Từng mang nỗi buồn "nữ sinh trường chuyên mà trượt đại học", Nguyễn Nguyệt Anh vượt qua chính mình và tốt nghiệp thạc sĩ loại xuất sắc tại ĐH British Columbia (Canada) với học bổng toàn phần.
Cú sốc "học sinh trường chuyên trượt đại học"
Nguyệt Anh khiến nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ với bảng thành tích rực rỡ đã đạt được.
Nguyệt Anh (sinh năm 1994, Hà Nội) là cựu học sinh chuyên Văn, trường THPT chuyên Nguyễn Huệ. Thành tích của cô luôn xếp top đầu của lớp, từng tham gia kỳ thi học sinh giỏi Quốc Gia và đạt giải khuyến khích. Tuy nhiên, trong kỳ thi đại học năm 2012 cô thiếu 0,5 điểm để thi đỗ nguyện vọng 1 vào trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Nhắc đến cú vấp ngã đầu đời, Nguyệt Anh cho biết: "Ở thời của mình, cần phải đạt giải quốc gia 'có số' thì mới được tuyển thẳng vào Đại học. Vì vậy, khi được giải khuyến khích, mình đã không còn nhiều thời gian để quay lại ôn thi Đại học. Để vượt qua cú sốc trượt nguyện vọng 1, mình cho bản thân thời gian để hồi phục về mặt tâm lý và sau đó bắt đầu định hướng, lên kế hoạch hướng tới mục tiêu mới thay vì chỉ tập trung dằn vặt bản thân hay quá chú ý tới những gì mọi người bàn tán về mình như "học sinh trường chuyên mà trượt đại học"...
Nguyệt Anh cũng đưa ra lời khuyên cho những bạn thiếu may mắn để chạm tới nguyện vọng 1: "Dù kết quả có như thế nào, thì chặng đường các bạn đã trải qua đã nhiều vất vả rồi. Hãy cứ thoải mái "chiến đấu hết mình". Nếu kết quả chưa như ý muốn ban đầu, hãy tự cho mình cơ hội để đi một hướng đi mới. Thất bại tại một thời điểm không định nghĩa năng lực của các bạn. Sự thất bại, nhìn theo hướng tích cực, là cơ hội để bạn mở ra cho mình một chân trời mới, một cách nghĩ mới. Nếu mình biết học từ thất bại và có kế hoạch phù hợp, thì bản thân sẽ phát triển được khả năng tự chữa lành và đứng dậy, đi một con đường của riêng mình".
Nguyệt Anh chọn học ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên tại trường ĐH Lâm nghiệp. Cô luôn tự nhắc nhở mình rằng: "Học ở đâu không quan trọng, quan trọng là cách mình học và vận dụng kiến thức như thế nào".
Cô xác định rõ những mục tiêu lớn muốn hướng tới trong những năm học đại học, chẳng hạn như: cải thiện ngoại ngữ thật tốt, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa song song với duy trì tốt chuyên môn ngành học, tham gia làm nghiên cứu khoa học từ rất sớm để có cơ hội tiếp cận với những chương trình học bổng toàn phần.
Gắn bó với Canada như một mối duyên lành
Năm 2016, cô gái Hà Nội đạt được học bổng toàn phần của tổ chức Mitacs Canada cho khóa thực tập sinh nghiên cứu 3 tháng tại Đại học British Columbia tại thành phố Vancouver. Chính cơ hội trải nghiệm quý báu thôi thúc cô quyết tâm giành học bổng toàn phần để quay trở lại đất nước này học lên thạc sĩ.
Tháng 3/2017, sau khi tốt nghiệp đại học Nguyệt Anh nhận tin vui giành học bổng thạc sĩ toàn phần tại Đại học British Columbia (Canada). Đây là trường đại học nằm trong top 30 của thế giới, top 3 tại Canada.
"Đại học British Columbia là một trong những ngôi trường đào tạo về Lâm Nghiệp hàng đầu thế giới. Đất nước Canada đã khiến mình muốn quay trở lại học bậc cao học vì cảnh đẹp thiên nhiên, con người thân thiện, văn hóa đa dạng, chính sách cởi mở với du học sinh quốc tế. Vì vậy, đây là điểm đến lý tưởng đối với mình để học hỏi, mở rộng vốn kiến thức chuyên ngành, kinh nghiệm làm việc, cũng như vốn sống và trải nghiệm văn hóa".
Những ngày đầu, Nguyệt Anh cũng gặp phải nhiều khó khăn và rào cản như khác biệt môi trường sống, văn hóa, áp lực đồng trang lứa, áp lực về chương trình học và hoạt động nghiên cứu… Động lực lớn nhất giúp cô vượt qua chính là luôn nhắc nhở bản thân về lý do và giá trị cốt lõi mà bản thân vẫn luôn theo đuổi ngay từ khi chọn bắt đầu hành trình của mình tại xứ sở lá phong.
Hành trình du học tại Canada với cô tựa như một mối duyên lành.
Đối với Nguyệt Anh, khi có mục tiêu rõ ràng thì điều đó sẽ trở thành "chiếc bản lề" cực kỳ vững chắc để bám vào mỗi khi mệt mỏi và cần động lực để bước tiếp.
Nhắc đến hành trình đã đi qua, Nguyệt Anh chia sẻ: "Chặng đường từ một cô gái mất niềm tin vào khả năng của bản thân sau khi biết kết quả hụt nguyện vọng 1, tới khi đạt được học bổng toàn phần tại Canada là hành trình để mình hiểu hơn về chính mình và về cuộc sống xung quanh.
Mình ngộ ra, đôi khi mình đã cố gắng rất nhiều nhưng có thể vẫn không nhận được kết quả như ý muốn. Nhưng điều quan trọng là phải tiếp tục cho phép mình đứng lên và đi tiếp con đường mới, không ngừng học hỏi và khám phá từ những cơ hội mình có được, những người mình gặp và những nơi mình đi qua".
Hai năm học thạc sĩ ở Canada là quãng thời gian cô cảm thấy bản thân chinh phục được nhiều kiến thức thú vị. Nhờ sự nỗ lực không ngừng, cô tốt nghiệp thạc sĩ với xếp hạng luận văn loại xuất sắc. Hiện tại cô là chuyên viên phân tích dữ liệu về lâm nghiệp và bảo tồn đa dạng sinh học tại một công ty tư vấn môi trường hàng đầu tại Vancouver.
Hướng đến lối sống tích cực
Trước ý kiến "Con gái không nhất thiết phải học quá cao", cô bày tỏ: "Mình nghĩ đây là một quan điểm đã cũ nhưng vẫn còn phổ biến trong xã hội hiện đại. Theo mình, dù ở giới tính hay độ tuổi nào, ước mơ được học của mỗi người đều là chính đáng và cần được tôn trọng. Tùy vào giá trị cốt lõi của mỗi người, họ sẽ có cho mình lựa chọn riêng về việc học lên cao hay không.
Nhìn chung, việc học là cánh cửa mở ra rất nhiều cơ hội mới, chân trời mới, tạo ra cho mình những lựa chọn trong cuộc sống mà trước đó mình thậm chí chưa hề tưởng tượng ra. Việc giới hạn việc "học cao" không dành cho phái nữ là một định kiến nên được xóa bỏ. Mỗi người nên được tự do lựa chọn đi theo con đường mà họ mong muốn, phát triển bản thân và không ngừng học. Việc học không chỉ nằm ở bằng cấp hay danh xưng, nó nằm ở việc bản thân mình không ngừng trau dồi và mở rộng vốn sống, vốn kiến thức mỗi ngày".
Nguyệt Anh cũng rất quan tâm đến chăm sóc sức khỏe tinh thần để giảm thiểu căng thẳng. Cô thường tạo thói quen "check-in" với bản thân về trạng thái tinh thần mỗi ngày, mỗi tuần. Hơn nữa, cô cũng lắng nghe cảm xúc, tự tạo ra những khoảng nghỉ ngơi ngắn và không thúc ép bản thân quá sức, đặc biệt là không quên tự thưởng mỗi khi hoàn thành tốt công việc.
Cô gái Việt luôn nở nụ cười lạc quan để nhìn nhận cuộc sống theo hướng tích cực nhất.
Nguyệt Anh cho rằng, việc tạo ra những sở thích lành mạnh như dành nhiều thời gian trở về với thiên nhiên, đi dạo mỗi ngày trong không gian xanh đều là những thói quen rất tốt cho sức khỏe tâm thần.
"Mình chú trọng xây dựng và phát triển kết nối sâu với nơi mà mình đến học tập và làm việc: kết nối với cộng đồng, lối sống, văn hóa địa phương sẽ không khiến mình cảm thấy cô đơn. Việc tạo ra kết nối không chỉ thông quan những mối quan hệ với bạn bè, thầy cô mà còn là kết nối với chính bản thân mình - biết mình yêu thích điều gì ở nơi mình đến học tập và làm việc, biết rõ mục tiêu và điều gì là cốt lõi mà mình tìm kiếm ở nơi đó luôn luôn là kim chỉ nam giúp mình cảm thấy vui vẻ và không mất phương hướng", cô kể.
Quan điểm sống của cô gái 9X là "We start our life journey with a duffel bag full of talents. What we make of it is up to us" (tạm dịch: "Chúng ta đều bước vào cuộc sống này với một hành trang đặc biệt. Điều mà mỗi người có thể tạo nên từ hành trang đó phụ thuộc rất nhiều vào chính chúng ta").
Một số thành tích nổi bật của Nguyễn Nguyệt Anh:
- Tốt nghiệp cử nhân loại Xuất sắc tại trường ĐH Lâm nghiệp
- Tốt nghiệp thạc sĩ loại Xuất sắc tại ĐH British Columbia, Canada
- Học bổng toàn phần bậc Thạc Sĩ tại ĐH British Columbia, Canada
- Học bổng toàn phần YSEALI Academic Fellowship - Environmental Issues, Bộ Ngoại Giao Mỹ.
- Học bổng toàn phần Globalink Research Internship và Graduate Fellowship, Mitacs, Canada
- Điều hành và tổ chức các hoạt động giáo dục nhận thức về thiên nhiên và môi trường cho sinh viên, hợp tác với các tổ chức phi chính phủ tại Hà Nội như Save Vietnam's Wildlife và Asian Turtle Program.
- Một trong 2 đại diện của Việt Nam tham gia thuyết trình tại cuộc thi Thanh Niên Quốc Tế với Lâm Nghiệp tại Nga năm 2014, đạt giải Nhì.
- Xuất bản thành công hai bài báo quốc tế trên các tạp chí đầu ngành có bình duyệt.
|