) lập ra tại British Virgin Islands - BVI, là “thiên đường thuế” số 1 thế giới. Quần đảo nhỏ bé này càng nổi tiếng hơn sau vụ rò rỉ tài liệu “Hồ sơ Panama”, đã hé lộ hàng vạn “công ty vỏ bọc” được thành lập tại BVI, với văn phòng chỉ là “chiếc hòm thư”, có dấu hiệu nhằm mục đích trốn thuế, rửa tiền, lập quỹ đen, chuyển giá… Bản thân Công ty Chuang’s được lập ra tại Bermuda, cũng là một “thiên đường thuế”.
Sinh ra tại BVI ở tận vùng biển Caribe xa xôi, nhưng mọi liên lạc, giao dịch của CPL đều diễn ra ở Hongkong. Theo Bộ Công an, Chuang’s lập CPL tại “thiên đường thuế” nhằm phục vụ cho “những mục đích đặc biệt” (Special Purpose Vehicle - SPV).
CPL và Công ty mẹ Chuang’s đã đưa Dự án lên Sàn chứng khoán Hongkong trái pháp luật, hô biến thành “Saigon Beverly Hills” với 273ha đất vô cùng hoành tráng; trong đó, CPL sở hữu 70%. |
Có lẽ vì “những mục đích đặc biệt” nên CPL không thành lập pháp nhân đăng ký kinh doanh tại Việt Nam cũng như không thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư đối với Dự án. Suốt hơn 14 năm có mặt ở Việt Nam, CPL luôn là doanh nghiệp có ít nhất “3 không”: Không xin phép mở Văn phòng đại diện; không lập hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đầu tư dự án; không đăng ký với Ngân hàng Nhà nước khi chuyển ngoại tệ vào Việt Nam…
Báo chí cũng nêu rõ việc CPL chuyển vào Việt Nam 15,6 triệu USD, khi chưa được cấp phép đầu tư cũng như chưa được cấp phép hoạt động thương mại tại Việt Nam là trái với quy định của pháp luật về đầu tư và thương mại. Về nguồn gốc của số ngoại tệ 15,6 triệu USD đến nay, chưa có các cơ quan chức năng nào của Việt Nam tiến hành xác minh, làm rõ, kết luận đây là tiền hợp pháp hay “tiền đen”, đưa vào Việt Nam với mục đích “rửa tiền”?
Thông qua nhiều luật sư Việt Nam hỗ trợ pháp lý, CPL chắc chắn hiểu rõ pháp luật Việt Nam, nhất là về đầu tư, tiền tệ. Thế nhưng, CPL vẫn luôn làm ăn kiểu “3 không”. Điều này cũng được Bộ Công an khẳng định tại Văn bản số 1606/ANCTNB-P4 ngày 7/11/2018: “Đến nay CPL không có thông tin về đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh và chưa được cấp phép hoạt động thương mại tại Việt Nam”.
Xem thường pháp luật Việt Nam, CPL bất chấp pháp luật tại Hồng Kông khi có dấu hiệu lừa gạt các cổ đông. Chỉ 20 ngày sau khi ký Thỏa thuận khung, Dự án lúc này chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư, toàn bộ 273ha vẫn thuộc quyền của các hộ dân. Thế nhưng CPL và Công ty mẹ Chuang’s đã đưa Dự án lên Sàn chứng khoán Hongkong, “hô biến” thành “Saigon Beverly Hills” với 273ha đất vô cùng hoành tráng; trong đó, CPL sở hữu 70%. Đây là hành vi thể hiện sự gian dối mang tính cố ý của CPL và Chuang’s, bởi ở Việt Nam không có Dự án nào mang tên “Saigon Beverly Hills”. Mục đích của họ là để các cổ đông và nhà đầu tư lầm tưởng CPL đang sở hữu dự án bất động sản rất lớn tại Việt Nam nên mạnh dạn bỏ tiền đầu tư làm cổ phiếu tăng giá, giúp hai “mẹ con” Chuang’s - CPL thu lợi hơn 80 triệu USD. CPL phủ nhận việc trục lợi nhưng không thể nào che giấu hành vi thể hiện sự gian dối và đã gỡ bỏ quảng cáo “nổ” trên trang Web của mình.
Phát hiện nhiều bất thường của CPL gây phương hại đến Dự án, nên Công ty Hồng Phát không thể tiếp tục hợp tác. Trên tinh thần cầu thị, Công ty Hồng Phát muốn CPL ngồi lại bàn bạc, tìm cách giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên. Thế nhưng CPL khước từ, đâm đơn tố cáo Chủ tịch HĐQT Công ty Hồng Phát “chiếm đoạt 15,6 triệu USD”. Đây là thủ đoạn, thể hiện dã tâm thâm độc CPL muốn đẩy người đứng đầu Hồng Phát vào vòng lao lý để độc chiếm Dự án. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã vào cuộc, xác minh, làm rõ chân tướng vụ việc, bóc trần hành vi vu cáo của CPL, giải oan cho Hồng Phát, bằng Văn bản 148/C16-P4 ngày 01/4/2010, kết luận: “Công ty Hồng Phát không chiếm đoạt, mà sử dụng toàn bộ 15,6 triệu USD để đầu tư vào Dự án”.
Đại diện chủ đầu tư lên tiếng: “Từ những vấn đề mà dư luận báo chí đã nêu, cùng với tài liệu, chứng cứ mà Công ty Hồng Phát thu thập được, có đủ cơ sở để xác định: “CPL đã vi phạm pháp luật về đầu tư và ngoại hối”. Chính CPL và Chuang’s đã có hành vi muốn tước đoạt Dự án của Hồng Phát ngay từ lúc vừa mới kí Thoả thuận khung. Trong khi đó, Hồng Phát đã bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng vào Dự án, liên tục chỉ biết đầu tư và đầu tư, nhưng hoàn toàn chưa thu lợi. Mới nhất là khoản đầu tư 210 tỉ đồng, Công ty Hồng Phát đã nộp cho tỉnh Long An để đảm bảo phát triển Dự án.
Bà Thái Thị Hồng Hậu, khẳng định: “Hiện tại, toàn bộ 273ha đất Dự án (Giai đoạn I) còn nguyên đó, 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn đây và 15,6 triệu USD mà CPL đã “tạm ứng” vẫn nằm trong Dự án, Công ty Hồng Phát chưa bao giờ phủ nhận. Vậy mà CPL cứ lu loa “bị Hồng Phát tước đoạt”. Đây là sự vu cáo trắng trợn của CPL, xúc phạm nghiêm trọng đến uy tín của Công ty Hồng Phát, bôi nhọ danh dự chủ đầu tư. Mặc dù chiêu trò “vừa ăn cướp, vừa la làng” đã bị dư luận vạch trần từ lâu nhưng CPL cứ “nhai đi, nhai lại” điệp khúc cũ rích này…!”.
“Gắp lửa bỏ tay người” (?!)
Cũng trong 2 Văn bản ngày 8/11/2021 và 8/12/2021, CPL cho rằng “Công ty Hồng Phát tìm mọi cách để không phải thi hành Phán quyết Trọng tài. CPL đề nghị Cục THADS tỉnh Long An tiếp tục duy trì Quyết định 07 ngày 18/12/2018 ngăn chặn 13 Quyền sử dụng đất của Công ty Hồng Phát”.
Đại diện Công ty Hồng Phát nêu quan điểm: Với những gì đã và đang diễn ra, chắc chắn Cục THADS tỉnh Long An, nhất là Cục trưởng Bùi Phú Hưng và Chấp hành viên Đặng Hoàng Yên đã nhận rõ: Suốt gần 3 năm qua, CPL vì muốn thâu tóm 130ha đất, nên đã tự “vô hiệu hoá” Phán quyết Trọng tài. Tại cuộc họp “giải quyết thi hành án” ngày 1/12/2021, Công ty Hồng Phát đã trình bày rõ vấn đề này với Chấp hành viên Lê Đức Thọ kèm theo Văn bản số 81/CV-CPHP.21.
Như đã trình bày ở phần trên, vì muốn “chia 130ha đất”, CPL lấy lý do “thi hành Phán quyết Trọng tài”, CPL đã “khiển” Chấp hành viên Đặng Hoàng Yên kí Quyết định 07 và Cục trưởng Bùi Phú Hưng kí Quyết định 06 “giữ y Quyết định 07”, ngăn chặn toàn bộ 13 Quyền sử dụng đất với 232,66ha của Công ty Hồng Phát. Vừa có trong tay Quyết định 07, CPL muốn “trảm” Phán quyết Trọng tài, “khai tử” Dự án bằng việc gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “chia 130 ha đất”, cắt từ 13 Quyền sử dụng đất của Công ty Hồng Phát và liên tục thúc UBND tỉnh Long An, Bộ Tư pháp “chia đất” từ năm 2019 đến nay. Thực tế, CPL chỉ muốn “chia 130 ha đất” và liên tục đòi “chia”, đây rõ ràng là tìm mọi cách để không thi hành Phán quyết Trọng tài.
Công ty Hồng Phát nhiều lần có văn bản gửi CPL hay thông qua Cục THADS tỉnh Long An, đề nghị CPL có ngay Văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng, xác định CPL từ bỏ yêu cầu “chia, tách Dự án, chia đất” trái pháp luật. Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 9/3/2021 do Bộ Tư pháp và UBND tỉnh Long An đồng chủ trì, CPL tái khẳng định:“CPL không còn một chút niềm tin nào với Công ty Hồng Phát”, nên CPL tiếp tục yêu cầu đòi “chia 130ha đất”. Trong 2 Văn bản mới nhất, CPL cũng muốn thực hiện dã tâm thâu tóm 130ha đất…
Tất cả bằng chứng trên cho thấy: Chỉ vì thèm “chia 130ha đất”, CPL tìm mọi cách để không phải thi hành Phán quyết Trọng tài. Vậy mà CPL không chút ngượng khi quay sang quy kết Công ty Hồng Phát. Rõ ràng, CPL bày chiêu trò “ăn vạ”, vu cáo, kiểu “gắp lửa bỏ tay người” để “khiển” Cục THADS tỉnh Long An duy trì Quyết định 07, tiếp tục cấm vận toàn diện Công ty Hồng Phát.
Bà Thái Thị Hồng Hậu bức xúc: “Tính đến nay, việc tổ chức thi hành Phán quyết Trọng tài đã kéo dài hơn 8 năm; trong đó, có 7 năm 3 tháng do Cục THADS tỉnh Long An thực hiện theo ủy thác. Riêng Quyết định 07 ban hành đến nay đã 3 năm 12 ngày khiến cho Dự án nghìn tỷ bị “cấm vận” toàn diện dẫn đến tê liệt. Thiệt hại mà Công ty Hồng Phát phải gánh chịu đã lên đến 900 tỷ đồng và vẫn chưa dừng lại. Hàng triệu mét vuông đất bị “đóng băng”, gây lãng phí khủng khiếp nguồn tài nguyên quốc gia, cùng hàng loạt hệ lụy khác.
Quyết định 07 được ban hành trái quy định của pháp luật mang tính cố ý. Việc này đã được dư luận bóc trần, Công ty Hồng Phát nhắc lại. Công ty Hồng Phát rất mong hai ông: Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An Bùi Phú Hưng và Chấp hành viên Lê Đức Thọ, đặc biệt lưu ý: Quyết định 07 ban hành theo yêu cầu của CPL nhằm để thực thi Phán quyết Trọng tài. Cục trưởng Bùi Phú Hưng kí Quyết định 06 “giữ y Quyết định 07” cũng với lý do:“Tạo điều kiện cho Công ty Hồng Phát và CPL thoả thuận thi hành Phán quyết Trọng tài”. Thế nhưng, suốt hơn 3 năm qua, đích cuối cùng mà CPL nhắm đến là “chia đất”. Cục THADS tỉnh Long An đã biết tường tận ý đồ của CPL, nhưng không chấm dứt thi hành Quyết định 07, để dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không thể khắc phục.
Khoản 4 Điều 69 Luật THADS năm 2014 quy định: “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Chương IV của Luật này; trường hợp có căn cứ xác định tài sản không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án thì Chấp hành viên phải ra quyết định chấm dứt việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản”.
Trong khi đó, Quyết định 07 được ban hành đến nay đã hơn 1.100 ngày, nhưng Cục THADS tỉnh Long An không xử lý các bước tiếp theo (như áp dụng biện pháp cưỡng chế) cũng không chấm dứt việc ngăn chặn, mà tiếp tục “ngâm” khối tài sản trị giá nhiều nghìn tỷ đồng của Công ty Hồng Phát, bất chấp quy định của pháp luật.
Một lần nữa, Công ty Hồng Phát trân trọng kiến nghị Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An chỉ đạo chấp hành viên ban hành văn bản chấm dứt thực hiện Quyết định 07. Nếu tiếp tục duy trì Quyết định 07 thì phải tiến hành xử lý các bước tiếp theo đối với khối tài sản của Công ty Hồng Phát theo đúng các quy định của pháp luật”.
Công ty Hồng Phát làm từ thiện |
Một số hình ảnh thể hiện hậu quả nặng nề do "lệnh cấm vận" Dự án bằng Quyết định 07 |
Theo https://ngaymoionline.com.vn/can-cham-dut-ngan-chan-23266ha-dat-de-tranh-gay-them-hau-qua-khong-the-khac-phuc-29687.html