Trình độ xâm phạm bản quyền ở Việt Nam 'thuộc top đầu'
Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, 'nếu nói trình độ xâm phạm bản quyền trên mạng Việt Nam đứng thứ nhì, thì không ai dám đứng thứ nhất'.
Siêu vi phạm
 
Ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT), nhắc lại câu chuyện bài Quốc ca Việt Nam đã bị tắt đi trong chương trình truyền hình trực tiếp trận đấu bóng đá giữa hai đội Việt Nam - Lào hồi cuối năm 2021. Trong buổi tọa đàm Thế hệ trẻ với bản quyền trên không gian mạng, do Bộ VH-TT-DL tổ chức chiều qua 26.4 tại Hà Nội, ông Do nhớ lại: “Mới đầu tôi giật mình, tôi gọi ngay cho bà Giám đốc Google Đông Nam Á để hỏi tại sao lại tắt tiếng Quốc ca. Bà ấy nói không, chúng tôi không tắt, các anh kiểm tra đơn vị tường thuật. Đấy là đơn vị từng bị đánh bản quyền, chuyện vì sao đánh thì không chia sẻ ở đây. Sau khi bị đánh thì họ có ý thức về việc bản quyền đó cao đến nỗi thà tắt luôn tiếng Quốc ca còn hơn bị đánh bản quyền tiếp”.
 
Trình độ xâm phạm bản quyền ở Việt Nam 'thuộc top đầu'
 
Phim Gái già lắm chiêu cũng từng bị live stream
 
ĐOÀN PHIM CUNG CẤP
 
Trong khi đó, luật sư Phan Vũ Tuấn, Trưởng văn phòng luật sư Phan Law Việt Nam, lại nhắc tới việc bộ phim Cô ba Sài Gòn của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân bị live stream trên mạng. Vụ việc nổi tiếng này khiến ông suy nghĩ rất nhiều. Thủ phạm là một người trẻ tuổi, bị đơn vị sở hữu bắt tại rạp khi đã live stream bộ phim này 30 phút. “Lúc đó bạn ấy nói mình làm vậy chưa ổn, vì bạn của bạn ấy quay trộm Siêu nhân X rồi từ từ mới up lên và chả ai làm gì được. Rồi bạn ấy nói về cái giá dùng để quay trộm sao cho không rung… Khi live stream có 3.000 view, không có quảng cáo. Nhà sản xuất ít nhất mất 3.000 vé đó”, ông Tuấn nói.
 
Cũng theo ông Tuấn, thiệt hại của 30 phút đó rất lớn, lớn hơn 3.000 vé nhiều. Trong thời gian đó có những người tải về. “Một phim làm 20 - 100 tỉ, các bạn live cái mất luôn. Chúng tôi đề nghị xử lý hình sự, rồi báo chí nói cậu đó mới 19 tuổi. Các bạn có chấp nhận chuyện đó không, một người trẻ và gây thiệt hại kiểu như vậy”, ông Tuấn đặt vấn đề.
 
Trong khi đó, ông Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), cho biết nhiều đơn vị vẫn nghĩ đến việc chi trả không cần phải cụ thể. Trước đây, trung tâm của ông chờ các đơn vị phát thanh truyền hình báo về lượt sử dụng tác phẩm vào cuối năm, rồi sau đó thu tiền. Tuy nhiên, giờ đây, công nghệ đã giúp chủ động đo đếm lượt sử dụng, chỉ trong vòng 24 giờ có thể có số liệu về việc đơn vị đó sử dụng thế nào. “Có người nói năm nay họ chỉ dùng có 500 bài, mà khi tôi yêu cầu kỹ thuật chuyển lại thống kê, con số thật là 5.800 bài kèm theo đầy đủ ngày giờ phát”, ông Cẩn nói.
 
Ông Phan Vũ Tuấn nói: “Nếu nói trình độ xâm phạm bản quyền trên mạng Việt Nam đứng thứ nhì thì không ai dám đứng lên thứ nhất cả. Chúng tôi xử lý xâm phạm ở Lào, Myanmar… chỉ cắt dịch vụ mạng 1 lần là họ thôi. Chúng tôi không thể trông vào việc báo lên cho anh Lê Quang Tự Do được vì nước xa không cứu được lửa gần. Một trận đấu bóng đá chúng tôi báo họ nói 90 phút sau sẽ gỡ, thì lúc đó đã thiệt hại rồi. Trong khi YouTube chỉ 3 phút là gỡ”. Ông Tuấn cũng nêu rằng: “Khi trình độ xâm phạm đạt đến mức độ cao thì công cụ pháp luật là quan trọng”.
 
Phim Cô ba Sài Gòn bị một thanh niên 19 tuổi live stream
 
Phim Cô ba Sài Gòn bị một thanh niên 19 tuổi live stream
 
Thay đổi ý thức
 
Theo ông Tuấn, có nhiều website vi phạm phim lớn trên thế giới, điều tra ra là người Việt Nam điều hành. Ông cho rằng người Việt có khi xâm hại bản quyền trên mạng một cách ngây thơ như trường hợp Cô ba Sài Gòn. Cũng có khi đó là xâm hại cố tình. Đó là trường hợp của phimmoi.net. “Không bao giờ họ cần quảng bá cả, chính các bạn quảng bá. Mỗi lần đóng trang thì nó lại biến thành y, z phimmoi.net. Có vài trăm web như vậy tồn tại vì chính người xem lan truyền. Vụ phimmoi.net cũng là vụ án đầu tiên khởi tố hình sự được. Chúng tôi đang trông chờ có thể khởi tố được bị can, đưa được ra tòa”, ông Tuấn nói.
 
Cũng theo ông Tuấn, vấn đề xâm hại đến từ ý thức chứ không phải vì tiền. “Các bạn có thể bỏ 20.000 đồng để đăng ký tài khoản xem cả tháng trời. Nhưng các bạn lại sẵn sàng nhắn tin 5.000 đồng để xem trận đấu vi phạm… Các bạn nhận hình ảnh chất lượng xấu, tín hiệu chậm, thậm chí hình bị lật ngược lại và phải xem trong gương. Nếu ta không xem phim lậu, không xem bóng đá lậu thì họ không tồn tại được”, ông Tuấn nói.
 
Ông Lê Quang Tự Do cũng cho rằng đại đa số chúng ta coi thường việc bản quyền. Người dân Việt Nam quen xem miễn phí, họ thấy cứ miễn phí là được, kể cả miễn phí mà xấu, quay bằng điện thoại. Trong khi chỉ bỏ ra 20.000 đồng xem trên ứng dụng có bản quyền là thoải mái. Bên cạnh đó, ông cũng cảnh báo những loại vi phạm còn liên quan đến an ninh. “Có những người lập kênh trên FB, TikTok, YouTube rồi lấy các clip của nhiều cơ quan báo chí cắt lại phát và thu tiền như nó là của mình. Nguy hiểm hơn, nhiều tổ chức phản động lấy hình rồi lại cắt dựng clip phản động. Rồi chuyện khi phát thì lại còn có quảng cáo của doanh nghiệp trong nước. Như vậy là vừa xâm phạm bản quyền vừa thu lợi trái phép”, ông Lê Quang Tự Do nói.