Mỗi lúc có thời gian rỗi sau khi chăm sóc vườn tược, ông Lương Tuyển, 74 tuổi, ở thị xã Ninh Hòa, lại mang sách ra học với mục tiêu trở thành tiến sĩ Luật.
Ông Lương Tuyển nỗ lực học để lấy bằng tiến sĩ Luật. Ảnh: Xuân Ngọc
Những ngày cuối tháng Chạp, ông Tuyển cùng vợ tỉ mẩn kiểm tra lại từng gốc bưởi, con gà trước khi giao cho khách dịp Tết trong khu vườn tại xã Ninh Quang. Sau khi xong việc, ông ngồi nhẩm tính lại tiền kiếm được. Khoản thu nhập này, ngoài trang trải cuộc sống và vốn cho vụ kế tiếp, ông để dành một ít mua sách, tiếp tục nuôi giấc mơ làm tiến sĩ Luật.
Ông biết, học lên tiến sĩ đòi hỏi nhiều kiến thức, nhiều nghiên cứu, đặc biệt là phải thông thạo Anh văn. Hiện, ông có thể nghe, đọc, và giao tiếp được, song còn nhiều hạn chế. Mỗi ngày, khi có thời gian, ông lại mở máy tính ra học.
Sinh ra trong gia đình bần nông, bố mẹ mất sớm, ba anh em ông Tuyển được bà ngoại chăm sóc. Cuộc sống khó khăn, ông phải nghỉ học khi vừa hết cấp một, rồi trải qua nhiều công việc. Ước nguyện đi học của ông phải gác lại.
Lập gia đình khi ông ở tuổi 28, hai vợ chồng đi kinh tế mới dưới chân núi Tân Quang, cách nhà cũ 5 km. Ông làm đủ nghề lo cho gia đình. Trong những lần như thế, ông Tuyển luôn tự nhủ chỉ có đi học mới đổi đời. Trong khi chưa tìm được lớp học phù hợp, ông hay tin địa phương tổ chức lớp bổ túc văn hóa nên đã đăng ký. "Ngày tôi đi làm, tối thì tới trường. Biết tôi muốn đi học, vợ không cản mà động viên, đó cũng là động lực giúp tôi vượt qua khó khăn", ông Tuyển nói.
Năm 1988, ông tốt nghiệp THPT hệ 10 năm khi đã 35 tuổi, do việc học có lúc bị gián đoạn. Ông tiếp tục đăng ký học Trung cấp ngành chăn nuôi thú y Phú Yên, cách nhà hơn 100 km. Trong ký ức của lão nông thời đó, nhiều người nghe tin ông đi học họ đã cản, và nói ông "gàn" khi cuộc sống còn khó khăn, hai con còn nhỏ. Tuy nhiên, vợ biết ông muốn đi học, và ý thức được "chỉ học mới có thể giúp người ta thay đổi cuộc đời", nên động viên chồng.
Vợ chồng ông Tuyển kiểm tra vườn bưởi. Ảnh: Xuân Ngọc
Sau nhiều năm đèn sách, ông mang kiến thức học được về quê, áp dụng vào lao động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt..., kinh tế gia đình phát triển. Người dân cũng được ông hướng dẫn làm theo, giúp cuộc sống cải thiện. Mọi người tin tưởng, bầu ông Tuyển làm Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp của địa phương, tới nay đã hơn 20 năm.
Với ông Tuyển, làm Chủ nhiệm Hợp tác xã cũng chỉ là chức danh, còn làm kinh tế đòi hỏi nhiều kiến thức hơn. Vì thế, ông lại đi học và lấy bằng cử nhân Quản trị kinh doanh (Đại học Mở Bán công TP HCM), hệ vừa học vừa làm.
Ít năm sau, cuộc sống ổn định, con cái trưởng thành, ông Tuyển muốn học Luật để có thêm kiến thức pháp lý, áp dụng cho thực tế, và có thể giúp đỡ người dân. Đồng thời, học luật là dự định nhiều năm của ông, nhưng chưa thực hiện được. Khi sắp xếp được thời gian, ông đăng ký học văn bằng 2 tại Đại học Luật TP HCM.
Việc ở nhà, ông nhờ vợ và các con quán xuyến. Sau khi lấy bằng cử nhân Luật, ông học cao học, trở thành Thạc sĩ Luật - Đại học Luật TP HCM. Trong lễ tốt nghiệp năm 2017, hiệu trưởng Đại học Luật tôn vinh, tổ chức lễ ghi nhận cho học viên lớn tuổi nhất của trường.
Ông Tuyển cho hay, đi học ông gặp không ít khó khăn. Học trước quên sau, và bị áp lực bởi lúc nào cũng rơi vào cảm giác thiếu kiến thức. Người trẻ học đâu nhớ đấy, học nhanh nhớ lâu, còn ông thì phải lọ mọ rất mất thời gian. Vì thế, ông phải kiên trì và sắp xếp thời gian học một cách khoa học. "Tôi ấn định thời gian học tập vào giờ cố định, mục đích để não có phản xạ tự nhiên, nâng cao khả năng tiếp nhận thông tin, và học dần rồi quen", ông Tuyển chia sẻ.
Ông Tuyển khoe bằng thạc sĩ của mình sau bao năm miệt mài đi học. Ảnh: Xuân Ngọc
Ở cạnh chồng, bà Trần Thị Sương, 70 tuổi, cho biết lúc mới nghe chồng đi học bà cũng không mấy mặn mà. Bởi, vợ chồng cưới nhau chưa bao lâu, kinh tế còn chật vật, nhưng nghĩ đó là khao khát của ông, cũng như nghĩ có kiến thức mới làm giàu được nên đồng ý. Sau này, thấy chồng nỗ lực từng ngày, bà thấy quyết định động viên ông là đúng.
"Thời điểm ông ấy đi học tôi gặp nhiều khó khăn lắm. Con hai đứa còn rất nhỏ, một mình tôi phải chăm con, vừa lo cuộc sống, nhưng rồi cũng qua", người vợ chia sẻ, và cho hay chồng đi học cũng tạo động lực cho con cháu. Bốn người con của họ đều tốt nghiệp đại học, công việc ổn định.
Hai năm qua, dịch bệnh kéo dài khiến kế hoạch làm nghiên cứu sinh ngành Luật của ông Tuyển đang phải tạm gác lại, nhưng giấc mơ trở thành tiến sĩ của ông nông dân 74 tuổi vẫn ngày ngày được nuôi dưỡng bằng những món tiền nhỏ ông dành ra để mua sách học dần.
Xuân Ngọc