Khác với các đại gia ở Việt Nam, ông Trịnh Văn Quyết không học ở nước ngoài, nổi tiếng sớm và có không ít thành công cũng như tai tiếng trên thị trường trước khi bị bắt.
Đa số đại gia ở nước ta có thời gian học ở nước ngoài, chủ yếu là tại các nước Liên Xô (cũ) và Đông Âu. Những người này sau khi học xong ở lại làm ăn buôn bán, gặp thời rồi phất lên. Đúng dịp đất nước mở cửa, họ liền đầu tư về nước và gặt hái nhiều thành công.
Riêng ông Trịnh Văn Quyết lại là tỷ phú không có yếu tố ngoại nào.
Ông Trịnh Văn Quyết sinh 1975 quê ở Vĩnh Phúc (xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường). Ông nổi lên khi còn rất trẻ. Ngay từ năm thứ 2 tại Đại học Luật Hà Nội, ông bắt đầu kinh doanh bằng việc mở một trong những văn phòng gia sư đầu tiên ở Hà Nội. Là người nhanh nhạy, ông còn mở một cửa hàng kinh doanh điện thoại để có tiền lo cho việc học hành.
Chính nhờ những công việc mở đầu ấy mà ông có vốn trong tay. Nghĩ mình học luật, muốn đem kiến thức “nóng hổi” ấy để cọ xát với thực tế và tích lũy kinh nghiệm, nên ông mở một công ty luật ngay khi ra trường lấy tên là SMIC. Chính từ sự khởi đầu ấy, ông đã có thêm nhiều kiến thức kinh nghiệm về cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh…
Tuổi trẻ luôn khao khát làm giàu, vừa có kinh nghiệm trong việc tư vấn luật cho các công ty lại vừa am hiểu thị trường, ông bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Bước đầu, ông kinh doanh bằng nhà ở xã hội. Ông có thuận lợi là hai vợ chồng cùng học luật nên có thể giúp nhau, trao đổi để tìm ra phương án tối ưu.
Ông Trịnh Văn Quyết từng nói, quá trình hành nghề luật giúp ông tích lũy nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tế để áp dụng vào hoạt động kinh doanh và đầu tư. Hiểu biết luật pháp giúp ông có những dự cảm về sự thay đổi chính sách, thậm chí ở cấp sở, ngành.
Cụ thể, ông nói: “Nghề thầy cãi khiến tôi trở nên luôn thận trọng... Ai cũng thấy, tôi đầu tư khá nhiều dự án trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng thực ra dự án nào tôi thấy rất chắc ăn mới làm chứ không dám mạo hiểm.” Xem xét một dự án “có vẻ tốt,” trong đầu vị luật sư luôn xuất hiện các câu hỏi như tại sao dự án này có vẻ ngon như vậy? Nó có vấn đề gì về pháp lý? Ông cho hay: “Khi trả lời được hết các câu hỏi, tôi mới quyết định làm.”
Dự án FLC Landmark được ông Trịnh Văn Quyết cho là “đánh dấu sự đi lên của tập đoàn FLC”. Khu đất rộng 4.500m2 này nằm ở đường Lê Đức Thọ (Mỹ Đình II, Hà Nội), Năm 2008, khi còn là vùng đất trũng, đầy cỏ dại, ông quyết định mua bằng tất cả vốn liếng tích lũy được từ kinh doanh dịch vụ tư vấn pháp lý, vay mượn để có vài chục tỷ đồng.
Trong vòng hơn một thập kỷ lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn FLC lại ghi dấu ấn với hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại các tỉnh thành trải dài từ Bắc chí Nam như FLC Sầm Sơn, FLC Hạ Long, FLC Quy Nhơn…
Ông Quyết có đặc điểm khác với những nhà đầu tư khác. Ông thường đầu tư vào những nơi địa hình phức tạp hoặc khí hậu khắc nghiệt. Chiến lược "không biến vàng thành trang sức, mà biến sỏi đá thành vàng" của ông đúng với thực tế những dự án ông đã làm. Chưa có dự án nào thành công nhờ vị trí tốt ở Hà Nội, hay các tỉnh mà tất cả phải đầu tư công sức xây dựng mới có thể biến dự án thành đắc địa.
Có thể thấy FLC Sầm Sơn là dấu mốc quan trọng để từ đó ông mở rộng đầu tư ra các khu nghỉ dưỡng khác. Cái giỏi của ông Trịnh Văn Quyết là tích lũy từ kiến thức ông học được rồi cọ xát từ thực tế để ông rút ra kinh nghiệm và bài học để làm tiếp những dự án khác.
Sau thành công với các dự án nghỉ dưỡng, vài năm gần đây, ông Trịnh Văn Quyết còn tiếp tục mở rộng chiến lược "đánh bắt xa bờ" bằng hàng loạt các dự án nhà ở, khu đô thị tại những vùng đất chưa được khai phá như dự án FLC Hilltop Gia Lai tại trung tâm TP Pleiku hay dự án FLC Legacy Kontum tại TP Kon Tum, dự án FLC La Vista Sadec tại TP Sa Đéc (Đồng Tháp).
Sự trưởng thành sự phát triển của ông Quyết thật sự là những nấc thang từ thấp lên cao. Khi có kinh nghiệm ở lĩnh vực bất động sản ông liền mở rộng sang lĩnh vực khác. Không phải ông chạy theo thị hiếu thị trường mà ông làm bất kỳ lĩnh vực nào cũng nghiên cứu rất kỹ càng.
Liên quan đến việc lập hãng hàng không, ông Quyết ấp ủ từ năm 2014, 2015, đến 2016 bắt đầu chuẩn bị về thủ tục và 2017 chính thức nộp hồ sơ lên cơ quan quản lý xin cấp phép thành lập hãng hàng không Bamboo Airways. Bamboo Airways cất cánh chuyến bay đầu tiên vào đầu năm 2019.
Theo đánh giá của giới chuyên môn “đây là hãng hàng không hiếm hoi ngược dòng khủng hoảng Covid toàn cầu để đạt tăng trưởng trong 2020...”
Nhưng cũng thật đáng tiếc cho ông, khi tập đoàn của ông đang phát triển hùng mạnh thì đã gặp sự cố. Ông vướng vào vòng lao lý, bị bắt và khởi tố để điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Nguyễn Đăng Tấn