Thả hoa đăng tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma: 'Hình bóng đồng đội luôn trong tim'
Tối 13-3, tại vùng biển xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, hàng chục cựu binh, thân nhân của các liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma đã thả hoa đăng, tưởng niệm 64 liệt sĩ.

Thả hoa đăng tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma: 'Hình bóng đồng đội luôn trong tim'

Hàng trăm ngọn hoa đăng được thả xuống biển theo dòng nước cuốn ra xa lấp lánh một góc trời.

 
Ông Lê Hữu Thảo - cựu binh đảo Gạc Ma, trưởng ban liên lạc cựu chiến binh tàu HQ 604 - cho biết, tham dự lễ tưởng niệm năm nay có thân nhân 15 gia đình liệt sĩ đảo Gạc Ma và hàng chục cựu binh từng thực hiện nhiệm vụ trên đảo. Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức được gói gọn nhưng không kém phần trang trọng.
 
"64 anh hùng liệt sĩ trên đảo Gạc Ma đã hy sinh 34 năm, nhưng hình bóng của các đồng đội vẫn luôn trong tim chúng tôi. Trong những ngày này, không chỉ chúng tôi mà rất đông người dân trên cả nước cũng thắp hương tưởng niệm, khắc ghi sự anh dũng hy sinh của các liệt sĩ Gạc Ma" - ông Thảo nói.
 
Cũng theo ông Thảo, việc thường niên tổ chức thả hoa đăng, tưởng niệm 64 chiến sĩ đảo Gạc Ma để ghi nhớ công lao của các liệt sĩ, giáo dục cho thế hệ trẻ uống nước nhớ nguồn, không bao giờ quên sự kiện ngày 14-3-1988.
 
Đứng bên bờ biển, thắp hương và thả hoa đăng tri ân đồng đội, cựu binh Lê Văn Thoa (54 tuổi, ngụ tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) bồi hồi nói: "Tôi thực sự cảm động, nghẹn ngào khi nhớ về đồng đội cũ. Mới đó đã 34 năm rồi, dù họ không còn nữa nhưng hình bóng của họ luôn khắc ghi trong tim tôi".
 
Ký ức không bao giờ quên
 
Cựu binh Thoa nhập ngũ vào tháng 2-1988 biên chế tại Lữ đoàn 125 đóng tại TP.HCM. Ông là thợ máy, chuyên thực hiện nhiệm vụ trên tàu HQ 604. Vào ngày 9-3, tàu HQ 604 nhận được lệnh từ TP.HCM ra vịnh Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) để chở hàng hóa, vật liệu xây dựng ra đảo Gạc Ma.
 
Sáng 11-3-1988, tàu HQ 604 rời vịnh Cam Ranh hướng đảo Gạc Ma, trên tàu chứa đầy vật liệu xây dựng và chỉ được trang bị vài khẩu súng AK. Hai ngày sau, chiều 13-3 tàu đến vùng đảo Gạc Ma, thời điểm ấy thủy triều lên, đảo chìm trong nước biển, đến đêm thủy triều rút, các chiến sĩ công binh mới lên đảo đo đạc bản đồ.
 
Thả hoa đăng tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma: 'Hình bóng đồng đội luôn trong tim'
 
Cựu binh Lê Văn Thoa vượt 800km về Hà Tĩnh dự lễ tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma - Ảnh: LÊ MINH
 
Gần 7h sáng, những người trên tàu HQ 604 thức dậy đã thấy 3 tàu chiến Trung Quốc đến gần. Lúc này nhận được lệnh của chỉ huy sẵn sàng chiến đấu, lực lượng công binh bắt đầu thả thuyền nhôm để lên đảo, số khác thực hiện nhiệm vụ trên tàu. Lúc này phía quân Trung Quốc cũng thả ca nô chở quân lên đảo, hai bên giằng co nhau để cắm cờ.
 
"Tiếng súng vang lên trên đảo, lúc này 3 tàu chiến của Trung Quốc hướng về tàu HQ 604 nã pháo như mưa, chưa đầy 30 phút tàu HQ 604 bị chìm, vật liệu xây dựng đưa ra kiến thiết đảo chưa kịp vận chuyển khỏi tàu. Thời điểm ấy khoảng 7h30 sáng ngày 14-3-1988" - cựu binh Thoa nhớ lại.
 
Chiều 14-3-1988, ông Thoa cùng 8 người khác bị bắt đưa về đảo Hải Nam (Trung Quốc), sau đó bị giam giữ 3 năm tại tỉnh Quảng Đông. Ngày ông được thả tự do về nước, gia đình đã lập bàn thờ. Nhìn di ảnh của chính mình, ông Thoa nghẹn ngào, không nghĩ sẽ có ngày đoàn tụ bên gia đình.
 
"Hàng năm, đúng ngày 14-3 tôi đi hơn 300km vào tượng đài chiến sĩ Gạc Ma tại tỉnh Khánh Hòa để thắp hương làm giỗ cho anh em. Năm nay tôi ra Hà Tĩnh để đoàn tụ với anh em còn sống, lâu lắm rồi xa đồng đội năm xưa tôi nhớ họ lắm", cựu binh Thoa chia sẻ.