Kịch bản chiến tranh do Trung tâm An ninh Mỹ Mới xây dựng cho thấy xung đột Mỹ - Trung có thể bùng nổ khi lĩnh vực chip bán dẫn Đài Loan bị tấn công.
Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS) ngày 27/1 công bố kết quả nghiên cứu về một kịch bản chiến tranh mà họ xây dựng, trong đó so sánh tình trạng phụ thuộc của Mỹ vào nguồn cung chip từ Đài Loan với sự lệ thuộc trước đây vào dầu mỏ ở Trung Đông.
Trò chơi chiến tranh giả định này được CNAS tiến hành từ tháng 4/2021, để hiểu rõ hơn Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng và kiểm soát ngành bán dẫn Đài Loan đến mức nào, cũng như chiến lược đối phó của Mỹ và hòn đảo ra sao. 30 quan chức, học giả, chuyên gia an ninh tham gia trò chơi, đóng vai đội Mỹ, đội Trung Quốc và đội Đài Loan.
Theo kịch bản giả định mà CNAS xây dựng, dây chuyền sản xuất tại ba nhà máy chip Đài Loan bất ngờ gặp sự cố và ngừng hoạt động, làm dấy lên hoài nghi chúng là mục tiêu trong một đòn tấn công mạng từ Trung Quốc đại lục.
Đài Loan là nơi sản xuất hơn một nửa chip bán dẫn của thế giới và gần như toàn bộ chip cao cấp, vốn được sử dụng trong các mặt hàng như điện thoại thông minh, ô tô và thiết bị quân sự.
Khi tình huống được đưa ra, các đội lần lượt đưa ra quyết định chiến lược của mình. Sau khi các đội ra quyết định, kịch bản của CNAS cho thấy một cuộc tấn công mạng do Bắc Kinh tiến hành nhằm vào các nhà máy sản xuất chip Đài Loan có thể khiến nền kinh tế toàn cầu ngừng trệ và kích động đối đầu quân sự giữa Mỹ với Trung Quốc.
Một con chip do Hisilicon, công ty con của Huawei, thiết kế, được trưng bày tại trụ sở công ty ở Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc, hồi năm 2019. Ảnh: Reuters.
Trong kịch bản chiến tranh mà CNAS vạch ra, Trung Quốc có thể áp dụng các chiến lược cưỡng bức kinh tế, tấn công mạng hay những chiến thuật hỗn hợp khác nhằm can thiệp hoặc gây tổn hại ngành công nghiệp bán dẫn của đảo Đài Loan.
Becca Wasser, người giúp xây dựng và chỉ đạo kịch bản, cho biết trong khi nhiều phương án chiến tranh đã được đưa ra nhằm nghiên cứu Trung Quốc, hầu hết chỉ tập trung vào các mối đe dọa quân sự thông thường mà không chú ý nhiều đến cách Trung Quốc có thể gây áp lực lên Đài Loan, qua đó tác động tới Mỹ.
Nhưng chống lại áp lực đó có thể rất khó khăn, đặc biệt nếu Mỹ và Đài Loan mâu thuẫn trong cách ứng phó. Trong kịch bản, nhóm nghiên cứu CNAS cho rằng Đài Loan sẽ vạch chiến lược riêng nhằm chống lại sức ép từ Trung Quốc. Nhưng mối quan tâm khác nhau giữa Đài Loan và Mỹ tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến mâu thuẫn. Ví dụ, khi Mỹ muốn đưa các kỹ sư bán dẫn đến nước này nhằm đảm bảo an toàn cho họ, Đài Loan có thể sẽ phản đối vì lo ngại bị chảy máu chất xám.
"Bất cứ điều gì Mỹ tự thực hiện trong kịch bản giả định này đều không thành công", Wasser nói. "Chúng tôi đã thấy nhiều ví dụ về điều đó trong cuộc sống thực".
Báo cáo kết luận rằng phản ứng đa phương và nỗ lực hợp tác toàn cầu nhằm xây dựng khả năng phục hồi chuỗi cung ứng chip máy tính dường như là chiến lược hiệu quả nhất.
Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực tăng cường sản xuất chất bán dẫn trong nước. Tổng thống Joe Biden hồi giữa tháng 1 thúc giục quốc hội Mỹ thông qua các dự luật nhằm tạo điều kiện thúc đẩy ngành sản xuất chip nội địa và cam kết rằng ông sẽ cố gắng đưa hoạt động sản xuất chip bán dẫn trở lại Mỹ.
"Ngày nay chúng ta chỉ sản xuất được 10% chip máy tính, mặc dù là quốc gia dẫn đầu về thiết kế và nghiên cứu chip", Tổng thống Biden nói. "Chúng ta không có khả năng tạo ra những con chip tiên tiến nhất hiện tại. Bây giờ đây, 75% số lượng chip toàn cầu được sản xuất ở Đông Á. 90% chip tiên tiến nhất đến từ Đài Loan. Trung Quốc đang làm mọi cách để chiếm lĩnh thị trường toàn cầu, nhằm cố gắng vượt qua phần còn lại của thế giới".
Các tác giả của báo cáo cho biết ngay cả khi quốc hội Mỹ chấp thuận những khoản đầu tư mới của chính phủ vào năng lực sản xuất vi mạch, Mỹ vẫn phải mất rất nhiều thời gian nữa mới có thể bắt kịp Đài Loan.
Đài Loan lâu nay biến ngành công nghiệp vi mạch có vai trò quan trọng sống còn thành một khiên chắn để tự vệ. Lý thuyết "lá chắn silicon" mà hòn đảo đưa ra lập luận rằng vì ngành công nghiệp bán dẫn rất quan trọng đối với ngành sản xuất Trung Quốc và nền kinh tế tiêu dùng Mỹ, nên bất kỳ động thái đe dọa nào đối với các nhà máy chip của họ cũng sẽ mang đến rủi ro rất lớn cho các bên liên quan.
Martijn Rasser, đồng tác giả nghiên cứu và là cựu chuyên gia phân tích từ Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nhận định điều cốt yếu lúc này là cộng đồng quốc tế phải thuyết phục Đài Loan rằng chiến lược "lá chắn silicon" của họ cần được quốc tế hóa.
"Về lâu dài, khả năng đó phải được phân tán về mặt địa lý ra khỏi phạm vi Đài Loan để đổi lại những đảm bảo an ninh cho hòn đảo", ông nói.
Chính quyền Biden đã làm rõ rằng với cuộc khủng hoảng Ukraine, dù Mỹ sẽ áp đặt trừng phạt kinh tế nếu Nga động binh xâm lược Ukraine, họ sẽ không đưa quân chiến đấu cùng Kiev. Chính sách lâu nay của Mỹ với Đài Loan là kêu gọi tăng cường phòng thủ và đưa ra những thông điệp "mơ hồ chiến lược" về việc liệu Washington có can thiệp quân sự nếu xung đột nổ ra trên hòn đảo hay không.
Nhưng Đài Loan cùng chip bán dẫn của hòn đảo quan trọng với nền kinh tế Mỹ hơn nhiều so với Ukraine, đồng nghĩa Washington sẽ khó tránh khỏi liên quan nếu một "cuộc chiến chip" nổ ra ở Đài Loan.
"Gần như không thể sao chép khả năng sản xuất chip của Đài Loan cả cao cấp lẫn thấp cấp", Dan Blumenthal, học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, đánh giá. "Họ là trung tâm sản xuất của thế giới".
Dù Mỹ và châu Âu đang nỗ lực đẩy mạnh thiết kế và sản xuất chất bán dẫn trong nước, họ không có khả năng sản xuất hàng loạt những mẫu chip tiên tiến nhất mà Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) có thể tạo ra.
"Nếu chuỗi cung ứng chất bán dẫn bị Trung Quốc can thiệp theo cách nào đó, tất cả những thứ mà người Mỹ dùng trong cuộc sống hàng ngày, để đi làm và về nhà, gọi điện cho người thân hay vô số hoạt động khác sẽ biến mất", Wasser nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia khác cho rằng nguy cơ Mỹ bị lôi vào một cuộc chiến về vi mạch đang bị thổi phồng. Theo Bonny Lin từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Trung Quốc sẽ không sử dụng vũ lực với Đài Loan chỉ vì chip.
"Trung Quốc sẽ phải suy nghĩ về cái giá phải trả cho một cuộc tấn công nhằm vào Đài Loan. Cái giá về quân sự và chính trị sẽ rất đáng kể. Đó là lý do tôi nghĩ chip sẽ không nằm trong ba yếu tố hàng đầu dẫn tới hành động quân sự chống lại Đài Loan", bà nhấn mạnh.