Thị trường chứng khoán giảm sâu với hầu hết mã cổ phiếu từ blue-chips cho đến penny đều giảm. Chỉ số VN-Index giảm mạnh, mất gần 70 điểm.
Cú tụt áp bất ngờ
“Thị trường giảm quá sâu. Mức giảm còn mạnh hơn so với hồi đầu 2021 khi mà đại dịch Covid hoành hành. Tất cả các cổ phiếu trụ cột trong nhóm VN-30 đều mất điểm. Nhiều mã giảm sàn giống như thời kỳ các nhà đầu tư bán bằng mọi giá”, ông Nguyễn Hữu Hưng, một nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ.
Một nhà đầu tư nhỏ lẻ chia sẻ trên diễn đàn chứng khoán cho biết, lâu ngày không để ý tài khoản, “hôm nay vào thấy bay mất 69% so với tháng trước”.
Nhiều người không biết chuyện gì đang xảy ra và cũng quyết định bán với suy nghĩ khá giống nhau như “chạy nhanh còn kịp, mai lại thảm hơn”, hay như “nhiều lúc rẻ quá ai cũng chê, nhà đầu tư sợ của rẻ là của ôi”.
Chốt phiên giao dịch 25/4, chỉ số VN-Index giảm 68,31 điểm (-4,95%) xuống 1.310,92 điểm. Đây là mức giảm điểm mạnh chưa từng có, tính theo cả giá trị tương đối hay tuyệt đối. Tất cả 30 mã chủ chốt thuộc nhóm VN-30 đều giảm giá. Trong đó, Bảo Việt, BIDV, FPT, PNJ, VPBank, GVR, Vietinbank, Hòa Phát, GAS, MWG, Petrolimex, Sabeco, SSI, POW, Sacombank, TPBank giảm sàn. Thanh khoản đạt 24,2 nghìn tỷ đồng, trong đó có 21,9 nghìn tỷ đồng trên sàn HOSE.
Chứng khoán giảm mạnh lịch sử.
Nhiều người nhớ lại phiên giảm giá hồi đầu năm 2021 với hàng loạt mã blue-chips bị “đạp sàn” và chỉ số VN-Index mất 50-60 điểm. Một số người thậm chí còn nhớ tới cảnh thị trường “mở mắt ra là nằm sàn trong vòng một tháng hồi 2007-2008”, đến mức cơ quan chức năng sau đó phải thắt biên độ biến động giá cổ phiếu ở HSX xuống 1% và HNX xuống 2%.
Chứng khoán Việt Nam giảm sâu trong bối cảnh chứng khoán thế giới lao dốc.
Chứng khoán châu Á trong phiên 25/4 nối gót cú giảm mạnh nhất trong 2 năm trên thị trường chứng khoán Mỹ. Hầu hết các chỉ số chứng khoán châu Á tụt giảm do nhà đầu tư lo ngại về các đợt phong tỏa phòng dịch tại Trung Quốc.
Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc giảm gần 5% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020, xóa sạch mọi thành tích trong tháng 3. Chỉ số Shenzhen (Thâm Quyến) Component giảm tới 6%. Trong khi đó, chỉ số Shanghai (Thượng Hải) Composite giảm gần 5,1%.
Chứng khoán Nhật, Hàn Quốc… đều giảm 1,8-2%.
Trước đó, trong phiên cuối tuần qua, chứng khoán Mỹ ghi nhận cú giảm mạnh nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, với chỉ số công nghiệp Dow Jones mất hơn 900 điểm khi mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu sẽ tăng nhanh lãi suất để chống lạm phát, hiện đang ở mức cao nhất trong 40 năm qua: 8,5% ghi nhận trong tháng 3 vừa qua.
VN-Index rớt từ đỉnh 1.523 điểm về 1.310 điểm.
Giới đầu tư lo ngại ngân hàng trung ương các nước, trong đó có Fed, sẽ buộc phải giảm lượng tài sản trong bảng cân đối kế toán, thắt chặt định lượng và cách thức thắt chặt chính sách tiền tệ, nhằm giảm lượng thanh khoản trong nền kinh tế.
Không ít người cũng lo về khả năng lãi suất các hợp đồng repo, mua lại chứng khoán đã bán, tăng vọt lên đỉnh giống như hồi giữa tháng 9/2019. Và rủi ro lãi suất có thể trở thành rủi ro tín dụng trên thị trường tài chính khi mà người đi vay không chi trả được nợ khi đến hạn.
Bắt đáy, gom cho dài hạn?
Khi thị trường giảm sâu, nhiều người sợ tình trạng “bắt dao rơi” nhưng cũng có không ít người có tiền tươi tham gia vào bắt đáy, gom cho dài hạn hoặc dùng tiền lãi cho cú đầu tư khi thị trường biến động mạnh.
“Từ kinh nghiệm những đợt sập các năm trước 2020, đã quăng 90% vốn vào các kênh khác. Từ cuối 2021 cho tới nay, chỉ đầu tư một phần tiền lời vào cổ phiếu. Anh em cứ tiền tươi, mua mấy doanh nghiệp tốt”, một nhà đầu tư chia sẻ trên diễn đàn chứng khoán.
Một số nhà đầu tư chấp nhận rủi ro hơn. “Chính thức mua tất tay cổ phiếu, dự có một cú bứt phá lội ngược dòng khi đó tranh mua lại như lúc tranh nhau bán”.
Chia sẻ trên một trang mạng, một nhà đầu khách cho rằng, phiên 25/4 lần này giống hệt phiên 29/1 năm ngoái. Thị trường bị “đạp siêu sâu”, xong từ đấy thị trường bật mạnh trở lại.
Dòng tiền có dấu hiệu rút ra.
Không ít nhà đầu tư có kinh nghiệm, trong đó có những người quản lý quỹ khá lớn, cũng đã bắt đầu bắt đáy từ nhiều phiên gần đây và đã “tất tay” từ phiên cuối tuần trước với kỳ vọng sau khi giảm 10% thì trường sẽ hồi trở lại.
Ông Nguyễn Văn Tám, một nhà đầu tư tại Thanh Xuân (Hà Nội), cho rằng, đây là thời điểm để chọn cổ phiếu tốt. Khi thị trường đi xuống, cổ phiếu đồng loạt giảm kể cả tốt xấu. Đây là cơ hội để chọn các cổ phiếu có triển vọng tốt, có kết quả kinh doanh quý I khả quan, giá chiết khấu hợp lý. Nhà đầu tư có thể mua dần, chia làm nhiều đợt và không sử dụng margin.
Nhiều người cũng tin vào sự minh bạch hơn của thị trường và kỳ vọng vào khả năng chứng khoán Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng từ cận biên lên thị trường mới nổi.
Ở chiều ngược lại, nhiều người tỏ ra khá thận trọng. Một số người cho rằng không nên bắt đáy sớm, “cứ để thị trường tạo đáy xong hãy mua”, “mình mua cao bán cao, ít lo hơn là bắt đáy”.
Nhiều nhà đầu tư nhận xét, thị trường tăng nhiều trong 2 năm trước. Nhiều cổ phiếu tốt nhưng “giá đã cao”. Hơn thế, trong quý II, thế giới còn nhiều biến động. Thị trường tài chính Mỹ có thể còn nhiều cú sốc. Họ lo ngại, TTCK có thể rơi vào tình trạng “đóng băng”, phải chờ kinh tế hồi phục và các nhà đầu tư lành vết thương, quên đi những đau đớn, tổn thất. Thời gian có thể tính bằng năm.
Trong các dự báo gần đây, đa số các công ty chứng khoán tỏ ra thận trọng và tính đến ngưỡng hỗ trợ quan trọng ở mức 1.300 điểm và 1.350 điểm. Những dự báo 1.550 điểm hay thậm chí 1.800 điểm không còn được nhắc tới.
Thực tế, trong hơn hai tuần qua, chứng khoán Việt Nam đã giảm tổng cộng gần 15%, khiến vốn hóa bốc hơi khoảng 50 tỷ USD. Rất nhiều mã cổ phiếu giảm trên 40%. Không ít mã giảm sàn liên tục và bốc hơi 70-80% như trong các nhóm cổ phiếu nóng.
Về dài hạn, thị trường vẫn đi lên theo sự phát triển của nền kinh tế. Nhiều nhà đầu tư tổ chức, trong đó có khối ngoại, đã và đang gom hàng và thường thắng trong dài hạn. Tuy nhiên, dòng tiền gần đây dường như co lại.
Điều mà nhiều người lo ngại chính là dòng tiền trên diện rộng có thể bị rút ra khỏi thị trường cổ phiếu khi mà sức hấp dẫn kém đi, các doanh nghiệp đưa vốn trở lại sản xuất, lãi suất tiền gửi ngân hàng tăng và một lượng tiền có thể bị hút do hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp không còn thuận lợi.
M. Hà