Vịt Cổ lũng là giống vịt đặc sản ở xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá nhưng chỉ được bà con ở đây nuôi nhỏ lẻ, giống cũng bị lai tạp nhiều nên có nguy cơ mai một.
Mấy năm trở lại đây, sản phẩm vịt Cổ Lũng đã trở thành một sản vật nổi tiếng mà bất kỳ du khách nào khi đặt chân đến vùng đất Pù Luông - Bá Thước cũng mong muốn được thưởng thức.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, những năm qua đặc sản vịt Cổ Lũng có chiều hướng bị lai tạp. Do đó, việc phát triển giống vịt bản địa Cổ Lũng chất lượng tốt và xây dựng thương hiệu vịt Cổ Lũng đang được các cấp chính quyền địa phương và người dân nơi đây quan tâm, thực hiện.
Có mặt tại xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, chúng tôi đến thăm khu vực nuôi vịt Cổ Lũng của gia đình anh Hà Văn Sinh ở bản La Ca. Dọc dòng suối Nủa khoảng 800 m chính là nơi Hà Văn Sinh gìn giữ và phát triển giống vịt có nguồn gốc bản địa này. Dọc con suối, hàng trăm con vịt Cổ Lũng lớn bé tung tăng bơi lội nhìn rất thích mắt. Với đặc điểm mình bầu, cổ ngắn, mình bè..., đàn vịt của gia đình anh Hà Văn Sinh được đánh giá là có chất lượng tốt và gần với giống vịt bản địa Cổ Lũng.
Ngoài việc chăn thả vịt tự nhiên trên suối, anh Hà Văn Sinh còn thuê nhân công đào 3 vuông ao, dùng cọn (hay còn gọi là guồng nước, bánh xe nước) để dẫn nước suối lên các ao. Dưới tán cây rừng, anh Sinh xây những chuồng nuôi kiên cố, chia thành các ô lớn nhỏ để nuôi vịt thịt, vịt đẻ trứng, vịt giống...
Anh Hà Văn Sinh, bản La Ca, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Nông lâm Thanh Hóa, tôi đã mất một khoảng thời gian dài loay hoay tìm việc nhưng mọi thứ không suôn sẻ. Trong một lần dẫn khách về quê trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng, khách được ăn món vịt Cổ Lũng ngay ở bản Hiêu và khen chưa bao giờ được ăn món vịt nào ngon như vậy. Thế là tôi như bừng tỉnh, tôi chợt nhận ra đây chính là hướng đi của mình. Vì thế tôi quyết định về quê nuôi vịt”.
Mới đầu, anh Hà Văn Sinh gặp không ít khó khăn, anh phải đến các nhà dân trong bản tìm đúng gốc vịt Cổ Lũng gốc, chưa bị lai tạp, sau đó về chăn nuôi sinh sản, nhân đàn. Sau lứa nuôi đầu tiên, anh Sinh tiếp tục lựa chọn những con giống khỏe mạnh nhất với 50 con vịt mẹ và 15 con vịt bố, cho đẻ rồi ấp nhân giống, số còn lại thì đem bán thịt.
Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đàn vịt Cổ Lũng của gia đình anh Hà Văn Sinh phát triển tốt, hiện anh đang hiện gần 500 con vịt Cổ Lũng cho hiệu quả kinh tế rất cao. Không dừng lại ở đó, anh Hà Văn Sinh đến vận động các hộ dân trong bản sống cạnh suối Nủa cùng anh nuôi vịt Cổ Lũng, anh Sinh sẽ cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi, xây dựng chuồng trại, chăm sóc...
Để khuyến khích dân bản nuôi vịt Cổ Lũng, năm 2017, Hà Văn Sinh thành lập Hợp tác xã Phát triển chăn nuôi vịt Cổ Lũng với 12 thành viên, nuôi từ 2.000-2.500 con vịt Cổ Lũng theo quy trình nghiêm ngặt từ sản xuất giống, chọn giống, bố trí, vệ sinh chuồng trại, chế độ ăn đến cách tiêm phòng, trị bệnh...
Anh Hà Văn Sinh cũng chính là người bao tiêu sản phẩm cho các thành viên trong hợp tác xã. Để đảm bảo lúc nào cũng có hàng xuất bán, Hà Văn Sinh hướng dẫn các hộ nuôi gối lứa, mỗi năm cũng nuôi từ 5 - 6 lứa để lúc nào cũng có vịt bán ra thị trường.
Mấy năm gần đây, du lịch ở Pù Luông phát triển mạnh mẽ, nhiều resort, nhà hàng, khu du lịch cộng đồng được thành lập thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Nhờ đó, vịt nuôi đến đâu bán hết đến đó, thương lái đến tận nhà thu mua. Giá vịt thịt bán ra thị trường tương đối ổn định với giá từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi từ 50-60%.
Hiện thu nhập của mỗi thành viên trong hợp tác xã trung bình đạt từ 100-150 triệu đồng mỗi năm. Học theo anh Hà Văn Sinh, mấy năm trở lại đây, không chỉ các hộ dân ở xã Cổ Lũng mà các xã lân cận như Lũng Niêm, Thành Sơn, Thành Lâm cũng đến đây để mua giống vịt Cổ Lũng về chăn nuôi, phát triển kinh tế.
Anh Hà Văn Sinh, bản La Ca, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước khẳng định: “Hiện vịt Cổ Lũng của Hợp tác xã Phát triển chăn nuôi vịt Cổ Lũng đang cung cấp cho các nhà hàng, các khu du lịch trên địa bàn huyện Bá Thước và thành phố Thanh Hóa. Mong muốn thời gian tới, sản phẩm vịt Cổ Lũng không chỉ là thương hiệu của Bá Thước, mà của cả tỉnh Thanh Hóa, vươn ra được thị trường trong cả nước.”
Theo lý giải của các nhà chuyên môn, vịt Cổ Lũng – Bá Thước nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon là nhờ các điều kiện thiên nhiên độc đáo. Khu vực địa lý ở đây có địa hình vùng núi cao, nằm kẹp giữa các dãy núi Nậm Bá, Nậm Mười, Pha Lé, Pù Luông... với khí hậu quanh năm mát mẻ cùng với đó là các con suối nước trong xanh, sạch sẽ, nguồn thức ăn tự nhiên phong phú như ốc suối, cá nhỏ, tôm tép... đã tạo ra môi trường lý tưởng cho vịt Cổ Lũng sinh sống và phát triển. Nhờ đó, vịt Cổ Lũng có hương vị đặc trưng không thể lẫn với bất kỳ loài vịt nào.
Dự án đã thực hiện thành công mô hình chăn nuôi vịt sinh sản, vịt thương phẩm và ấp nở trứng vịt theo hướng an toàn sinh học. Hiện các mô hình này đã được nhân rộng ra toàn huyện, giúp nhân dân mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Ông Bùi Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước cho biết: “Vịt Cổ Lũng được xác định là con nuôi có lợi thế trên địa bàn xã nói riêng và các xã lân cận nói chung. Trên địa bàn xã có khoảng 500 hộ nuôi vịt; trong đó có 25 hộ tham gia vào các hợp tác xã chăn nuôi vịt Cổ Lũng theo quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo giống vịt Cổ Lũng nhanh lớn, thịt có chất lượng thơm ngon, ít dịch bệnh.
Hiện sản phẩm vịt Cổ Lũng tại địa phương vẫn chưa đủ cung cấp cho nhu cầu ngày càng nhiều của thị trường. Xã đang đề xuất với huyện tăng cường quảng bá, giới thiệu giá trị của con vịt Cổ Lũng trên hệ thống thông tin đại chúng, xúc tiến việc đầu tư, mời các doanh nghiệp vào đầu tư chăn nuôi vịt Cổ Lũng.
Đồng thời, hướng tới nhân rộng mô hình chăn nuôi vịt theo hướng VietGAP, từng bước đưa vịt Cổ Lũng trở thành sản phẩm OCOP, tạo cơ hội quảng bá sản phẩm đến nhiều nơi hơn.
Tháng 11/2020, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) đã ban hành Quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00090 cho vịt Cổ Lũng - Bá Thước. Khu vực địa lý, gồm xã Ban Công, xã Thành Lâm, xã Thành Sơn, xã Lũng Niêm và xã Lũng Cao thuộc huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa).