Phương Tây thở phào khi Tổng thống Macron tái đắc cử
Không chỉ trở thành tổng thống Pháp đầu tiên đắc cử nhiệm kỳ hai trong 20 năm qua, ông Macron còn giúp các đồng minh an lòng với chiến thắng của mình.
 
Hàng trên, từ trái qua: Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ hôm 24/3. Ảnh: AFP.
 
Ông Emmanuel Macron hôm nay được xác định giành chiến thắng trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp với 58,8% phiếu bầu, đánh bại đối thủ cực hữu Marine Le Pen, người giành được 41,2% phiếu. Với chiến thắng này, ông trở thành tổng thống Pháp đầu tiên tái đắc cử kể từ năm 2002.
 
Phát biểu trước đám đông ủng hộ tại Champ de Mars gần tháp Eiffel, Tổng thống Macron nói chiến thắng của ông mang đến "một nước Pháp độc lập hơn và một châu Âu mạnh mẽ hơn".
 
Luke McGee, nhà phân tích của CNN, nhận định kết quả vòng hai bầu cử tổng thống Pháp mang đến "tiếng thở phào nhẹ nhõm" cho các đồng minh phương Tây, đặc biệt là ở Brussels, nơi đặt trụ sở của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
 
Cuộc bầu cử tổng thống Pháp diễn ra khi châu Âu đang đối mặt một thách thức nghiêm trọng: xung đột Ukraine. Nhiều người cho rằng cuộc khủng hoảng an ninh đã nhấn mạnh sự cần thiết của một phương Tây đoàn kết, khi đối mặt với Nga, đối thủ đang muốn tìm cách làm suy yếu liên minh này.
 
Pháp là thành viên của NATO, EU và G7. Quốc gia này cũng là cường quốc hạt nhân và có một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc. Dù tham gia vào các trụ cột của trật tự phương Tây, Pháp từ lâu ủng hộ một chính sách đối ngoại độc lập, đồng nghĩa họ có thể đóng vai trò như bên trung gian giữa trật tự phương Tây do Mỹ dẫn đầu với các quốc gia như Iran, Trung Quốc hay Nga.
 
Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Macron đã tới Moskva gặp trực tiếp người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Ông cũng tích cực tiến hành nỗ lực ngoại giao con thoi nhằm tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng, trong khi các đồng minh phương Tây tăng áp lực trừng phạt với Nga.
 
Dù một số quyết định của ông Macron trong cuộc khủng hoảng Ukraine khiến các đồng minh bất ngờ, NATO về cơ bản vẫn cùng chung lập trường. Khi ông bước vào cuộc bầu cử vòng hai với ứng viên cực hữu, các lãnh đạo phương Tây đã lo ngại rằng chiến thắng của bà Le Pen có thể làm rung chuyển mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
 
Nếu Le Pen chiến thắng, bà có thể làm thay đổi trục quyền lực ở châu Âu, khi là người có quan điểm không mặn mà với các tổ chức như NATO và EU. Dù đã giảm bớt giọng điệu chống châu Âu, bà Le Pen dường như có ý định cải cách triệt để EU, nhằm ưu tiên lợi ích cho những người theo chủ nghĩa dân tộc Pháp.
 
Quan hệ của bà Le Pen với Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho sẽ gây tổn hại nhiều nhất cho trật tự phương Tây, theo Dominic Waghorn, nhà phân tích chính trị của Sky News.
 
Bà Le Pen, người từng đến thăm Điện Kremlin trong chiến dịch tranh cử năm 2017, đã nhiều lần thể hiện quan điểm ủng hộ Nga. Mặc dù chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, bà nói rằng châu Âu nên khôi phục quan hệ với Moskva sau khi cuộc khủng hoảng kết thúc.
 
Roger Cohen, nhà phân tích của NY Times, nhận định nếu giành chiến thắng trước đương kim Tổng thống Macron, bà Le Pen gần như chắc chắn sẽ theo đuổi các chính sách làm suy yếu mặt trận đoàn kết của phương Tây.
 
"Nếu Brexit là một đòn giáng mạnh vào sự thống nhất của châu Âu, nước Pháp theo chủ nghĩa dân tộc dưới thời Le Pen sẽ rời khỏi EU. Điều đó sẽ làm tê liệt một tổ chức đảm bảo hòa bình quan trọng của châu lục trong thời điểm bất ổn", Cohen cho hay.
 
"Phương Tây đã tránh được kịch bản đó nhờ chiến thắng của ông Macron. Sẽ có những tiếng thở phào nhẹ nhõm trên khắp các văn phòng lãnh đạo ở châu Âu", Waghorn nhận định.
 
Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố rằng chiến thắng của ông Macron là "cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở châu Âu". Thủ tướng Anh đã gửi lời chúc mừng tới lãnh đạo Pháp và gọi Paris là "một trong những đồng minh thân cận nhất và quan trọng nhất với chúng tôi".
 
Ông Scholz và hai lãnh đạo châu Âu khác tuần trước còn có bước đi bất ngờ để làm rõ tầm quan trọng của cuộc bầu cử Pháp, khi đăng bài bình luận trên tờ Le Monde, bày tỏ nỗi lo lắng về nguy cơ bà Le Pen giành chiến thắng.
 
"Đó là lựa chọn giữa một ứng viên dân chủ, người tin rằng Pháp mạnh mẽ hơn trong một Liên minh châu Âu mạnh mẽ, với một ứng viên cực hữu công khai đứng về phía những người công kích tự do và nền dân chủ của chúng ta", bài bình luận có đoạn.
 
Chiến thắng của Tổng thống Macron, người luôn bày tỏ mong muốn châu Âu trở nên hùng mạnh và đoàn kết hơn trong chính sách an ninh, đối ngoại, đồng nghĩa hiện trạng an ninh châu Âu sẽ được tiếp tục duy trì trong 5 năm tới.
 
"Pháp và Đức vẫn là trụ cột của châu Âu, trong khi ông Macron có thể sẽ tiếp tục đóng vai trò nổi bật trong dẫn dắt châu lục về mặt ngoại giao", Dominic Waghorn, nhà phân tích của Sky News, nhận định.