Tiến sĩ tốt nghiệp xuất sắc đại học danh tiếng bỏ nhà đi tu
Ngày Trương Thanh Quang từ bỏ tất cả để nương nhờ cửa Phật, gia đình và người quen của anh sốc nặng.
Không ai tin một tiến sĩ tốt nghiệp hạng xuất sắc Đại học Thanh Hoa, hàng đầu Trung Quốc và đang có một tương lai rạng ngời lại xuất gia.
 
Trương sinh năm 1980 trong một gia đình nông dân ở thành phố Thương Khâu, tỉnh Hà Nam. Gia cảnh khó khăn, lại đông anh em, ngay từ nhỏ cậu đã xác định, học hành là con đường duy nhất thoát nghèo.
 
Từ tiểu học, Trương đã có học lực nổi trội, là thành phần cốt cán trong các cuộc thi học sinh giỏi của tỉnh. Cậu cũng rất chăm chỉ đọc sách nên kiến thức rất đáng nể. Với gia đình, Trương luôn là niềm tự hào lớn. Trong mắt phụ huynh khác, Trương luôn là "con nhà người ta".
 
Trương Thanh Quang khi còn là nghiên cứu sinh tại Đại học Thanh Hoa. Ảnh: sohu.
 
Trương Thanh Quang khi còn là nghiên cứu sinh tại Đại học Thanh Hoa. Ảnh: sohu.
 
Sau khi tốt nghiệp đại học, Trương được tuyển thẳng vào học thạc sĩ rồi làm tiến sĩ tại Đại học Thanh Hoa. Tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc, anh được nhận vào làm tại một viện nghiên cứu khoa học nổi tiếng ở Bắc Kinh. Mức lương của anh so với những sinh viên tốt nghiệp cùng khóa cao gấp vài ba lần. Tuy nhiên, áp lực công việc lại rất lớn.
 
Sống trong guồng quay không ngừng, đi làm từ sáng sớm và về nhà lúc tối muộn, Trương dần cảm thấy chán nản. "Nhiều lúc tôi thấy đầu óc mình trống rỗng. Đi làm về mệt mỏi, tôi luôn đặt câu hỏi: Rốt cuộc mục đích sống của mình là gì? Là tiền hay là niềm vui?", anh tâm sự.
 
Một lần tình cờ Trương đọc được tài liệu về Phật giáo. Từ đó, chàng thanh niên này tin việc theo đuổi danh vọng và của cải trên thế gian đều vô ích. "Thay vì công danh thế tục mệt mỏi, con muốn vào chùa nghiên cứu Phật pháp để được là chính mình", anh gọi điện cho bố mẹ trước khi xuất gia tại chùa Long Tuyền ở Bắc Kinh, cuối năm 2008.
 
Bố mẹ Trương chết lặng. Hai người ban đầu cho rằng do áp lực công việc quá lớn nên anh nhất thời hồ đồ, mong con về quê tĩnh dưỡng. Tuy nhiên Trương đem tất cả số tiền mình tiết kiệm trong nhiều năm gửi cho bố mẹ, như để báo đáp công ơn dưỡng dục.
 
Tuy nhiên bố mẹ anh vẫn không từ bỏ. Khi con trai thực hiện xong nghi thức trở thành nhà sư, họ vẫn tìm đến chùa Long Tuyền để thuyết phục anh trở về. Thậm chí họ còn ở lại mấy ngày, khóc lóc van xin nhưng không có kết quả.
 
Trương nói với cha mẹ: "Con người sống phải có chính kiến và mục đích của đời mình. Cuộc sống của con, con sẽ chịu trách nhiệm".
 
Trương Thanh Quang với pháp danh Hiền Thanh đã có 13 năm tu tập tại chùa Long Tuyền, Bắc Kinh. Ảnh: sohu.
 
Trương Thanh Quang với pháp danh Hiền Thanh đã có 13 năm tu tập tại chùa Long Tuyền, Bắc Kinh. Ảnh: sohu.
 
Tại chùa Long Tuyền, Trương thức dậy lúc bốn giờ sáng. Mỗi ngày là sự lặp lại của ngày hôm trước: tụng kinh buổi sáng lúc 4:30, làm việc hoặc học tập vào buổi sáng. Ăn lúc mười một giờ rồi nghỉ trưa. Buổi chiều dậy lúc 1:30 và tiếp tục làm việc hoặc học tập. Tụng kinh buổi chiều lúc 16:30, và sau đó tiếp tục lên lớp. 21h20 mới được nghỉ ngơi. Dù thời gian tu tập vất vả, song Trương luôn tràn đầy năng lượng và trân trọng cuộc sống nhiều hơn.
 
Dẫu biết con trai sống hạnh phúc, nhưng bố mẹ Trương vẫn không thể chấp nhận sự thật là anh đã xuất gia. Mỗi khi ai đó nhắc tới con trai, họ nói dối rằng Trương đang đi làm từ thiện ở Bắc Kinh.
 
Năm 2009, Trương Thanh Quang chính thức trở thành nhà sư với pháp hiệu Hiền Thanh. Ông áp dụng công nghệ hiện đại để thuyết giảng giáo lý trên mạng, hướng con người sống thiện. Điều này cũng thay đổi hình thức tuyên truyền Phật pháp truyền thống là giảng dạy trực tiếp. Trương đã giúp nhiều bệnh nhân trọng bệnh có góc nhìn mới về thế giới và loại bỏ tâm lý lo lắng từ sâu bên trong.
 
Sau vài năm tu tập, Trương Minh Quang đã trở thành phó viện chủ của chùa Long Tuyền. Dưới sự quản lý của ông, ngôi chùa ngày càng nổi tiếng, thu hút nhiều khách thập phương cũng như phật tử thường xuyên lui tới chiêm bái. Long Tuyền cũng nổi tiếng bởi có những nhà sư học vị cao. Theo Trương, trong chùa đã có 5 người là tiến sĩ, thạc sĩ và cử nhân có rất nhiều.
 
13 năm trôi qua, Trương vẫn bị người thân trách móc là ích kỷ, phụ công nuôi dưỡng của cha mẹ cũng như phí đi một nhân tài cho đất nước.
 
"Không ai có thể sống thay cuộc đời của người khác, kể cả cha mẹ của họ. Do đó, điều mà cha mẹ nên làm không phải là phán xét mọi hành động của con cái", ông khẳng định. Theo nhà sư, ông vẫn luôn trân trọng công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ. Mặc dù không thể ở bên họ sớm ngày để tiện bề chăm sóc, nhưng ông luôn cố gắng giúp đỡ đấng sinh thành giải quyết vấn đề của họ theo cách riêng.
 
Sau nhiều năm, cha mẹ Trương cũng dần chấp nhận thực tế, con trai đã xuất gia. Giờ họ cũng thường xuyên lui tới chùa Long Tuyền, ở lại vài ngày để được gần gũi con.
 
Hiện tại, Trương dự định sẽ cống hiến hết mình cho công việc tư vấn tâm lý và "cứu độ chúng sinh".
 
"Tôi đã tìm thấy chính mình trong những năm tháng tu tập. Tôi luôn tâm niệm hãy sống trọn vẹn, hết mình với lý tưởng và dù thế nào cũng không được lay chuyển", ông nói.
 
Vy Trang (Theo sohu)