Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) tình hình hiện trở nên rất cấp bách vì 36 container đã và đang đến các cảng của Ý; các doanh nghiệp có nguy cơ mất tất cả số container này.
Vụ việc 05 doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều sang Ý có dấu hiệu nghi lừa đảo, ông Bạch Khánh Nhựt – Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành.
Theo đó, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng với một số khách hàng Ý thông qua Công ty môi giới Kim Hạnh Việt xuất khẩu hạt điều sang Ý. Hàng được chỉ định đến cảng Genoa và cảng La Spezia bên Ý, và do các hãng tàu Cosco; Yangming; HMM và hãng ONE vận chuyển.
Hiện nay, các doanh nghiệp đều đã gặp tình trạng:
Thứ nhất, với các bộ chứng từ gửi tới ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo hướng dẫn của người mua hàng, nhà xuất khẩu nộp hồ sơ gốc bao gồm cả vận đơn đường biển bản gốc cho ngân hàng tại Việt Nam để nhờ thu tiền bán hàng. Sau đó, ngân hàng tại Việt Nam đã gửi bộ chứng từ gốc cho ngân hàng thanh toán tại Thổ Nhĩ Kỳ của người mua qua dịch vụ phát chuyển phát nhanh DHL.
Sau khi ngân hàng phía Thổ Nhĩ Kỳ nhận được bộ chứng từ gốc từ DHL thì họ thông báo cho ngân hàng Việt Nam rằng người mua không phải khách hàng của họ, và họ thông báo là đã gởi trả lại bộ chứng từ cho phía ngân hàng Việt Nam.
Khi ngân hàng Việt Nam tra soát với công ty DHL về tình trạng giao phát theo số AWB do ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp thì được phản hồi rằng số AWB này không liên quan gì đến ngân hàng Việt Nam. Ngân hàng Việt Nam đã gửi rất nhiều điện để hỏi về tình trạng bộ chứng từ trả về nhưng không được trả lời.
Thứ hai, với các bộ chứng từ gửi đến các ngân hàng tại Ý.
Các ngân hàng bên Ý đều thông báo cho ngân hàng Việt Nam rằng họ đã nhận được bộ chứng từ từ DHL nhưng là các bản photocopy không phải bản gốc; hoặc có trường hợp là giấy trắng.
Hiện các doanh nghiệp rất lo lắng vì không biết bộ chứng từ gốc ở đâu, do đó hàng hóa có thể sẽ bị chiếm đoạt. Do hàng được giao làm nhiều đợt nên đã có những container đến cảng Ý, một số đang sắp tới. Phát hiện dấu hiệu lừa đảo, các doanh nghiệp và ngân hàng Việt Nam đã nỗ lực tìm cách giữ hàng, thu hồi bộ chứng từ.
Tính đến chiều ngày 09/3/2022, còn lại 36 bộ chứng từ của 36 container bị “mất kiểm soát” của các doanh nghiệp và ngân hàng.
Ngay trong ngày 08/3, VINACAS đã gửi văn bản đến Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Ý nhờ hỗ trợ. Tham tán Thương mại tại Ý đã trực tiếp đến cảng để giúp xử lý: Tạm chưa giao hàng với các container đã đến cảng.
Bộ Công Thương cũng đã làm việc với Đại sứ quán Ý tại Hà Nội để yêu cầu can thiệp, giúp đỡ.
Sáng 09/3/2022, VINACAS tổ chức làm việc với các ngân hàng và các doanh nghiệp. Các ngân hàng đã xác nhận tình trạng trên; đồng thời, thống nhất phối hợp cùng VINACAS và các doanh nghiệp tìm cách giải quyết.
Chiều 09/3/2022, VINACAS tổ chức làm việc với các hãng vận chuyển; chỉ có đại diện của đại lý tại Việt Nam của hãng Cosco đến dự. Đại diện này cho biết: Đã nắm được phản ảnh của các doanh nghiệp; đã báo cáo về trụ sở chính ở Trung Quốc và báo cho đại lý của hãng tại Ý.
Tuy nhiên, đại lý ở Việt Nam và Ý đều đang chờ ý kiến từ Trụ sở chính. Về nguyên tắc, khi bên mua đem bộ chứng từ chính tới nhận hàng, họ phải giao; nếu không họ có thể đối mặt với kiện tụng của bên mua.
Ngày 10/3/2022, VINACAS đã gửi văn bản đến các hãng vận chuyển liên quan; đề nghị các hãng vận chuyển: Áp dụng biện pháp “Khẩn cấp”, tạm thời giữ lại các lô hàng đang nằm tại cảng và sẽ đến cảng; không giao hàng cho người nhận ngay cả trong trường hợp họ trình vận đơn gốc.
Cùng đó, chỉ cho phép giao hàng khi nhận được xác nhận từ các công ty chủ hàng (người bán). Hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp chủ hàng thủ tục để được hoàn trả hàng.
Tình hình hiện rất cấp bách vì các doanh nghiệp có nguy cơ mất 36 container hàng đã và đang đến các cảng của Ý.
Trong văn bản trên, VINACAS khẩn thiết và kính đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và Interpol Vietnam trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp.
VINACAS khẩn thiết và kính đề nghị các bộ, ngành và Văn phòng Interpol Vietnam bằng những biện pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả hỗ trợ VINACAS và các doanh nghiệp xử lý thành công vụ việc; với mục tiêu: Giữ lại các lô hàng đang nằm tại cảng và sẽ đến cảng; không giải phóng hàng cho người nhận ngay cả trong trường hợp họ trình vận đơn gốc. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp Việt Nam đươc nhận lại hàng.
Trong một diễn biến khác, công văn gửi đến các hãng tàu VINACAS nêu rõ, theo các doanh nghiệp và ngân hàng của họ thì:
Sau khi gửi hồ sơ nhờ thu từ ngân hàng Việt Nam tới các ngân hàng của người mua bên Ý hoặc Thổ Nhĩ Kỳ theo hướng dẫn của người mua, ngân hàng của người mua thông báo cho ngân hàng Việt Nam rằng họ đã nhận được bộ chứng từ, bao gồm Bill of lading, nhưng toàn là các bản copy, không phải bản gốc.
Như vậy, bộ chứng từ gốc bao gồm cả Bill of Lading đã bị đánh tráo và thay vào đó là các bộ copy hay giấy trắng tại khâu nào đó trong quá trình chuyển giao từ chuyển phát nhanh sang ngân hàng người mua. Tất cả các shippers đều chưa nhận được tiền.
"Qua đánh giá, chúng tôi (VINACAS, các doanh nghiệp, các ngân hàng bên người bán) cho rằng: Vụ việc này có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt bộ chứng từ gốc và original Bill of lading nhằm để chiếm đoạt các containers hàng hạt điều tại các cảng khác nhau tại Ý. Vì lẽ đó, chúng tôi trân trọng đề nghị:
Quý hãng áp dụng biện pháp “Khẩn cấp” tạm thời giữ các contaniers hàng đã và đang trên đường đến các cảng của Ý; không giải phóng hàng cho người nhận, ngay cả trong trường hợp họ xuất trình vận đơn gốc. Chỉ cho phép giải phóng hàng khi nhận được xác nhận từ các Công ty Chủ hàng (Người bán) sau khi nhận được thanh toán.
Hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp chủ hàng thủ tục cần làm những gì để được hoàn trả lại hàng trong trường hợp người bán không nhận được thanh toán từ ngân hàng của người mua.
Đây là trường hợp rất khẩn cấp, người bán có nguy cơ mất hàng khi chưa nhận được thanh toán, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu và ảnh hưởng đến các bên liên quan, trong đó có hãng tàu", Phó chủ tịch VINACAS nhấn mạnh.