Đại diện Sở GD-ĐT Bắc Ninh nói việc thu hút nhân tài là chính sách tốt xong việc chiêu hiền đãi sĩ còn nhiều chông gai.
Trường THPT Chuyên Bắc Ninh là trường trung học phổ thông công lập của tỉnh Bắc Ninh, cũng là trường THPT chuyên duy nhất của tỉnh.
Tháng 7/2021, HĐND tỉnh Bắc Ninh có Nghị quyết số 02 quy định một số chế độ chính sách đối với Trường THPT Chuyên Bắc Ninh, 8 trường THCS trọng điểm và chế độ đối với cán bộ quản lý, chuyên gia, giáo viên, học sinh tham gia bồi dưỡng, tập huấn đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh (đối với cấp THCS), quốc gia, khu vực, quốc tế trên địa bàn.
Theo đó, nếu giáo viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ nếu được tuyển chọn dạy tại Trường THPT Chuyên Bắc Ninh sẽ nhận được hỗ trợ từ 100 - 220 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu các thầy cô có học hàm giáo sư, phó giáo sư hoặc trình độ tiến sĩ ở ngoài tỉnh Bắc Ninh được tiếp nhận giảng dạy tại Trường THPT Chuyên Bắc Ninh và có cam kết lâu dài (ít nhất 10 năm) thì được hỗ trợ kinh phí nhà ở trị giá 1 tỷ đồng (tương đương giá trị 1 căn nhà ở xã hội trên địa bàn TP Bắc Ninh có diện tích khoảng 70 m2).
Nghị quyết có hiệu lực từ 1/8, đến nay đã hơn 7 tháng.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Huy Phú, Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính (Sở GD-ĐT Bắc Ninh) cho hay, Nghị quyết 02 sau khi ra đời đã kế thừa chính sách thu hút nhân tài của Nghị quyết cũ và đã giải quyết được chế độ chính sách cho 2 tiến sĩ dù 2 người này được tuyển dụng từ trước.
“Cũng có một số người tham khảo, nhưng từ tháng 8/2021 đến nay do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên cũng chưa thu hút được thêm trường hợp nào. Cụ thể, những người học hàm giáo sư, phó giáo sư thì chưa thấy liên hệ. Còn tiến sĩ, có một số tiến sĩ trẻ hoặc đang giảng dạy ở một số trường dạy nghề liên hệ. Tuy nhiên, qua trao đổi, nói rõ việc phải tham gia giảng dạy đối tượng học sinh chuyên thì họ cũng tự rút lui. Số liên hệ tới Sở cũng chưa nhiều”, ông Phú nói.
“Cũng có thể họ lăn tăn về trường với sự đãi ngộ và sự quan tâm như thế trước mắt có thuận lợi, song cũng lo ngại, có sức ép rằng liệu mình có thể đảm bảo hoàn thành công việc như kỳ vọng”.
Ông Phú nói là đầu mối trung gian, Sở cũng có những kênh thúc đẩy kết nối qua kênh thông tin của các thầy cô, các thế hệ cựu học sinh chuyên giới thiệu, song kết quả chưa được như kỳ vọng.
Bởi tầm giáo sư thì thường đã tập trung công việc nghiên cứu sâu ở các trường đại học. Các trường hợp tiến sĩ thì có thể họ thấy chính sách tốt nhưng còn cân nhắc việc gia đình, thay đổi môi trường công tác, bậc dạy.
“Tôi có điện trao đổi, tư vấn thì cũng có trường hợp bảo dù rất muốn nhưng nếu về, bản thân thuận, nhưng gia đình chưa chắc đã thuận. Bởi khi họ về Bắc Ninh thì phải kéo theo cả gia đình, vợ con về cho thuận tiện, nhưng đi kèm với những xáo trộn về công việc, học hành, nên cũng rất lăn tăn”.
Ông Phú cho rằng, dù chính sách đãi ngộ tốt nhưng để giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ về tỉnh/trường, phải phụ thuộc nhiều yếu tố, chứ không chỉ ở mặt tài chính.
“Những người đang công tác ổn định ở một địa phương, giờ bảo chuyển về tỉnh Bắc Ninh công tác thì cũng phải cân nhắc. Tôi nghĩ chính sách này sẽ phù hợp với những trường hợp còn trẻ, chưa quá ổn định mọi mặt và xác định Bắc Ninh làm bến đỗ luôn, còn nếu phải xáo trộn cả một hệ thống thì chắc chắn sẽ phải suy nghĩ rất nhiều”.
Ông Nguyễn Nho Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Bắc Ninh - đơn vị thụ hưởng của chính sách này cũng thừa nhận dù rất mong muốn kiếm được một vài trụ cột nhưng: "Từ khi Nghị quyết 02 của tỉnh có hiệu lực đến nay, rất tiếc chưa trình đề xuất chi được đồng nào”.
Ông Hòa nói, người có học hàm phó giáo sư trở lên “vắng bóng” hoàn toàn nhưng số tiến sĩ ở các tỉnh ngoài liên hệ với ông để hỏi chuyện về trường cũng đến chục người. Tuy nhiên, cũng chỉ mới dừng lại ở việc hỏi, chưa thấy ai thông tin muốn về hay không.
“Cũng không phải dễ gì mà thu hút được. Bởi những người có trình độ, có uy tín, được biết đến nhiều và nhiều nơi muốn tuyển thì nói thật 1 tỷ đồng (với cam kết dạy ít nhất trong 10 năm) không là gì. Những nhà khoa học đó thì họ có quá nhiều sự lựa chọn, thậm chí có công ty, doanh nghiệp riêng”.
Ông Hòa cho rằng, đây là chính sách có thể nói cực kỳ ưu việt đối với trường chuyên, giúp nhà trường có cơ hội chào mời, thu hút thầy cô tốt cho công tác chuyên môn.
“Trước đây chỉ là “gạ” suông, giờ là có chính sách hẳn hoi. Nhưng chính sách đó, song để mời được các vị không phải dễ”, ông Hòa nói.
Ông Hòa hy vọng, thời gian tới, trường chuyên có thể tuyển được người như kỳ vọng của Nghị quyết.
Thanh Hùng