Huyết Đằng là loại thảo dược khá đặc biệt. Thân cây khi cắt ra có nhựa màu đỏ nhìn giống máu người. Trong dân gian, Huyết Đằng là vị thuốc thường được dùng để trị đau lưng, đau dây thần kinh; mỏi gối, gân xương tê dại, viêm khớp tứ chi, đau khớp dạng thấp, phong hàn thấp tý.
Đặc điểm của cây Huyết Đằng
Cây Huyết Đằng có tên gọi khác là Hồng Đằng, Dây máu, cây huyết rồng, cây thuyết đằng, đại hoạt đằng, hoạt huyết đằng, kê huyết đằng, đại huyết đằng, dây máu người…
Tên khoa học: Sargentodoxa cuneata (Oliv) Rehd. et Wils, thuộc họ Huyết Đằng – Sargentodoxaceae.
Mô tả: Huyết Đằng là loại dây leo, thân có thể dài tới 10 m, vỏ ngoài màu hơi nâu. Thân cây tròn có vân, khi cắt ra chất nhựa màu đỏ như máu. Lá mọc so le, có 3 lá chét. Lá chét ở giữa có cuống ngắn, các lá chét hai bên gần như không cuống, phiến lá chét giữa hình trứng dài 8 – 16 cm, rộng 4 – 9 cm, các lá chét bên hình thân hơi to hơn lá giữa và gân giữa lệch. Hoa ở nách lá có màu vàng hoặc vàng lục. Quả mọng hình trứng, khi chín có màu lam đen, xếp thành chùm.
Phân bố: Cây Huyết Đằng thường mọc rải rác ở bìa rừng và ven suối, thuộc vùng rừng rậm nhiệt đới thường xanh, ở độ cao 600 – 1.500 m. Cây thảo dược này, thường ra hoa khoảng từ tháng 3 – 5 và có quả vào khoảng từ tháng 8 – 10. Và chủ yếu phân bố ở các tỉnh như: Lào Cai, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Ba Vì (Hà Nội), Hòa Bình hay Ninh Bình. Ngoài ra, cây còn có ở Trung Quốc, Lào.
Bộ phận dùng: Cây Huyết Đằng dùng chủ yếu thân dây và rễ cây để làm thuốc. Thân cây leo phát triển quanh năm nhưng thu hoạch tốt nhất vào tháng 8 – 10. Sau khi chặt về thì cắt bỏ cành để vài ngày cho nhựa se lại, sau đó mới chặt khúc, phơi khô. Dược liệu khi tươi cắt ngang có nhựa đỏ như máu tiết ra, lúc khô ở mặt cắt có nhiều vòng đen quánh lại.
Thành phần hóa học của cây huyết đằng
- Trong Kê cây huyết đằng có chứa Milletol.
- Trong rễ, vỏ và hạt cây huyết đằng có chứa Glucozit, tannin và chất nhựa.
- Trong rễ cây huyết đằng có chứa: Stigmast-5-ene-3 Beta-7 Alpha-Diol), 5 Alpha-Stigmastane-3 Beta, 6 Alpha-Diol .
Thu hái và chế biến cây huyết đằng
Cây huyết đằng thu hái quanh năm, tốt nhất vào tháng 8 và tháng 10. Chặt cây về, sau đó cắt bỏ cành lá và chọn thứ to, chắc, rồi phơi khô.
Chế biến
Chọn thứ dây bé và lớn để riêng, ngâm thứ lớn độ 3 ngày, thứ bé 12 giờ cho mềm. Thái lát dày tầm 2 – 3mm, phơi khô.
Bảo quản
Cất giữ nơi khô ráo, thoáng mát. Mùa mưa nên chú ý phơi sấy, tránh tình trạng mối mọt.
Tính vị, kinh quy của cây huyết đằng
Cây huyết đằng có vị đắng, ngọt và tính bình. Tác dụng lên 2 kinh Tâm, Tỳ.
Hoa huyết đằng
Tác dụng và tính vị của cây Huyết Đằng theo y học cổ truyền
Theo Đông y, Huyết Đằng có vị đắng chát, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết, khu phong. Bên cạnh đó, Huyết Đằng còn được dùng để điều trị đau ruột, đau bụng, bế kinh, đau bụng kinh, phong thấp, đau nhức, té ngã sưng đau, huyết hư đầu váng, người ốm yếu, suy nhược cơ thể, phụ nữ kinh nguyệt không đều; người già bị phong thấp, đau nhức và người khí huyết hư hàn.
Huyết Đằng có tính năng đặc biệt là bổ huyết không gây nề trệ; hành huyết nhưng không phá huyết (xúc tiến tuần hoàn máu nhưng không quá mạnh) rất thích hợp với những người khí hư mà không ứ trệ. Tác dụng thư cân hoạt lạc của Huyết Đằng tương đối mạnh nên thường được dùng để chữa phong thấp khớp xương đau nhức, đầu gối đau mỏi, gân cốt tê dại. Với những người huyết vốn hư lại mắc các chứng đau nhức trên lại càng thích hợp.
Huyết đằng tươi khi mới thu hoạch
Thân huyết đằng sau khi được thu hái, phơi khô
Một số bài thuốc Đông y điển hình chữa đau nhức xương khớp từ cây Huyết Đằng
Điều trị bệnh viêm đa khớp dạng thấp
Trong các bệnh về xương khớp, viêm đa khớp dạng thấp là bệnh nằm trong nhóm nguy hiểm nhất hiện nay. Đây là bệnh tự miễn gây nhiều khổ sở cho người bệnh và khó khăn trong công tác điều trị. Nếu không điều trị kịp thời sẽ để lại các biến chứng nguy hiểm như: Teo cơ, mất khả năng lao động, tàn phế…
Người bệnh có thể áp dụng bài thuốc điều trị bệnh viêm đa khớp dạng thấp từ vị thuốc Huyết Đằng như sau: Huyết Đằng, Hy Thiêm, Thổ Phục Linh, Rễ Vòi mỗi vị 16g; Ngưu Tất, Sinh Địa mỗi vị 12g; Nam Độc Lực, rễ Cà Gai Leo, rễ cây cúc Ảo, Huyết Dụ mỗi vị 10g. Sắc uống 1 thang/ngày.
Chữa phong thấp, gân xương đau nhức, tay chân đau mỏi, co quắp, tê dại hoặc sưng nề
- Dùng 20 – 40g Huyết đằng sắc uống. Ngoài ra, có thể kết hợp với Cẩu Tích, Cốt Toái Bổ, Ngưu Tất, Tỳ Giải, mỗi vị 20g, Bạch Chỉ 4g, Thiên Niên Kiện 6g sắc uống.
Chữa huyết hư trên đầu xây xẩm, chóng mặt, tim đập không đều nhịp, đau nhói ở vùng tim, các khớp xương đau mỏi
- Huyết Đằng 20g, Huyền Sâm, Mạch Môn, Ngưu Tất, Mạch Muồng sao mỗi vị 15g, Tâm Sen 4g sắc uống.
Cây huyết đằng có tác dụng trị đau lưng, gối mỏi
- Dùng bài gồm có 16g cây huyết rồng; tục đoạn, xuyên khung, cẩu tích và dây đau xương mỗi thứ sử dụng 12g. Sắc tất cả các vị thuốc trên rồi đem uống hàng ngày, mỗi ngày 1 thang, chia làm 2 – 3 lần uống mỗi ngày. Dùng bài thuốc này liên tục khoảng 6 tháng sẽ thấy hiệu quả.
Cây huyết đằng có tác dụng giúp cơ thể suy yếu, đổ mồ hôi trộm
- Dùng bài gồm có 90g kê huyết đằng, đem rửa sạch, rồi sắc lấy nước. Cho vào trong hỗn hợp thuốc vừa sắc 1 – 2 quả trứng gà nấu như canh và kiên trì ăn liên tục từ 5 – 7 ngày để bồi bổ sức khỏe.
Cây huyết đằng có tác dụng chữa kinh nguyệt không đều
- Bài thuốc bao gồm 16g cây huyết rồng, 10g ngưu tất, 6g nghệ vàng và 12g ích mẫu. Sắc uống tất cả các vị thuốc trên với nhau, mỗi ngày một thang. Sử dụng liên tục từ 5 ngày đến 10 ngày thì tình trạng trên sẽ chấm dứt.
Cây huyết đằng có tác dụng trị khí huyết hư, thiếu máu, người mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt
- Bài thuốc bao gồm có 16g huyết rồng; đương quy, hà thủ ô, thục địa mỗi thứ 12g, 10g nhân sâm. Sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia ra làm hai lần, nên uống thuốc ngay khi thuốc còn nóng. Dùng liên tục từ 3 – 5 ngày.
Cây huyết đằng có tác dụng trị đau dạ dày
- Dùng bài gồm có Kê Huyết đằng từ 16 đến 20g. Sắc với nước, hoặc ngâm với rượu để uống, có thể dùng dây để nấu cao đều được.
Cây huyết đằng có tác dụng chữa đau lưng
- Bài thuốc bao gồm kê huyết đằng, tỳ giải, rễ trinh nữ, ý dĩ mỗi thứ sử dụng 16g; cỏ xước 12g; quế chi rễ lá lốt, thiên niên kiện mỗi thứ 8g; trần bì 6g. Cho tất cả hỗn hợp trên với nhau rồi sắc uống.
Lưu ý
- Đây là vị thuốc tính ấm, nếu dùng lâu ngày với liều cao có thể gây táo bón, khô họng, khô miệng, nóng trong người.
- Phụ nữ có thai và cho con bú nên có sự tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
- Theo sách Đông Dược Học Thiết Yếu, những người huyết không hư, thiên về huyết ứ, khí trệ không được dùng.